Nhà đầu tư “biến” thành người cho vay

Thương vụ làm ăn quá hời khiến bà Tuyền sau đó, dù chỉ góp vốn khoảng 10% nhưng lật lọng, loại bỏ nhóm ông Hòe khỏi dự án. Sau khi báo đăng, bà Tuyền đã ký văn bản số 04/2012/VT ngày 21/3/2012 gửi báo PLVN cho rằng nhóm ông Hòe chỉ là người cho vay chứ không phải hợp tác đầu tư, yêu cầu chấm dứt đăng báo và cải chính. Sự thật, bà Tuyền đã cố tình “biến” nhóm ông Hòe từ nhà đầu tư thành người cho vay.

Báo PLVN số ra ngày 19, 20 và 21/3/2012 đăng loạt bài điều tra “Tây Ninh: Một vụ hợp tác làm ăn rồi lật lọng gây xôn xao dư luận” phản ánh bà Phan Hòa Băng Tuyền, chủ DNTN Vạn Thông ở Tây Ninh đã hợp tác với 3 nhà đầu tư đến từ TPHCM gồm ông Thái Vũ Hòe, Phan Diên Vỹ và Lê Thành (sau đây gọi là nhóm ông Hòe) để thực hiện thương vụ làm ăn qua việc mượn tư cách pháp nhân của Vạn Thông nhận chuyển nhượng dự án trồng mía 1529,9 ha của Cty NIVL với giá 7 triệu USD, sau đó do không đủ tài chính nên sang dự án này cho Cty Hưng Thịnh với giá 8,5 triệu USD.

 

Thương vụ làm ăn quá hời khiến bà Tuyền sau đó, dù chỉ góp vốn khoảng 10% nhưng lật lọng, loại bỏ nhóm ông Hòe khỏi dự án. Sau khi báo đăng, bà Tuyền đã ký văn bản số 04/2012/VT ngày 21/3/2012 gửi báo PLVN cho rằng nhóm ông Hòe chỉ là người cho vay chứ không phải hợp tác đầu tư, yêu cầu chấm dứt đăng báo và cải chính. Sự thật, bà Tuyền đã cố tình “biến” nhóm ông Hòe từ nhà đầu tư thành người cho vay.

Nội dung đơn khiếu nại của DNTN Vạn Thông nói gì?

Tại văn bản gửi báo PLVN, bà Tuyền viết: “Chúng tôi khẳng định rằng, cho tới thời điểm này Vạn Thông và Thành, Vỹ, Hòe chưa ký bất cứ văn bản hợp tác nào. Biên bản thống nhất ngày 01/7/2011 không thỏa thuận nội dung hợp tác….

Sở dĩ Biên bản thống nhất được ký kết là bởi vì ông Phan Diên Vỹ - Giám đốc GPBank Sài Gòn cam kết sẽ bảo lãnh thanh toán và cho Vạn Thông vay để thực hiện dự án. Thực tế, các ông Thành, Hòe, Vỹ không vay được tiền từ ngân hàng nên hoàn toàn không có ký bất kỳ văn bản hợp tác nào giữa Vạn Thông với Thành, Hòe, Vỹ.

Số tiền mà Hòe, Vỹ góp (4.5 tỷ) đã được Vạn Thông hoàn trả cùng với lãi suất rất cao, khoảng 15%/tháng trên tổng số tiền góp. Tổng số tiền lãi trong thời hạn 3 tháng lên đến 2 tỷ đồng trên tiền gốc chỉ 4,5 tỷ đồng. Các ông Thành, Hòe, Vỹ đã nhận lại đủ số tiền, bao gồm gốc và lãi, tổng cộng là 6,5 tỷ đồng vào ngày 29/09/2011 (có Giấy nhận tiền kèm theo).

Như vậy các ông Thành, Hòe, Vỹ hợp tác với Vạn Thông trên cơ sở nào? Các bài báo cho rằng Chủ doanh nghiệp Vạn Thông – bà Phan Hòa Băng Tuyền là “tráo trở lật lọng”, “nuốt lời cam kết hòng dễ bề chiếm đoạt tài sản và thành quả lao động của nhóm Thái Vũ Hòe” là hoàn toàn không đúng, xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự và nhân phẩm của bà Tuyền. Vì vậy, những thông tin trên cần phải cải chính và quý báo phải công khai xin lỗi bà Tuyền”.

Dưới đây là quan điểm của báo PLVN.

Biên bản thống nhất ngày 1/7/2011: Mấu chốt vấn đề.

Mấu chốt của vụ việc thể hiện trong Biên bản thống nhất (BBTN) ngày 1/7/2011 ghi nhận việc góp vốn của các thành viên. Thế nhưng trong văn bản gửi báo, bà Tuyền đã cố ý làm sai lệch vấn đề để biến nhà đầu tư thành người cho vay. Báo PLVN xin trích BBTN ngày 1/7/2011 mà các bên đã ký với nhau và cho đến nay chưa có một văn bản hoặc thỏa thuận mới nào được ký kết có nội dung khác và phủ định các nội dung này.

“Chúng tôi gồm có:ông Thái Vũ Hòe ;ông Phan Diên Vỹ; ông Lê Thành; bà Phan Hòa Băng Tuyền. Chúng tôi đồng ý thống nhất các nội dung sau:

1-      Vào ngày 20/5/2011, DNTN Vạn Thông đã đứng ra thay mặt những thành viên có tên trên ký hợp đồng nhận chuyển nhượng dự án trồng mía 1529,9 hecta từ CTCP Nông trường NIVL.

2-      Theo đó các thành viên sau đây đã vay tiền để ứng trước thực hiện một phần của giai đoạn 1 như sau:

-        Bà Phan Hòa Băng Tuyền: Vay từ ngân hàng để thanh toán 1.100.000.000 đ, bao gồm các khoản sau:

+ 500.000.000 đ  thanh toán cam kết để thực hiện hợp đồng (trước khi ký hợp đồng)

+110.000.000 đ   thanh toán tiền thẩm định giá.

+ 500.000.000 đ  thanh toán môt phần đợt 1 của hợp đồng.

-        Ông Phan Diên Vỹ: Vay từ người khác để  thanh toán 1.000.000.000 đ  cho một phần đợt 1 của hợp đồng.

-        Ông Thái Vũ Hòe : Vay từ người khác để thanh toán 3.500.000.000đ cho một phần đợt 1 của hợp đồng.

3-      Lãi suất của các khoản vay trên sẽ được chia đều cho các thành viên tham gia dự án.

4-      Trong khoảng thời gian tối đa 15 ngày, tính từ ngày ký biên bản này, nếu ngân hàng đồng ý tài trợ thì dùng tiền vay ngân hàng để hoàn trả lại cho các thành viên hoặc tìm các nguồn khác để thanh toán cho các thành viên trên, nếu bị thiệt hại thì các bên phải chia đều gánh chịu cùng nhau. Nếu ngân hàng không cho vay, thì DNTN Vạn Thông cùng các thành viên nói trên sẽ đứng ra nhận lại tổng số tiền và hoàn lại cho các cá nhân đã đóng tiền. Các bên hỗ trợ DNTN Vạn Thông để xúc tiến việc nhận lại số tiền này.

5-      Nếu ngân hàng cho vay thực hiện dự án, thì các bên sẽ ký hợp đồng hợp tác khai thác dự án và DNTN Vạn Thông đại diện đứng vay. Tỷ lệ tham gia dự án đã được thống nhất ngay từ đầu, vì lúc này ngân hàng chưa quyết định nên không đưa vào trong biên bản này”….

Biên bản thống nhất ngày 1/7/2011, theo Luật Đầu tư và Bộ luật Dân là văn bản ghi nhận việc góp vốn của các thành viên vẫn có giá trị pháp lý cho đến ngày hôm nay.

Trên thực tế kể từ ngày 1/7/2011 cho đến ngày chuyển dự án cho Cty Hưng Thịnh, ngân hàng không cho vay để thanh toán hợp đồng chuyển nhượng dự án và không có hợp đồng hợp tác nào được ký kết. Vì vậy, theo Luật Đầu tư và Bộ luật Dân sự (BLDS) thì BBTN là văn bản ghi nhận việc góp vốn của các thành viên vẫn có giá trị pháp lý cho đến ngày hôm nay.

Theo TS.LS Phan Trung Hoài thì thỏa thuận do các bên thiết lập nói trên được coi là được giao kết một cách tự nguyện, bình đẳng, phù hợp với các nguyên tắc giao kết dân sự được quy định tại Điều 389 BLDS. Thực tế nhờ các nhà đầu tư góp vốn vào mà dự án tồn tại và nhượng lại cho Cty Hưng Thịnh.

Theo tài liệu mà báo PLVN thu thập được, trước khi ký BBTN, ngay từ đầu, trước ngày Vạn Thông ký biên bản cuộc họp với Cty NIVL ngày 22/12/2010, nhóm ông Hòe đã tham gia vào quá trình đàm phán, thương lượng hợp đồng với Cty NIVL. Nhóm ông Hòe đã cùng với bà Tuyền làm việc với nhiều ngân hàng để vay vốn cho việc nhận chuyển nhượng dự án, trong đó Eximbank là khả thi nhất nên các bên tập trung làm việc với Eximbank.

Tuy nhiên, do chính sách thắt chặt tín dụng và chưa thu xếp được nguồn vốn nên ngày 24/5/2011 Eximbank có văn bản từ chối cho vay vốn. Trong khi đó theo qui định của Hợp đồng số 01/HĐKT chuyển nhượng dự án ký ngày 20/5/2011 giữa DNTN Vạn Thông với Cty NIVL thì đến ngày 26/5/2011, bên Vạn Thông phải thanh toán cho bên NIVL số tiền 21 tỷ đồng tương đương với 15% giá trị của hợp đồng và nếu không thanh toán thì bên NIVL sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Sợ bên NIVL đơn phương chấm dứt hợp đồng và muốn cứu dự án nên các bên thống nhất với nhau là huy động từ các nguồn tham gia đóng góp vào để cứu dự án. Vì vậy, ngày 26/5 và 27/5/2011, nhóm ông Hòe huy động từ người khác 4,5 tỷ đồng, góp vốn đầu tư để thanh toán một phần giai đoạn 1 của hợp đồng. Từ thời điểm này có cơ sở khẳng định rằng hành vi đầu tư của nhóm ông Hòe đã xuất hiện. Nhóm ông Hòe và bà Tuyền trở thành “nhóm đầu tư” trong thương vụ chuyển nhượng dự án 1529,9 ha mía như báo PLVN đã phản ánh.

Việc bà Tuyền nói rằng “Sở dĩ Biên bản thống nhất được ký kết là bởi vì ông Phan Diên Vỹ - Giám đốc GPBank Sài Gòn cam kết sẽ bảo lãnh thanh toán và cho Vạn Thông vay để thực hiện dự án” là bóp méo sự thật, bịa đặt.  Ông Vỹ chưa bao giờ “cam kết” sẽ bảo lãnh thanh toán và cho Vạn Thông vay.

Ban lãnh đạo GPBank (gồm HĐQT, Ban Tổng gíam đốc và các cán bộ Chi nhánh GPBank Sài Gòn) vào thời điểm đó chỉ tổ chức đi khảo sát Dự án Nhà máy cồn của DNTN Vạn Thông và cùng làm việc với các sở, ban ngành, UBND tỉnh Tây Ninh, không ban hành bất cứ một văn bản nào cam kết sẽ bảo lãnh thanh toán và cho Vạn Thông vay.  

(Còn tiếp)

Nhóm PV điều tra

Đọc thêm