Nguyên tắc, điều kiện công bố dịch được quy định như thế nào?

(PLVN) - Bạn Duy Phong (Thái nguyên) hỏi: Xin hỏi, ai có thẩm quyền công bố dịch bệnh? Nguyên tắc, điều kiện công bố dịch bệnh được quy định như thế nào?
Luật sư Nguyễn Quang Tâm.

- Luật sư Nguyễn Quang Tâm - Đoàn Luật sư TP Hà Nội tư vấn: Tại khoản 1 Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định, việc công bố dịch được thực hiện theo nguyên tắc mọi trường hợp có dịch đều phải được công bố; việc công bố dịch và hết dịch phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.

Về thẩm quyền công bố dịch, khoản 2 Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nêu rõ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C.

Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi có từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên đã công bố dịch.

Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.

Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị công bố dịch, người có thẩm quyền theo quy định nêu trên quyết định việc công bố dịch.

Về điều kiện công bố dịch bệnh, tại Điều 2 Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm, như sau:

Đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A: có ít nhất một người bệnh được chẩn đoán xác định.

Đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C: Một xã, phường, thị trấn được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ 3 năm gần nhất. Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được coi là có dịch khi có từ 2 xã có dịch trở lên. Một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được coi là có dịch khi có từ 2 huyện có dịch trở lên.

Đọc thêm