Nguyên cán bộ công an 25 năm đi đòi một lời xin lỗi

Cơ quan điều tra bắt giam ông Nguyễn Hữu Đa, một cán bộ công an vì hành vi “buôn lậu” gần 17 tháng mà không có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát. Song, việc làm này vẫn không bị coi là... sai.

Cơ quan điều tra bắt giam ông Nguyễn Hữu Đa, một cán bộ công an vì hành vi “buôn lậu” gần 17 tháng mà không có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát. Song, việc làm này vẫn không bị coi là.. sai.

“Món quà” từ nước ngoài và cái “án” 17 tháng tù về tội buôn lậu

Suốt 25 năm qua, ông Nguyễn Hữu Đa (SN 1937), trú tại số nhà 78B Nguyễn Du, Hà Nội liên tục gõ cửa nhiều cơ quan có thẩm quyền để đòi một lời xin lỗi về việc CQĐT bắt giam ông từ tháng 2/1985 đến tháng 9/1986 với cáo buộc phạm tội “buôn lậu" 2 chiếc áo lông, 2 lốp và 4 xích xe máy, 5 cuộn phim ảnh đen trắng .

Theo tài liệu ông Đa cung cấp, năm 1984, ông được cơ quan cử đi công tác tại Công hòa dân chủ Đức với vai trò là người phiên dịch. Ông Đa đã gửi về nước một số hàng hóa trên để sử dụng chứ không nhằm mục đích buôn bán.

Ông Nguyễn Hữu Đa.
Ông Nguyễn Hữu Đa.

Tuy nhiên, ngày 13/2/1985, ông bị bắt khẩn vì CQĐT cho rằng ông đã gửi vào công-ten-nơ hàng viện trợ nhằm mục đích trốn thuế và trốn cước vận chuyển, vi phạm Điều 3, Pháp lệnh trừng trị tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả và kinh doanh trái phép. Ông bị giam giữ đến ngày 4/9/1986 thì được tạm tha. Song tội danh của ông vẫn bị “treo” và CQĐT vẫn tiếp tục theo đuổi việc buộc tội.

Ngày 26/7/1989, Tổng Cục an ninh có Kết luận số 501/A11-A24 với nội dung sai phạm của ông Đa chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự và đề nghị thi hành kỷ luật bằng hình thức “cảnh cáo”.

Trong quyết định kỷ luật ngày 6/3/1990 của Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc, Bộ Công an, vi phạm của ông Đa được xác định là không nghiêm chỉnh chấp hành quy định của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đối với cán bộ, chiến sỹ công an đi công tác, học tập ở nước ngoài. Không có hành vi “buôn lậu” nào được nhắc đến nữa và các cơ quan khởi tố, bắt giam ông cũng “quên” luôn vụ án và 17 tháng bắt giam.

25 năm đòi danh dự

Trong quyết định kỷ luật đối với ông Đa, Cục Thông tin liên lạc cũng trả lại cho ông tiền lương thời gian ông bị bắt tạm giam, nhưng không một lời xin lỗi nào được đưa ra.

Trong Văn bản số 1394, ngày 8/12/2011, trả lời ông Đa, Thanh tra Bộ Công an đã tóm tắt quá trình giải quyết khiếu nại của Bộ Công an đối với yêu cầu của ông Đa; cơ quan này cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền vẫn thấy việc bắt giam đối với ông vào thời điểm đó là cần thiết nên việc bắt giam là không sai.

Quá trình điều tra xét thấy hành vi buôn lậu của ông chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên ông được tha và chỉ bị xử lý kỷ luật hành chính. Thanh tra Bộ Công an cũng yêu cầu ông Đa chấm dứt khiếu nại cũng như hành trình đòi xin lỗi vì đã có văn bản giải quyết khiếu nại cuối cùng của Tổng cục Xây dựng lực lượng.

Nhưng ông Đa không đồng ý với những yêu cầu trên vì CQĐT cần xin lỗi vì đã giam oan ông 17 tháng với tội danh mà ông không thực hiện. Ông Đa cũng đưa ra bằng chứng minh cho việc làm oan đối với ông, như: biên bản kiểm kê hàng hóa tại tàu thời điểm đó xác định hàng ông gửi về được chứa trong các hòm gỗ chư không phải là gửi trong công – ten – nơ hàng viện trợ như quy kết của CQĐT.

Đặc biệt, việc làm oan đối với ông còn thể hiện rõ ở văn bản của VKSNDTC gửi ông, trong đó xác định quá trình bắt giam và trả tự do cho ông Đa không được VKSNDTC phê chuẩn.

Như vậy là đã khá rõ, việc bắt giam ông Đa gần như là việc “nội bộ” của CQĐT, VKSNDTC không biết và không phê chuẩn các quyết định khởi tố, bắt giam. Một vụ án oan như vậy nhưng đã 25 năm qua các cơ quan làm oan vẫn nợ ông Đa một lời xin lỗi.

Việc bắt giam ông Đa cách đây 25 có đúng pháp luật thời điểm đó hay không? Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Văn Toàn, VPLS Khánh Hưng về vấn đề này.

Thưa Luật sư, Cơ quan an ninh điều tra cho rằng ông Đa phạm tội “buôn lậu” với số hàng là mấy chiếc phụ tùng xe đạp, xe máy. Việc khởi tố, bắt giam đối với ông Đa có đúng pháp luật vào thời điểm đó không?

Thời điểm xảy ra sự việc thì Bộ luật Hình sự năm 1985 chưa có hiệu lực nên tội “buôn lậu” được xem xét theo Pháp lệnh số 7 của Hội đồng nhà nước về việc trừng trị hành vi làm hàng giả, buôn lậu, kinh doanh trái phép. Tại Điều 3 của Pháp lệnh có quy định việc xử lý hành vi buôn lậu kim khí, đá quý, ngoại tệ và các hàng hóa nhà nước cấm buôn bán, tàng trữ.

Tuy nhiên, theo Nghị định 46/HĐBT, ngày 10/5/1983 của Hội đồng Bộ trưởng hướng dẫn Pháp lệnh số 7 thì việc buôn lậu mà hàng hóa có giá trị từ 20 nghìn đồng trở lên mới phạm tội “buôn lậu”. Dưới 20 nghìn đồng thì không phạm tội này mà chỉ bị xử phạt hành chính. Với số hàng hóa ít ỏi trên thì tôi cho rằng chưa đủ căn cứ để xác định ông Đa phạm tội buôn lậu.

Việc CQĐT khởi tố, bắt giam ông Đa mà không có sự phê chuẩn của VKS có đúng pháp luật không, thưa ông?

Về việc bắt giam đối với bị can, năm 1985 chưa có Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng theo Thông tư liên Bộ số 01 ngày 23/1/1984 thì VKS phải phê chuẩn các lệnh bắt tạm giam đối với bị can và kiểm sát việc điều tra của CQĐT. Việc bắt giam mà không có sự phê chuẩn của VKS là trái pháp luật.

Việc khởi tố, bắt giam đối với ông Đa có thuộc đối tượng bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành không, thưa ông?

Theo Điều 1, 2 của Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH 11 về bồi thường oan sai do người có thẩm quyền tron hoạt động tố tụng hình sự gây ra thì trường hợp của ông Đa thuộc đối tượng phải xem xét.

Vì hành vi của ông Đa nếu có vi phạm thì cũng không phải trường hợp phạm tội hình sự nên việc khởi tố, bắt giam ông là không đúng. Tôi cho rằng, ông Đa xứng đáng nhận được lời xin lỗi từ cơ quan đã khởi tố, bắt giam ông.

 Xin cảm ơn ông!

Bình Minh

Đọc thêm