Nhà đầu tư nhỏ lẻ gặp “bão”, bất động sản phòng thủ là "cửa vàng" trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thị trường bất động sản trong thời gian qua đang cho thấy sự trầm lắng rất lớn. Đến nay, sự phục hồi của thị trường nhà đất vào năm 2023 vẫn rất khó đoán. Theo ông Nguyễn Thọ Tuyển – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bất động sản BHS, năm tới sẽ là một năm khó khăn cho các nhà đầu tư nhỏ, lẻ trong khi đó các dạng bất động sản phòng thủ sẽ trở nên tiềm năng.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bất động sản BHS.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bất động sản BHS.

Tại hội thảo “Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023” diễn ra ngày 14/12 do Báo Xây dựng tổ chức, ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bất động sản BHS cho rằng, những biến động trên thị trường tài chính gần đây đã làm cho tâm lý của chủ đầu tư và nhà đầu tư bất động sản rơi vào trạng thái hoảng loạn giống như những nhà đầu tư chứng khoán.

Theo ông, hiện các chủ đầu tư lớn đang có xu hướng tìm mọi cách thu dòng tiền về. Chính vì vậy, một loạt sản phẩm của chủ đầu tư lớn đưa ra những khuyến mại kích cầu, thậm chí, nhiều ưu đãi chưa từng có: Giảm giá đến một nửa giá trị sản phẩm nếu khách hàng thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên, việc làm này cũng không đem lại kết quả khả quan.

Theo ông Tuyển, từ giờ tới cho đến khoảng đầu năm sau, nếu lãi suất không có gì thay đổi hoặc vẫn có xu hướng tăng thì sẽ tác động lớn đến tâm lý của nhà đầu tư nhỏ lẻ. “Năm 2023 là năm kết thúc chính sách ân hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi suất 2 năm đầu tiên 0% mà gần đây các chủ đầu tư áp dụng để bán hàng. Từ năm 2023 trở đi các nhà đầu tư nhỏ sẽ phải tự trả gốc và lãi cho khoản vay của mình bằng với lãi suất thả nổi của thị trường. Lúc đó thị trường sẽ đón nhận những thông tin xấu từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ.” – ông Tuyển phân tích.

Ông Tuyển nhận định, các dạng bất động sản phòng thủ sẽ tiềm năng. Cụ thể, thị trường Hà Nội và TP.HCM là nơi có bất động sản để ở thực. Còn những địa phương có tăng trưởng tốt, có nền tảng tốt về hạ tầng giao thông, có những định hướng tốt về kinh tế… thì bất động sản ở những nơi đó sẽ vẫn tốt ví dụ như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng…

Cũng theo ông Tuyển, phải tới năm 2024 thị trường BĐS mới tăng trưởng tốt. Bởi đầu năm 2024 là thời điểm những sửa đổi trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh BĐS có hiệu lực. Cùng với đó, thời điểm chính sách kinh tế vĩ mô được kỳ vọng tốt hơn, vốn cho BĐS cũng được mở hơn.

Nhận định về thị trường BĐS trong năm 2023, ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng thị trường nhà đất trong năm 2022 đã gặp rất nhiều khó khăn, sang năm 2023, những thách thức vẫn sẽ còn tiếp tục tồn tại. Hiện toàn ngành BĐS phải chật vật giải "bài toán" nguồn vốn. Nhiều doanh nghiệp điêu đứng, không thể phát triển sản phẩm mới và buộc phải sa thải lượng lớn nhân viên.

Trong khi đó, ông Lê Viết Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM cho rằng, các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở đô thị sẽ là trọng tâm phát triển của thị trường bất động sản vào năm sau.

Về mảng bất động sản du lịch, theo ông Lê Viết Hải, sang năm 2023 có thể tạm dừng vì đang có một lượng bất động sản du lịch thừa.

Để đưa thị trường địa ốc sôi động trở lại, ông Nguyễn Văn Khôi cho rằng, Chính phủ cần giao tổ công tác của Thủ tướng về bất động sản, chính quyền địa phương thống kê những khó khăn, vướng mắc tại các dự án. Từ đó, các đơn vị này sẽ báo cáo lên Chính phủ, Quốc hội để các cơ quan nhanh chóng “vào cuộc” tháo gỡ.

Bên cạnh đó, để dự án được nhanh chóng đưa vào triển khai, các yếu tố như mặt bằng, hệ thống cơ sở hạ tầng cần được các cơ quan chức năng chú trọng, giám sát. Các thủ tục thực hiện đầu tư cũng cần phải được rút ngắn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

“Phía chính quyền địa phương cần xem xét, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian, xây dựng chương trình phát triển, quản lý hệ thống nhà ở trên thị trường BĐS, đặc biệt là nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở công nhân”, ông Nguyễn Văn Khôi nói.

Ngoài ra, phía doanh nghiệp phải chủ động, thích ứng linh hoạt, giảm chi phí đầu vào để hạ giá bán, tăng cường tiếp cận thêm nhiều đối tượng để gia tăng doanh thu. Với bối cảnh và nhu cầu của xã hội, ông Nguyễn Văn Khôi cho rằng các chủ đầu tư nên tập trung phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà dành cho người thu nhập thấp.

Còn ông Lê Viết Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM đề xuất giải pháp về việc cung cấp thông tin công khai, minh bạch về thị trường xây dựng.

Ông Hải cho rằng, Nhà nước cần tạo lập một trang chính thống cung cấp các dữ liệu về quy hoạch, giao dịch bất động sản, các dự án đang xem xét và đã được cấp phép... Điều này sẽ giúp các chủ đầu tư có thể đưa ra quyết định phù hợp hơn khi tung ra các sản phẩm trên thị trường, đem lại hiệu quả cao trong thị trường xây dựng nói chung và bất động sản nói riêng.

Đọc thêm