Ít ai tin một diễn viên đã trở thành nhà báo cá tính đến vậy. Nhưng bạn không hề lầm, đó chính là diễn viên Hoàng Thu Hường, Á khôi Người đẹp Noel năm 1995; Á khôi thể thao năm 1996 và đã để lại ấn tượng đậm nét với nhiều vai diễn như Thiên đường ở trên cao, Vào đời, Những ngọn nến trong đêm, Hạnh phúc giản đơn, Sóng ở đáy sông hay phim truyện nhựa Tết này ai đến xông nhà…
Từ diễn viên trở thành nhà báo
Sau gần 20 năm, Hoàng Hường vẫn giữ nét đẹp mong manh như thưở nào. Chia sẻ về nguyên do sau 9 năm theo học ngành diễn (5 năm Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc ở Thái Nguyên và 4 năm Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) và 3 năm làm việc tại Nhà hát Tuổi trẻ, lại bỏ ngang sang làm báo, Hoàng Hường cho biết:
“Hồi bấy giờ, các chương trình Đời cười của Nhà hát Tuổi trẻ đang nở rộ, còn chính kịch lại không được chuộng. Trong khi đó, mình lại không có năng khiếu diễn hài, dần dần mình cảm thấy chán nghề vì không có đất để phát triển. Quyết định chia tay Nhà hát tuy cũng dằn vặt nhưng có lẽ đây lại là cái duyên để mình đến với nghề báo. Trong thời gian tìm việc, mình tranh thủ học tiếng Anh, dịch tài liệu và viết bài gửi cho một số tờ báo tiếng Anh như Vietnam Investment Review hay Time Out.
Tình cờ, mình gặp chị bạn là Trưởng ban tiếng Anh của VietnamNet cho biết đang cần người và hỏi mình có thích làm báo không. Cũng muốn được thử sức nên mình đã nhận lời và về làm ở mảng văn hóa văn nghệ phần dịch tiếng Anh. Sau đó khoảng hai năm, mình chuyển sang viết cho mảng văn hóa tiếng Việt. Mấy năm gần đây, mình chuyển hẳn sang Tuần Vietnam cũng của VietnamNet viết cả về văn hóa, xã hội, chính trị với vai trò biên tập viên và tổ chức bài vở”.
Nói về những khó khăn khi từ diễn viên chuyển sang làm báo, Thu Hường cho biết cô sợ nhất phải viết về chân dung các ngôi sao, người nổi tiếng, soi trang phục của họ thế nào, các vật dụng cá nhân của họ ra sao… Thế nên, cô được mọi người gọi là “chuyên gia ném đá”. Vì cô thường viết dưới góc nhìn thẳng thắn, khách quan, trung thực nhất.
|
“Mình thích được mổ xẻ, phân tích các vấn đề ở tất cả các mặt yếu kém và chắc chắn không tránh khỏi đụng chạm tới những đồng nghiệp cũ. Cái khó đối với mình là viết sao để không làm tổn thương họ, còn trong lĩnh vực này không đụng người nọ cũng sẽ đụng người kia. Tuy nhiên, những điều mình viết ra là có cơ sở và hoàn toàn đúng đắn” – nhà báo Hoàng Hường chia sẻ
Từ bỏ một nghề có nhiều ánh hào quang để dấn thân vào một công việc đầy vất vả và áp lực với người phụ nữ, Thu Hường cho biết, nghề làm báo cho chị tận hưởng nhiều sự thú vị, được trải nghiệm sống đa dạng hơn và có một tư duy sắc sảo hơn. Trước đây những vấn đề suy tư chỉ gói gọn trong thế giới của mình, nhưng khi có cái nhìn đa diện về cuộc sống thì biết thông cảm với cuộc sống và con người hơn, suy tư về những vấn đề của người khác nhiều hơn.
Nếu như nghề diễn bị động bởi “đi, đứng, nằm, ngồi” theo đạo diễn thì nhà báo chủ động hoàn toàn trong việc tiếp cận thông tin. Tại Tuần Việt Nam, Hoàng Hường là một cây bút sắc sảo với các vấn đề chính luận từ chính trị, chính sách và quan tâm nhiều tới những lĩnh vực phát triển…. Cô viết nhiều về nạn nhân hậu chiến, nạn nhân bị thảm sát ở Mỹ Lai… về thân phận những người phụ nữ sau chiến tranh với tất cả nỗi ám ảnh. Bởi là phụ nữ, khác với đàn ông, cảm nhận về nỗi đau của người phụ nữ cũng như chính bản thân mình vậy.
Đặc biệt, tháng 5/2015, trong những ngày biển Đông dậy sóng, Hoàng Hường vượt qua một cuộc thi tuyển, được lựa chọn là nhà báo duy nhất của Việt Nam tham gia vào đoàn báo chí quốc tế (là phóng viên đến từ 30 quốc gia) trong những phiên họp tranh luận gay gắt về biển Đông của các quốc đảo. Họ làm việc 14, 15 h/ngày với những phản biện, tranh luận đổi chiều như chong chóng. Và cũng từng đó thời gian cô ngồi nghe và phân tích bằng tiếng Anh, tất cả đều không có thời gian để ăn, để ngủ. Nhiều lúc quá căng thẳng, cô chạy vào toilet để rửa mặt, để khóc với chồng một lúc bởi cảm giác kiệt sức.
Hàng tháng trời vừa đi vừa viết, di chuyển qua các quốc đảo, cô đã nghe các nhà chính trị phản biện, đến tận nơi nhìn cuộc sống của người dân, và phân tích vấn đề với tất cả sự khách quan chân thực nhất…Cô cho rằng, đó là một chuyến đi mà cô đã vượt qua chính mình, chiến đấu đến cùng để vượt qua ngưỡng của bản thân. Cho dù trước đó, theo lẽ thường của phụ nữ, cô có thể khóc lóc với chồng, chỉ muốn về ngay ngôi nhà bình yên của mình với những gương mặt thân yêu. Sau tuyến bài về biển Đông đó, nhà báo Hoàng Hường được giải Nhì quốc gia Giải báo chí đối ngoại năm 2016. Cùng với đó là hàng loạt các giải báo chí khác. Với cô, đi, viết tới tận cùng cuộc sống đã trở thành đam mê, máu thịt. Và viết cũng như một nhu cầu vậy.
Mới đây, nhân có câu chuyện phim “Sống chung với mẹ chồng”, trên trang cá nhân của mình, Hoàng Hường có gửi cho cô con dâu tương lai của mình một bức tâm thư thú vị. Những lời “dạy con” của nhà báo khiến rất nhiều người thích thú và chia sẻ.
“Anh thích em thì cưới em đi”
Trên mạng xã hội, Hoàng Hường và ông xã Châu Đoan được biết đến là một cặp vợ chồng khá hài hước khi nói về nhau, và họ cùng là những cây viết phản biện tích cực.
Hoàng Hường gặp ông xã trong một lần chụp ảnh cho 12 gương mặt của Hội nghị châu Á, mỗi quốc gia là một gương mặt. Hồi đó, người được lựa chọn là diễn viên Thân Thúy Hà, nhưng cô ấy bận và cát xê quá cao nên ông xã đã mời cô chụp thay thế. Buổi sáng đó, hai người đi tắc xi sang nhà sàn của họa sỹ Đào Anh Khánh bên Ngọc Thụy, vừa chụp anh vừa khen cô này xinh thế! Cô đùa: “Anh thấy xinh thì cưới em đi”!
Xong bộ ảnh, trên đường về, cô nói lại: “Lúc sáng em đùa anh đấy nhé!”. Thế nhưng, anh nói lại đầy nghiêm túc: “Không đùa đâu, cưới chứ!” Và đám cưới thật như đùa đó chỉ diễn ra sau đó hai tháng. Thấm thoắt, họ đã có 15 năm bên nhau trong mọi ấm lạnh của cuộc đời.
Đến nay, Hoàng Hường đã có cậu con trai lớn 14 tuổi và cô công chúa 11 tuổi. Hỏi cô, thời gian đầu mới vào nghề ông xã có giúp nhiều không, cô cho biết, những bài báo đầu tiên thấy ông xã có xem qua cho là tốt rồi. Và hiện tại, mỗi người vẫn có những đam mê, những con đường riêng, nhưng họ luôn ủng hộ nhau. Sắp tới, cô cùng con gái tham gia một phim mới của đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp “Những câu chuyện buồn nhất thế gian”.