"Lò tử thần"
Ban đầu, khi biết tin anh trai mình qua đời hôm 29/5/1914, Nellie Pierce tin rằng do số phận, bởi sáng hôm đó ông Andrew còn hùng hục xén cỏ trong khuôn viên nhà dưỡng lão. Tuy nhiên, khi nhận được di vật của người quá cố, bà Nellie Pierce phát hiện anh trai mình bị Amy Archer quấy rầy bằng những yêu cầu tiền bạc. Bà chia sẻ những nghi ngờ của mình với ủy viên công tố hạt nhưng vì được đáp lại một cách hờ hững nên bà đem câu chuyện kể cho phóng viên của tờ Hartford Courant.
Cuộc điều tra do tờ báo tiến hành kéo dài vài tháng đã cung cấp các chứng cứ đủ để cảnh sát phải vào cuộc. Gần hai năm sau khi qua đời, thi hài của ông Andrews được khai quật để khám nghiệm. Kết quả cho thấy, ông chết bởi ngộ độc thạch tín (arsenic), với liều đượng đủ quật ngã vài người đàn ông khỏe mạnh, chứ không phải do loét bao tử như đã từng ghi trong giấy chứng tử.
Bà chủ của nhà dưỡng lão – lò tử thần (như báo chí thời đó viết) là Amy Archer (tên thời con gái là Amy Duggan). Amy Archer là con thứ 8 trong một gia đình có 10 anh em được ăn học đầy đủ. Bà lấy chồng lần đầu năm 1896 khi mới 23 tuổi. Năm 1901 hai vợ chồng được các con của John Seymour thuê trông nom ông chủ nhà - một ông già giàu có đã góa vợ.
Được hơn 3 năm thì ông John Seymour mất. Cho rằng đã có kinh nghiệm chăm sóc người già từ vài năm nay, Amy bàn với chồng thuê lại căn nhà của ông Seymour để ở và đồng thời mở nhà dưỡng lão mà chẳng hề được học hành huấn luyện hay có bất cứ chứng chỉ y khoa nào.
Năm 1907, các con ông Seymour bán nhà của cha nên vợ chồng Amy dọn tới Winston, mua một ngôi nhà gạch mở trại dưỡng lão và cùng nhau điều hành nó cho đến khi người chồng qua đời vào năm 1910 do bệnh thận.
Để vào được nhà dưỡng lão của vợ chồng Amy Archer, con cháu của các cụ ông cụ bà phải trả mỗi tuần 1.000 USD để nhận được cam kết rằng họ sẽ được chăm sóc chừng nào còn ... thở.
Theo một số tài liệu, Amy Archer có thể được coi là người tiên phong trong việc mở dịch vụ dưỡng lão ỡ Mỹ. Bà là người đầu tiên mở nhà dưỡng lao có thu tiền, trước đó tất cả các nhà dưỡng lão đều hoạt động theo nguyên tắc làm phước miễn phí chăm nom nuôi dưỡng người già.
Năm 1910, chồng bà Amy qua đời vì bệnh thận – theo như giấy chứng tử thời đó ghi. Vài tuần sau đó, bà tới công ty bảo hiểm nhận tiền để tiếp tục điều hành nhà dưỡng lão.
Từ sau khi ông Archer qua đời, số người chết trong nhà dưỡng lão của bà Amy gia tăng bất ngờ. Trong thời gian 1907 đến 1910 chỉ có 12 cụ “quy tiên”, nhưng chỉ trong 5 năm 1911-1916 có tới 48 trường hợp, trong đó có những người còn rất khỏe mạnh như ông Andrews.
Năm 1913, bà Army đi bước nữa với ông Michael Gilligan đang sống trong nhà dưỡng lão nhưng cuộc hôn nhân kéo dài chỉ hơn 3 tháng, đầu năm 1914, ông chồng “về Nước Chúa” sau một cơn đau kịch liệt được cho là do gan mật bị làm sao đó. Điều đặc biệt là ông lão này đã để lại một di chúc viết vào ngay đêm trước khi ông ta qua đời, giao quyền quản lý toàn bộ tài sản cho bà Amy. Bốn người con của ông Michael Gillian rất phẫn nộ về chuyện này nhưng đành im lặng.
Ông Michael Gilligan qua đời trùng với sự kiện số người chết ở đây nhảy vọt. Mặc dầu cũng đã có những nghi vấn của thân nhân họ nhưng nhân viên điều tra – một người bạn thân của vợ chồng Army – khẳng định đó là những cái chết tự nhiên do tuổi già.
Báo chí vào cuộc
Sau tố cáo của cô em gái Andrews, người ta tìm hiểu và có thấy có đến 40 trường hợp những người sống trong ngôi nhà dưỡng lão đã chết sau khi liên tục “cúng” tiền cho bà chủ.
Khi tờ Hartford Courant vào cuộc, cảnh sát thực hiện khám xét ngôi nhà dưỡng lão và phát hiện những lọ thạch tín trong tủ đựng chén đĩa. Amy khai bà ta dùng thạch tín để đánh bả chuột.
Tuy nhiên, cũng có những bằng chứng khác cho thấy có thể bà Amy mua thạch tín về để diệt chuột. Hơn nữa, nguồn thạch tín trong nhà dưỡng lão có thể xuất phát từ một nguồn khác nên khó khẳng định chính xác rằng tất cả các nạn nhân đều chết do thạch tín mà bà Amy mua.
Đã có lúc cảnh sát nghi vấn bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho các cụ sống trong nhà dưỡng lão. Tuy nhiên, sau này khi phát hiện ra chính bà Amy yêu cầu các cụ ra tiệm thuốc mua một lượng lớn thạch tín thì mọi nghi vấn quay ngược trở về bà Amy và cảnh sát quyết định bắt bà.
Xác của ông Michael Gilligan và bốn người khác cũng bị đào lên: Tất cả đều chết do ngộ độc thạch tín hoặc mã tiền. Bản di chúc của ông Michael Gillian được đưa đi giám định đã khiến mọi người sửng sốt: Nó được bà Amy tự tay cầm bút viết ra. Sau khi tra khảo các chủ hiệu thuốc ở địa phương, cảnh sát có bằng chứng rằng bà Amy với lý do “giết chuột” đã mua một lượng thạch tín khá lớn.
Bị bắt, Amy phải ra tòa với cáo buộc giết người nhưng luật sư của bà đã khéo léo thu xếp để cuối cùng bà ta chỉ phải đối mặt với cáo buộc giết Franklin Andrews. Tại phiên sơ thẩm năm 1917, sau 4 tuần xét xử và 4 giờ nghị án, bồi thẩm đoàn tuyên bố bà phạm tội giết người và công bố án tử hình. Trong phiên xét xử phúc thẩm, quan tòa viện dẫn vi phạm thủ tục tố tụng của cấp dưới nên ra lệnh tổ chức xét xử lại vào tháng 6/1919.
Lần này, luật sư của Amy cho rằng bà ta bị điên, cô con gái 19 tuổi của bà Amy khai mẹ mình là con nghiện morphin nên cuối cùng Amy chỉ chịu án chung thân. Trong tù Amy tỏ ra gương mẫu nhưng từ năm 1924 bà ta được chuyển tới một bệnh viện tâm thần và sống ở đó cho tới khi qua đời năm 1962, thọ 89 tuổi.
Những người chết thì đã chết nhưng cuộc tranh cãi về việc liệu có thực Amy Archer đầu độc bệnh nhân thì vẫn còn được tiếp tục tranh cãi cho đến nay.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng vụ án không có chứng cứ trực tiếp để kết tội bà Amy. Bà mua thạch tín là để diệt chuột, việc này cũng có thật. Thạch tín có trong xác của 5 người từng sống trong nhà dưỡng lão.
Có thực tế được công nhận là thạch tín được các nhà đòn Mỹ sử dụng rất nhiều trong việc tẩm liệm xác người chết từ sau Nội Chiến tới khoảng những năm 1910, đến nỗi về sau này nhà chức trách Mỹ phải ra cảnh báo về dư lượng thạch tín ở các nghĩa địa cũ. Ngoài ra, bà Amy là người sùng đạo nên khó tin rằng bà đầu độc hàng chục người.