Nhà dã chiến cứu hàng trăm hộ dân qua các mùa lũ dữ ở xã miền núi Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hơn 150 nhà dã chiến tránh lũ được triển khai trên địa bàn 2 xã Mường Ải và Mường Típ huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) 4 năm qua phát huy hiệu quả cao mỗi khi có mưa lũ xảy ra. Đây là mô hình mà các địa phương địa hình đồi núi có thể tham khảo, ứng dụng.
 Những ngôi nhà dã chiến được dựng lên tại xã Mường Típ là nơi tránh trú bão an toàn, hạn chế thiệt hại.
Những ngôi nhà dã chiến được dựng lên tại xã Mường Típ là nơi tránh trú bão an toàn, hạn chế thiệt hại.

Mưa bão tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã khiến nhiều người bị lũ cuốn trôi dẫn đến tử vong, mất tích hoặc bị thương; nhiều nhà dân và tài sản bị cuốn theo dòng nước... Tỉnh Nghệ An những năm qua cũng thường xuyên gánh chịu mưa bão, lũ quét, đặc biệt trận lũ quét vào rạng sáng 2/10 tại xã Tà Cạ đã làm 1 cháu bé 4 tháng tuổi tử vong, cuốn trôi 14 nhà dân.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, Nghệ An có 274 điểm từng xảy ra sạt lở núi, ảnh hưởng gần 3.000 hộ dân. Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc xây dựng khu tái định cư để di dời dân ra khỏi các điểm nguy hiểm chưa thể triển khai trong một sớm một chiều.

Năm 2020, có gần 200 hộ dân ở 2 xã Mường Típ và Mường Ải (huyện Kỳ Sơn) bị đe dọa do sạt lở núi, nhưng chưa thể di dời vì thiếu kinh phí, tỉnh Nghệ An đã giao huyện Kỳ Sơn mua lều bạt để người dân sơ tán khi có mưa lũ. Những ngôi nhà dã chiến khung bằng thép, phía trên và xung quanh được phủ kín bạt, sàn được lát sạp tre rộng khoảng 9m2, được hình thành làm nơi tránh trú tạm cho người dân khi có mưa lớn xảy ra.

Ông Hoa Văn Môn - Chủ tịch UBND xã Mường Típ cho biết, trên địa bàn xã có 135 ngôi nhà dã chiến được cơ quan chức năng huyện triển khai. Bình thường người dân ở nhà mình, mỗi khi có mưa lớn kéo dài, chính quyền địa phương vận động người dân ra những ngôi nhà tạm này ở để tránh sạt lở đất có thể xảy ra.

Ông Môn cho biết thêm, hiện có dự án triển khai làm khu tái định cư cho gần 100 hộ tại hai bản Vàng Pháo và Top Phe. Năm 2023, những ngôi nhà dã chiến này được sử dụng 3 lần khi có mưa lớn kéo dài.

Sáng 9/9, thấy trời mưa quá to và kéo dài, anh Ma Seo Chứ (33 tuổi) Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà (Lào Cai) nóng ruột gan nên gọi thêm mấy người đàn ông khác lên ngọn núi nằm phía sau thôn để kiểm tra. Phát hiện trên núi mới xuất hiện vết nứt lớn, anh Chứ cùng những người trong thôn lập tức trở về vận động bà con di dời lên một ngọn núi cách khu dân cư khoảng 500 m. Nghe theo lời cảnh báo, 17 hộ dân với 115 người trong bản đã mang bạt lên khu vực an toàn dựng lán lánh nạn, bảo toàn được tính mạng. Khu lều bạt này tự phát nhưng hình thức và hiệu quả tương tự nhà tránh lũ ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Còn tại xã Mường Ải, ông Cụt Bá Nhâm - Chủ tịch UBND xã cho biết, xã có 20 ngôi nhà được dựng dã chiến ngay tại trung tâm xã, mỗi khi xảy ra thiên tai, ngoài trụ sở uỷ ban, nhà văn hoá, trường học thì những nhà tạm này phát huy tác dụng rất tốt.

Ông Nhâm cho hay, năm 2020, huyện về triển khai dựng nhà tạm xong bàn giao cho xã quản lý, mỗi khi có mưa lớn kéo dài, những hộ có nguy cơ ảnh hưởng do sạt lở được vận động lên đây lánh trú tạm. Ngày thường, bạt sẽ được xã đưa về cất trong kho tránh hư hỏng, mưa lớn sẽ được đưa ra che cho người dân sử dụng.

“Những ngôi nhà dã chiến dựng tạm này rất có hiệu quả trong những ngày xảy ra mưa lũ, sạt lở đất, người dân rất yên tâm về đây trú tạm để đảm bảo sự an toàn, tránh những sự việc đau lòng. Tôi nghĩ, những căn nhà như thế này nên được nhân rộng ra trên nhiều địa phương để phục vụ Nhân dân khi có sự cố xảy ra…”, ông Nhâm nói.

Ông Nguyễn Viết Hùng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn chia sẻ, những ngôi nhà tạm kiểu này rất phù hợp với địa hình các huyện miền núi, biên giới, đặc biệt trong những ngày mưa lũ, đảm bảo được sự an toàn tính mạng cho người dân. Trong khi chưa đủ kinh phí để xây đủ các khu tái định cư cho người dân nằm trong diện nguy cơ cao bị sạt lở thì những ngôi nhà tạm này sẽ giúp người dân hạn chế thấp nhất các thiệt hại về người và của.

Đọc thêm