Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đau lòng là phải!

(PLO) - Giáo sư Trần Phương đang là Hiệu trưởng một trường đại học dân lập, trong phát biểu của mình tại một hội nghị giáo dục, bày tỏ rằng rất đau lòng trước hiện trạng “mua bán trường”. 
Giáo sư Trần Phương
Giáo sư Trần Phương

Đó là tình trạng của các trường tư thục đã đánh mất đi ý nghĩa ban đầu là phi lợi nhuận, bị các hoạt động kinh doanh chi phối và khi có xung đột ăn chia thì tìm cách “sang tay”. Giáo sư, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đau lòng là phải lắm, đơn giản vì những người mở trường đâu phải vì mục đích cao đẹp của giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước mà mục đích đích thực của họ là mua bán, đúng là “Hàng hóa lương tâm thiếu cũng thừa” (Tố Hữu).

Cùng với thời điểm Giáo sư phát biểu điều này, tại TP Hồ Chí Minh diễn ra phiên tòa xét xử những người “chạy” trường. Một giám đốc công ty đã bỏ ra 35.000 đô la để những kẻ môi giới lo lót cho con gái mình vào Đại học Y – Dược. Việc chạy chọt không thành và bị vỡ lở, người đưa và nhận hối lộ trở thành bị cáo trước tòa và đều nhận bản án thích đáng, người cao nhất là 8 năm tù giam. May cho ông giám đốc là chỉ bị tù treo nhưng 35.000 đô la tiền hối lộ bị sung công quỹ. Đáng buồn nhất là trường hợp của nữ Kiểm sát viên vì muốn giúp bạn và hoàn toàn“phi lợi nhuận” trong vụ này mà phải chịu hình thức kỷ luật buộc thôi việc. Chị không phải ra tòa vì chính chị là người tố cáo việc “chạy” trường này.

Cũng cùng thời điểm, tại Cần Thơ xét xử vụ “chạy” biên chế vào cơ quan nhà nước do một Giám đốc – cựu Công an cầm đầu. Đáng chú ý vụ lừa đảo này số tiền “chạy” lên tới hơn 3 tỷ đồng. Kết cục tất yếu là những người “chạy” đều lâm vào tình trạng “tiền mất, tật mang” vì Tòa tuyên số tiền này phải sung công quỹ.

Đương nhiên những hành vi vi phạm pháp luật như vậy đều phải trả giá nhưng tại sao cứ tồn tại mãi và phát triển các loại hình “chạy” này? Nếu thực tâm vì một nền giáo dục phi lợi nhuận thì đâu đến nỗi Giáo sư Trần Phương phải đau lòng. Nếu không có những vụ chạy trường thành công thì ông giám đốc kia dại dột gì mà bỏ ra 35.000 đô la “chạy” trường cho con gái. Tiếp tục, hàng loạt người được ký hợp đồng, được vào biên chế, được ký bổ nhiệm ở mỗi “hoàng hôn nhiệm kỳ” đã gây nên sự tin tưởng cho những người “chạy” biên chế và tạo cơ hội cho nhóm người lừa đảo.

Vì thế, mỗi hành vi ứng xử của con người đều chịu tác động ít nhiều của hoàn cảnh. Môi trường nào thì tạo ra các cách ứng xử và sự thích ứng phù hợp. Quy luật tự nhiên thế và quy luật xã hội cũng thế. Quan trọng nhất là không để môi trường chạy chọt cũng như mua bán còn tồn tại trong lĩnh vực giáo dục cũng như tổ chức cán bộ.