Chị mang đến Triển lãm 50 tác phẩm cỡ 60x90cm; gồm 30 tác phẩm về di sản, di tích, làng nghề Việt Nam với chủ đề “Di sản ký ức” và 20 tác phẩm phong cảnh, động vật hoang dã thuộc lớp chim (bộ Cò, Bói cá) Minh Hải đến với nhiếp ảnh chưa lâu, mới từ năm 2015, nhưng gần như có “duyên trời định”.
Triển lãm mở cửa từ ngày 22 – 27/11/2021 tại Triển lãm Vân Hồ, Hà Nội. Biết chị Minh Hải, đối tượng, phong cách, tác phẩm của chị từ lâu nên tôi mê mẩn với giai điệu, vũ khúc từ thế giới tự nhiên mà tác phẩm mang lại.
Poster Triển lãm. |
“Thế giới” của loài chim, cò, bói cá và nhiều loại động vật hoang dã khác qua những tác phẩm của Minh Hải, từ lâu đã ám ảnh tôi. Vì thế, dẫu chỉ 20/50 tác phẩm tham gia Triển lãm về thế giới động vật, nhưng tôi chọn chủ đề này để trao đổi với nghệ sỹ Minh Hải.
Căn cớ gì chị chọn động vật hoang dã đối tượng chủ yếu của sáng tác?
- Tôi yêu động vật hoang dã. Từ bé đã yêu chim muông, không ăn thịt động vật hoang dã. Tôi chọn động vật hoang dã vì muốn đi vào xem chúng sống ra sao, môi trường sống thế nào... Thật sự mà nói, những năm tháng lặn lội, sáng tác mới phát hiện ra rằng chúng có nhiều biểu cảm, tất cả các loài đều như vậy, từ các loài linh trưởng, nhất là chim. Nhất là chim bói cá, chúng có nhiều trạng thái biểu cảm tuyệt vời làm cho mình hứng thú say mê. Mỗi loài có những mỗi biểu cảm khác nhau, tạo cho mình cảm xúc. Gần gũi chúng, tôi mới nhận ra, chính động vật hoang dã có thể tham gia vào việc bồi đắp cho con người tình yêu với thiên nhiên, với đồng loại.
Tác phẩm: Vũ điệu bắt mồi của bói cá. |
Chụp ảnh động đã khó, chụp ảnh đời sống của các loài chim càng khó. Tôi từng thấy chị “lăn lê, bò toài” rất vất vả. Chị có thể chia sẻ?
- Đúng là rất khó. Phải lên rừng, xuống biển, lặn lội đêm ngày, đi xa vài nghìn km, từ phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, phía Nam. Nhiều khi một mình tôi phải vào rừng sâu săn chim từ sáng đến tối, ngồi dưới nắng 40 độ, mưa nẫu đất... Phải rình rất nhiều ngày, nhiều lúc về tay không...Việc phát hiện và chụp được những bức ảnh đẹp, sinh động về các loài chim rừng rất khó khăn, đòi hỏi người chụp phải đầu tư về máy móc, thiết bị hỗ trợ, thời gian và sự kiên nhẫn. Có những loài chim, tôi phải đi nhiều lần, theo dõi nhiều giờ mới được tấm hình ưng ý.
Với loại chim bói cá, vừa đẹp về màu sắc, tình cảm, dũng mãnh trong bắt mồi không phải đi xa nhưng cũng phải rình xem chúng nó có về không, khoảnh khắc bắt mồi thế nào? Còn chụp cò thì chụp từ chiều đến tối, chụp nhiều thời điềm khác nhau may ra mới có khoảnh khắc đẹp. Anh biết rồi đấy, lúc hoàng hôn xuống, chân trời đỏ ối, đàn cò về tổ, lúc ấy mới đẹp.
Nhiếp ảnh gia Minh Hải tác nghiệp |
Ngoài đam mê động vật hoang dã, hẳn qua tác phẩm chị muốn gửi gắm điều gì?
- Ngoài sáng tác về động vật hoang dã, tôi còn sáng tác về phong cảnh đất nước, làng nghề, di tích, di sản trên khắp đất nước. Mặc dù chưa thể hết được, còn phải tiếp tục. Nhưng có một điều, đi mới thấy đất nước Việt Nam thật hùng vĩ, con người thật thân thiện, cảnh đẹp đến ngỡ ngàng. Và cũng đi mới nhận ra phát triển du lịch của Việt Nam còn quá manh mún, tự phát. Điều đáng buồn là nhiều vùng không bảo vệ động vật hoang dã, không thực hiện nghiêm minh về luật pháp nên chim cò, thú quý bị bắn nhiều, vẫn còn nhiều cửa hàng bán đặc sản chim, cò nhưng chính quyền các địa phương không quản lý. Ý thức của dân về bảo vệ động vật hoang dã còn rất đáng lo ngại. Hình như người dân chưa hiểu biết luật pháp và trách nhiệm của mình.
Tác phẩm: Về tổ |
Chị vẫn tiếp tục sáng tác khi còn có thể?
- Tất nhiên, khi niềm đam mê đã ngấm vào máu? Trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Tôi được biết đang có nhiều chương trình hành động, chiến dịch bảo vệ các loài động vật hoang dã. Quảng bá vẻ đẹp của các loài thông qua hình ảnh cũng là một trong những cách thể hiện sự quan tâm, tình yêu đối với các loài động vật.
Để có những chuyến đi “săn” an toàn, vừa thỏa đam mê cá nhân, tôi vừa muốn góp phần bé nhỏ tình yêu của mình vào nhiệm vụ truyền thông điệp bảo vệ động vật hoang dã. Tôi biết, bảo vệ động vật hoang dã nói riêng, đa dạng sinh học nói chung đã trở thành nhiệm vụ cấp bách không chỉ của một quốc gia nào. Tôi nghĩ đại dịch Covid-19 hai năm qua đã đủ thức tỉnh loài người về bảo vệ môi trường sống.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Hải là “con gái rượu” của thiếu tướng Nguyễn Như Thiết, nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42 - Tư lệnh Quân khu 3, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân, nguyên Phó giám đốc Học viện Cao cấp của Quân đội (nay là Học viện Quốc phòng ).
Trong Bách khoa Toàn thư Quân đội, thiếu tướng Nguyễn Như Thiết xếp thứ 30 trong danh sách các tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Thời chống Pháp, thiếu tướng Nguyễn Như Thiết được gọi là “Hùm xám đường 5”, lập nhiều chiến công hiển hách.
Bà Nguyễn Thị Trinh, thân mẫu chị Minh Hải chính là nữ Đội phó Đội Du kích Hoàng Ngân nổi tiếng trong lịch sử, đã được đặt tên đường ở Hà Nội. Tình yêu của hai ông bà là nguyên mẫu trong tiểu thuyết “Nhãn đầu mùa” một thời đắm say.