Nguy cơ "trắng tay" vì cho vay đáo hạn ngân hàng

Thời gian gần đây, bà Lê Thị Gái và Trần Thị Ngoan nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng của huyện Hoài Nhơn (Bình Định) để tố cáo hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của một số người thông qua cho vay để đáo hạn ngân hàng.

Thời gian gần đây, bà Lê Thị Gái và Trần Thị Ngoan nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng của huyện Hoài Nhơn (Bình Định) để tố cáo hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của một số người thông qua cho vay để đáo hạn ngân hàng.

Bà Gái (bên trái) và bà Ngoan đang như “ngồi trên đống lửa” trước nguy cơ trắng tay vì trót  đem tiền cho người khác vay đáo hạn ngân hàng
Bà Gái (bên trái) và bà Ngoan đang như “ngồi trên đống lửa” trước nguy cơ trắng tay vì trót đem tiền cho người khác vay đáo hạn ngân hàng

Từ năm 2010 đến 2011, bà Lê Thị Gái (SN 1971, trú thôn Ca Công, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn) nhận thấy việc cho người khác vay tiền để đáo hạn ngân hàng (cho vay trong khoảng thời gian từ 5-10 ngày rồi sau đó lấy lại tiền gốc và lãi) có vẻ “ăn nên làm ra” nên đứng ra làm dịch vụ. Ngoài số tiền mặt và tài sản sẵn có, bà Gái còn đi vay mượn của những người thân trong gia đình và ngân hàng với mục đích tích lũy số vốn đủ lớn để có thể làm ăn lâu dài.

Theo trình bày của bà Gái: Trong khoảng thời gian nói trên, bà đã cho hơn 10 người trú tại xã Hoài Hương, Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn) vay tiền để đáo hạn ngân hàng với số tiền cho vay gần 7 tỉ đồng.

Lúc đầu, những người vay thực hiện việc trả tiền lãi và gốc cho bà Gái khá đầy đủ. Tuy nhiên, càng về sau khi họ vay với số tiền nhiều hơn thì việc hoàn trả tiền gốc và lãi lại chậm hơn. Và hơn 1 tháng trở lại đây, những người đứng ra vay tiền của bà Gái tìm cách trốn tránh, cố tình không trả cả tiền gốc lẫn lãi.

Bà Gái cho biết: “Những người vay tiền của tôi cố tình tìm cách tránh mặt, không hoàn trả số tiền gốc và lãi đã vay. Rất nhiều lần tôi tìm đến tận nhà đòi nhưng họ đều tìm cách lẩn tránh, không chịu trả nợ. Do không đòi được tiền nên tôi không có khả năng trả tiền lãi và gốc đã vay của những người thân và ngân hàng. Hiện gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, có nguy cơ trắng tay nếu những người vay tiền cố tình chiếm đoạt, không trả nợ. Để bảo vệ quyền lợi của mình, tôi đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng của huyện Hoài Nhơn nhờ can thiệp, giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”.

Bà Trần Thị Ngoan (trú thôn Kim Thiện, xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi cũng cho nhiều người vay đến hàng tỷ đồng để đáo hạn ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay những người này cũng tìm cách trốn tránh, không trả số tiền lãi và gốc cho bà Ngoan.

Trước tình trạng trên, bà Ngoan gửi đơn đến các cơ quan chức năng của huyện Hoài Nhơn để nhờ can thiệp. Thế nhưng, cũng như bà Gái, vụ việc của bà Ngoan tới nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng, Chánh án TAND huyện Hoài Nhơn, cho biết: Tòa đã nhiều lần triệu tập các đối tượng có liên quan đến việc vay tiền của bà Ngoan tới làm việc. Tuy nhiên, các đối tượng này đều cố tình tìm cách trốn tránh, không hợp tác với tòa. Trước tình hình này, bà Ngoan nên làm đơn yêu cầu để Công an huyện Hoài Nhơn nên xem xét, giải quyết; nếu các đối tượng có dấu hiệu hình sự thì công an xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, Thượng tá Trương Văn Phụng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hoài Nhơn, cho rằng: Vụ việc của bà Ngoan không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan công an; đề nghị bà Ngoan gửi đơn đến TAND huyện Hoài Nhơn để được xem xét, giải quyết.

“Cơ quan Công an nói vụ việc của tôi không thuộc thẩm quyền giải quyết của họ; trong khi đó, phía tòa án lại hướng dẫn tôi nhờ công an can thiệp. Cứ lòng vòng như vậy, tôi chẳng biết phải làm thế nào nữa. Tôi chỉ mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết vụ việc để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho tôi”, bà Ngoan cho biết.

Thời gian gần đây, tình trạng một số người lợi dụng việc vay mượn tiền để đáo hạn ngân hàng, huy động vốn rồi chiếm đoạt tài sản xảy ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh Bình Định. Vậy nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều người vẫn “sập bẫy”, đến khi nhận ra thì mọi việc đã quá muộn.

Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định cần tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người nhận thấy mức độ nguy hiểm của việc đứng ra cho vay đáo hạn ngân hàng. Đồng thời, có biện pháp xử lý thật nghiêm đối với những đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, người dân cũng cần phải nêu cao cảnh giác, đừng vì cái lợi trước mắt mà quên đi những rủi ro vô cùng cao của việc cho vay đáo hạn ngân hàng. 

Công Minh

Đọc thêm