Nguy cơ oan sai vụ "tổ trưởng bị truy tố tội trốn thuế"

Tòa trả hồ sơ để yêu cầu VKSND quận Hoàn Kiếm bổ sung chứng cứ buộc tội quan trọng nhất của vụ án nhưng đã bị từ chối khiến cho vụ án bị ngâm tại tòa gần 1 năm. Nguy cơ oan sai hiện rõ trong quan điểm của VKS.

[links()]Tòa trả hồ sơ để yêu cầu VKSND quận Hoàn Kiếm bổ sung chứng cứ buộc tội quan trọng nhất của vụ án nhưng đã bị từ chối khiến cho vụ án bị ngâm tại tòa gần 1 năm. Nguy cơ oan sai hiện rõ trong quan điểm của VKS.

Gần 1 năm “ngâm” hồ sơ

Báo PLVN Online có các bài phản ánh về vụ “kỳ án” xảy ra tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, khi một “cựu” tổ trưởng dân phố, ông Đỗ Tòng Tuy, trú tại 35 Hai Bà Trưng, Hà Nội bị VKSND quận Hoàn Kiếm truy tố về tội “trốn thuế” vì đã không nộp thuế đối với khoản thu nhập mà gia đình ông có được từ việc “tằn tiện” chỗ ở và cho thuê phần diện tích nhà còn lại để kiếm thêm thu nhập.

Sau khi các bài báo được đăng tải, các cơ quan chức năng đã quan tâm và yêu cầu VKSND quận Hoàn Kiếm báo cáo rõ về vụ việc. Cơ quan xét xử là TAND quận Hoàn Kiếm cũng đã rất thận trọng khi đánh giá hồ sơ vụ án. Vì vậy, ngày 29/2/2012, Tòa án đã ra quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung thay vì đưa ra xét xử vụ án mà trước đó ít ngày, VKS Hoàn Kiếm khẳng định là “truy tố đúng”.

Theo quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, Tòa án quận Hoàn Kiếm yêu cầu VKS điều tra về quyền sở hữu nhà ở đối với tài sản cho thuê. Theo đó, phải lấy lời khai của những thành viên trong gia đình ông Đỗ Tòng Tuy có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất để làm rõ việc cho thuê và sử dụng tiền thuê nhà.

Theo Luật sư Lê Văn Kiên, VPLS Ánh Sáng Công lý, thì đây là những nội dung rất quan trọng của vụ án. Vì, các đạo luật thuế đều liên quan đến quyền sở hữu tài sản. Việc xác định trách nhiệm nộp thuế thu nhập cá nhân (trước đây là thuế thu nhập doanh nghiệp) đối với tài sản cho thuê bắt buộc phải xác định quyền sở hữu đối với tài sản cho thuê. Vì, theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân có tài sản cho thuê thuộc đối tượng nộp thuế.

Đối với vụ án này, việc CQĐT, VKS không làm rõ ai có quyền sở hữu nhà cho thuê thì sẽ không làm rõ được ai sở hữu, sử dụng thu nhập từ việc thuê nhà. Từ đó, sẽ không có cơ sở xác định ai chịu trách nhiệm phải nộp thuế. Chưa xác định được cá nhân có tài sản cho thuê đã quy kết ông Đỗ Tòng Tuy chịu trách nhiệm nộp thuế sẽ là một đáp án sai khiến cho ông Tuy phải gánh tội oan. Vì vậy, yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án là yêu cầu hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên, VKS quận Hoàn Kiếm đã từ chối yêu cầu của Tòa vì cho rằng yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án là không cần thiết. Vì vậy, VKS “trả” lại hồ sơ cho Tòa án để xét xử đối với ông Đỗ Tòng Tuy. Song, đã gần 1 năm kể từ ngày VKS chuyển hồ sơ, Tòa án vẫn không thể xét xử.

Áp dụng sai luật, VKS chuyển trách nhiệm cho tòa?

Trong văn bản trả lời tòa án, VKS quận Hoàn Kiếm cho rằng, cá nhân, hộ gia đình có nhà cho thuê, không phân biệt nguồn gốc, tính chất sở hữu đều phải nộp thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong vụ án này, ông Đỗ Tòng Tuy trực tiếp ký hợp đồng, trực tiếp nhận tiền cho thuê nhà. Vì vậy, ông Đỗ Tòng Tuy phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế. Trong quyết định giải quyết khiếu nại của ông Đỗ Tòng Tuy, mặc dù không đưa ra được cơ sở pháp lý chứng minh ông Tuy phải nộp thuế đối với toàn bộ thu nhập từ việc cho thuê nhà phát sinh cho 6 cá nhân sở hữu chung nhà, nhưng VKS quận Hoàn Kiếm vẫn “bác đơn khiếu nại” của ông Đỗ Tòng Tuy.

Việc cho rằng, ông Tuy ký hợp đồng và nhận tiền nên ông Tuy phải nộp thuế và phải… chịu tội rõ ràng là một quan điểm sai lầm. Luật sư Trần Việt Hùng đánh giá, việc xác định cá nhân nào phải nộp thuế phải căn cứ vào quy định của pháp luật chứ không chỉ căn cứ vào việc cá nhân đó có ký hợp đồng và nhận tiền.

Theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (áp dụng trước ngày 1/1/2009), cá nhân có tài sản cho thuê là người phải nộp thuế. Diện tích nhà của gia đình ông Tuy cho thuê là tài sản chung của 6 người thì tiền cho thuê không phát sinh riêng đối với một mình ông Tuy nên việc quy kết ông Tuy “nhận tiền” thì phải chịu tội là không có căn cứ pháp luật.

Nguyên nhân của việc từ chối điều tra theo yêu cầu của Tòa, có lẽ  không khó hiểu. Nếu làm đúng yêu cầu của Tòa thì vụ án sẽ thay đổi theo hướng khác, vì khi làm rõ “cá nhân có tài sản cho thuê”, những người khác trong gia đình ông Tuy cũng là đồng sở hữu tài sản sẽ là những người phải nộp thuế. Khi đó, số thuế mỗi người phải nộp sẽ giảm xuống, không đủ căn cứ truy tố về tội trốn thuế. Lúc đó, vụ án “hiện nguyên hình” là… án oan.

Với những ý kiến chưa xác đáng và tài liệu, chứng cứ còn thiếu và cả những yêu cầu điều tra bổ sung rất chính đáng nhưng không được chấp nhận, liệu tòa án có dám tuyên bố ông Tuy bị oan hay chấp nhận gánh trách nhiệm thay cho cơ quan điều tra, truy tố?

Năm 1997 gia đình ông Tuy cho thuê 21m2 trong diện tích nhà ở thuê của Nhà nước. Việc cho thuê kéo dài đến năm 2007 thì xảy ra tranh chấp và bên thuê nhà “tố” ông Tuy trốn thuế cho thuê nhà. Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định truy thu và xử phạt tiền thuế đối với ông Tuy hơn 475 triệu đồng. Không đồng ý, ông Tuy khiếu nại và Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm đã chuyển hồ sơ để CQĐT xử lý hình sự về tội trốn thuế do ông Tuy không chấp hành nộp tiền theo quyết định xử phạt.

Ngày 5/1/2012, VKSND quận Hoàn Kiếm hoàn tất bản cáo trạng truy tố ông tổ trưởng tổ dân phố vì đã trốn hơn 243 triệu đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài và thuế giá trị gia tăng.

Bình Minh

Đọc thêm