Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và dấu ấn sâu đậm trong công cuộc đổi mới

(PLVN) -  Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương vẫn sống mãi trong lòng đồng bào, đồng chí như một biểu tượng mẫu mực của người cộng sản kiên trung, gần dân, vì dân, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng.
 Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong một chuyến thăm công trường xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất (cuối năm 2006). (Ảnh: bsr.com.vn)
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong một chuyến thăm công trường xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất (cuối năm 2006). (Ảnh: bsr.com.vn)

Từ cậu học trò Phổ Khánh đến nguyên thủ quốc gia

Ông Trần Đức Lương sinh ra tại xã Phổ Khánh (huyện Đức Phổ - nay là thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), vùng quê nghèo giàu truyền thống cách mạng. Lớn lên trong khói lửa chiến tranh, nhưng chính trong gian khổ đã hun đúc nên tinh thần cách mạng và lý tưởng phụng sự Tổ quốc.

Tốt nghiệp chuyên ngành địa chất tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông về công tác tại Tổng cục Địa chất, rồi từng bước đảm nhiệm nhiều trọng trách trong bộ máy của Đảng và Nhà nước như: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị.

Năm 1997, ông được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trong suốt hai nhiệm kỳ (1997 - 2006), nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã để lại những dấu ấn quan trọng trong công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển đất nước. Ông là một trong những nhà lãnh đạo có vai trò thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình hội nhập quốc tế, đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mở rộng hợp tác đa phương trên nhiều lĩnh vực.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông cũng đóng góp quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, ký ban hành nhiều đạo luật nền tảng cho sự phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng thời, ông đặc biệt chú trọng đến chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế và nâng cao đời sống Nhân dân, nhất là các vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.

Đối với quê hương Quảng Ngãi, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương không chỉ là niềm tự hào mà còn là người khởi xướng và kiên định theo đuổi chiến lược phát triển đột phá với dấu ấn đậm nét là Khu kinh tế Dung Quất. Trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, ông đã có tầm nhìn chiến lược khi quyết liệt đề xuất và bảo vệ chủ trương xây dựng Nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam tại vùng đất nghèo ven biển Bình Sơn.

Lúc bấy giờ, việc chọn Dung Quất thay vì các địa phương khác giàu tiềm năng hơn từng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, bằng bản lĩnh và sự quyết đoán, ông Trần Đức Lương đã thuyết phục Trung ương, Chính phủ và các nhà khoa học về tính ưu việt của phương án này không chỉ về mặt kỹ thuật, hậu cần mà còn nhằm tạo bước đột phá phát triển cho miền Trung và cụ thể là Quảng Ngãi.

Chính nhờ tầm nhìn ấy, Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Khu kinh tế Dung Quất sau này đã trở thành biểu tượng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ một vùng biển nghèo, Dung Quất vươn mình thành cực tăng trưởng công nghiệp, đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng ngân sách mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động.

Ông Nguyễn Đức Thọ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phổ Khánh kể: “Bác Lương luôn căn dặn lãnh đạo địa phương phải gần dân, sát dân, lấy dân làm gốc. Với bác, mọi công trình, chính sách đều phải xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Dung Quất là minh chứng cho tư duy phát triển gắn liền với lợi ích Nhân dân và địa phương”.

Nhiều công trình dân sinh tại Phổ Khánh như nhà tình nghĩa, nhà văn hóa thôn, trường học, đường bê tông nông thôn được xây dựng nhờ sự quan tâm và hỗ trợ từ ông. Gia đình thương binh Nguyễn Nuôi ở thôn Diên Trường xúc động nói: “Căn nhà tình nghĩa bác giúp xây dựng không chỉ là nơi che nắng mưa mà còn là tấm lòng bác gửi lại cho dân quê mình”.

Dấu ấn với người dân Quảng Ngãi

Trong ký ức của người dân, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là người lãnh đạo khiêm nhường, mẫu mực, luôn lấy dân làm gốc.

Lãnh đạo, người dân ở quê nhà chia sẻ những câu chuyện về nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

Lãnh đạo, người dân ở quê nhà chia sẻ những câu chuyện về nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

Năm 2003, ông về thăm thôn Gò Ra, xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà, một trong những địa phương nghèo nhất tỉnh Quảng Ngãi. Tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn của bà con đồng bào thiểu số, ông đã chỉ đạo các cấp chính quyền mở đường, hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Đến nay, cuộc sống nơi đây đã đổi thay đáng kể là minh chứng sống động cho tầm nhìn và tấm lòng của ông với người dân. Ông Đinh Văn Lâm, người dân thôn Gò Ra xúc động kể lại: “Tôi được bác bắt tay, hỏi thăm ân cần. Dù là Chủ tịch nước, bác gần gũi như người thân trong nhà. Khi hay tin bác mất, tôi rất đau lòng và thương tiếc”.

Không chỉ ở miền núi Sơn Hà, hình ảnh nguyên Chủ tịch nước còn in đậm trong lòng người dân quê nhà Phổ Khánh, nơi ông thường xuyên trở về dù đã nghỉ hưu, để thăm hỏi, dặn dò lãnh đạo địa phương, tri ân thầy, cô giáo cũ và khích lệ thế hệ trẻ học tập, phát triển quê hương.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Phổ Khánh chia sẻ: “Những lời căn dặn của bác đã được Đảng ủy xã đưa vào nghị quyết và từng bước cụ thể hóa. Nhờ đó, năm 2021, xã Phổ Khánh đạt chuẩn nông thôn mới. Đường sá khang trang, kinh tế khởi sắc, đời sống người dân nâng cao tất cả đều có dấu ấn của bác”.

Cuộc đời và sự nghiệp của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là minh chứng sống động cho một thế hệ lãnh đạo đầy bản lĩnh, trí tuệ và nhân hậu, luôn đặt lợi ích dân tộc, Nhân dân lên trên hết. Dẫu ông đã yên nghỉ, nhưng những giá trị ông để lại từ các quyết sách mang tầm quốc gia đến những công trình dân sinh bình dị vẫn tiếp tục lan tỏa và truyền cảm hứng.

Ông Lê Trung Việt, nguyên Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Quảng Ngãi nghẹn ngào nói: “Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là tấm gương lớn về đạo đức cách mạng, sự tận tụy, giản dị, hết lòng vì dân, vì nước. Sự ra đi của bác là mất mát lớn đối với cả nước, nhất là với người dân Quảng Ngãi”.

Với Nhân dân và quê hương, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương không chỉ là nhà lãnh đạo cấp cao mà còn là người con hiếu nghĩa, một “người nhà” luôn sống trọn nghĩa, trọn tình. Ông ra đi, nhưng tình yêu với đất nước, Nhân dân và quê hương vẫn còn mãi như một ngọn lửa thầm lặng, soi đường cho thế hệ mai sau tiếp bước xây dựng quê hương, bảo vệ Tổ quốc.

Quảng Ngãi đã hoàn tất các công tác chuẩn bị phục vụ Lễ Quốc tang

Chiều 23/5, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành văn bản chỉ đạo triển khai nghiêm túc các nội dung phục vụ Lễ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương theo đúng quy định của Nhà nước.

Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương được tổ chức từ 7h ngày 24/5 đến 7h ngày 25/5 tại ba địa điểm chính gồm: Hội trường Nhà khách T50 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi, số 142 Lê Trung Đình, TP Quảng Ngãi); Nhà Văn hóa thị xã Đức Phổ và Hội trường UBND xã Phổ Khánh, quê hương của đồng chí.

Lễ truy điệu sẽ diễn ra trọng thể lúc 7h ngày 25/5 tại Hội trường Nhà khách T50. Cùng ngày, vào lúc 15h Lễ an táng đồng chí Trần Đức Lương sẽ được tổ chức tại Nghĩa trang quê nhà ở thôn Diên Trường (xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ).

Tại thị xã Đức Phổ, chính quyền địa phương đã khẩn trương triển khai các phần việc liên quan. Đường sá và lối vào khu an táng đã được chuẩn bị chu đáo. Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm tổ chức các nội dung an táng, bảo đảm nghi lễ diễn ra trang nghiêm, đúng nghi thức Quốc tang.

Đọc thêm