Nhà đầu tư vẫn ngóng… “room”

(PLO) - Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Chứng khoán là nới “room” (tỷ lệ sở hữu) cho nhà đầu tư nước ngoài.
“Room” cho nhà đầu tư nước ngoài đến nay vẫn chưa ngã ngũ
Nhưng bất chấp những đóng góp trước đó, Dự thảo mới nhất vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đưa ra lấy ý kiến các thành viên thị trường hôm 25/3 vẫn có nhiều điểm chưa rõ ràng…
Theo ông Nguyễn Thành Long – Phó Chủ tịch UBCKNN, phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) không chỉ là đa dạng hóa kênh đầu tư, hiện đại hóa thị trường tài chính mà còn nhằm xây dựng một kênh huy động vốn hiệu quả và xây dựng nền tảng quản trị cho doanh nghiệp (DN). 
Chính vì vậy, cơ quan quản lý đã rất nỗ lực xây dựng những chính sách, văn bản pháp luật để phục vụ cho sự phát triển của TTCK Việt Nam. Nghị định 58/2012/NĐ-CP là một trong hai nghị định cốt lõi hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán mà theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBCKNN, qua 2 năm đi vào thi hành, đã phát huy những tác dụng tích cực đối với thị trường. 
Tuy nhiên, để đáp ứng được những kỳ vọng mới, đáp ứng những điều kiện của bối cảnh kinh tế mới, cùng với sự thay đổi của Luật Đầu tư, Luật DN thì đại diện UBCKNN cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định (NĐ) 58 là cần thiết.
Quy định mà như không (!?)
Dự thảo bổ sung khái niệm nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; quy định tỷ lệ sở hữu cổ phiếu có biểu quyết tại công ty đại chúng, tỷ lệ sở hữu trái phiếu... Nhưng điều mà các NĐT mong đợi là con số phần trăm tỷ lệ sở hữu thì “tìm mờ mắt” không thấy.
Theo đại diện của Cty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), Dự thảo đã bổ sung thêm Điều 2a quy định chi tiết về giới hạn đầu tư cho NĐT nước ngoài, nhưng quy định về “room” tại các công ty đại chúng vẫn không có gì thay đổi so với trước đây, tức là “theo quyết định của Thủ tướng”.  
“Điều này có nghĩa là, sau khi ban hành văn bản sửa đổi này, vẫn cần một văn bản nữa giống như Quyết định 55/2009/QĐ-TTg trước đây quy định giới hạn “room” 49% cho NĐT nước ngoài. Liệu Thủ tướng sẽ quyết định “room” là 49% hay 60%?”- đại diện BSC đặt vấn đề. 
Quan điểm của đại diện này là cần phải loại bỏ hẳn giới hạn tỷ lệ sở hữu nêu trên, tức là thực hiện theo điều lệ công ty, bởi vì đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giới hạn đầu tư của NĐT nước ngoài đã được quy định tại văn bản pháp luật chuyên ngành.
Trước ý kiến này, Phó Chủ tịch UBCKNN Nguyễn Thành Long cho biết, Dự thảo NĐ sửa đổi NĐ 58 phải đặt trong sự phù hợp với Luật – đó là văn bản pháp luật cao hơn. Do đó, cùng với văn bản hướng dẫn chi tiết Luật DN, Luật Đầu tư về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ngành nghề cấm kinh doanh... sẽ được ban hành thời gian tới, UBCKNN sẽ có sự phối hợp với Bộ KH&ĐT để đưa ra các hướng dẫn cụ thể.
Về tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại công ty chứng khoán, theo tinh thần của Dự thảo và theo cam kết của WTO thì tỷ lệ này không hạn chế. Tuy nhiên, trong trường hợp có NĐT muốn sở hữu tỷ lệ trên 51% hoặc 100%, cần đặt ra một số điều kiện nhằm mục đích kêu gọi những NĐT chuyên nghiệp, có uy tín, có năng lực tài chính và quản trị nắm tỷ lệ sở hữu từ 51% trở lên.
Nhiều nội dung chưa rõ
Trong khi “room” của các NĐT nước ngoài vẫn phải chờ hướng dẫn tiếp theo thì nhiều nội dung quy định trong Dự thảo lại không tương thích với các luật hiện hành.
Đơn cử như Luật DN 2014 quy định chào bán cho cổ đông hiện hữu với số lượng cổ đông bất kỳ không phải là chào bán ra công chúng, trong khi đó Điều 6.12.b Luật Chứng khoán hiện hành lại xem chào bán cho trên 100 NĐT là chào bán ra công chúng, không phân biệt là cổ đông hiện hữu hay không. Trong khi đó Dự thảo NĐ sửa đổi, bổ sung NĐ 58 cũng không một dòng đề cập. 
Theo đại diện Cty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Dự thảo cần có quy định để hướng dẫn xử lý trường hợp này. Vị đại diện này đề xuất áp dụng một thủ tục đơn giản hơn thủ tục chào bán chứng khoán ra công chúng trong trường hợp công ty đại chúng chào bán cổ đông hiện hữu.
Ngoài ra, NĐ được ban hành căn cứ cả Luật Chứng khoán và Luật DN 2014, tuy nhiên Điều 6.34 Luật Chứng khoán định nghĩa người có liên quan không giống định nghĩa người có liên quan tại  Điều 4.17 Luật DN, dẫn đến rủi ro cho đối tượng phải thực hiện, song một lần nữa Dự thảo NĐ này cũng lờ đi.
Một số ý kiến tỏ ra băn khoăn về quy định tại Dự thảo NĐ sửa đổi NĐ 58 với hình thức chào bán ra công chúng, số tiền thu được từ đợt chào bán phải được chuyển vào một tài khoản phong tỏa. Việc chuyển tiền đặt cọc và tiền mua cổ phiếu vào tài khoản phong tỏa phải do cá nhân, tổ chức đăng ký mua cổ phiếu thực hiện... Theo đại diện các công ty chứng khoán, quy định này là thiếu thực tế, gây khó khăn cho NĐT, bởi họ hoàn toàn có thể ủy quyền cho các tổ chức, cá nhân khác chuyển tiền vào tài khoản phong tỏa...  

Đọc thêm