“Chính phủ đề xuất việc sửa đổi Hiến pháp lần này quy định rõ hơn về quyền công dân, quyền con người, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm thực thi các quyền này”, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết tại cuộc họp báo về kết quả tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ tổ chức chiều qua - 17/4.
Tổng kết thi hành Hiến pháp, Chính phủ đề nghị chỉ nên tập trung ở các chế định cơ bản, điều chỉnh các vấn đề có tính nguyên tắc |
Cơ chế thực thi cao hơn
Hiến pháp 1992 đã dành một Chương với 34 Điều quy định về các nguyên tắc cơ bản và các nội dung cụ thể về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trên các lĩnh vực; ghi nhận khá đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người và công dân, phù hợp với thông lệ quốc tế và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Chính phủ cùng với các cơ quan nhà nước khác như Quốc hội, TAND, VKSND đã có nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp nhằm đảm bảo các quyền và tự do của con người, công dân.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, “cách đối xử với công dân hiện chưa ngang tầm như một quyền cơ bản đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Điều này cũng có thể lý giải là chúng ta đang chuyển đổi, cần biết ưu tiên cái gì trước chứ cùng một lúc không thể giải quyết hết mọi vấn đề ”. Mặc dù so với Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 đã ghi nhận khá đầy đủ các quyền công dân nhưng trong điều kiện hội nhập cần đề cao và bảo đảm các quyền này một cách mạnh mẽ hơn nữa.
“Sửa đổi Hiến pháp lần này Chính phủ đề xuất quy định quyền rõ hơn về quyền công dân, quyền con người với những cơ chế thực thi cao hơn, nhấn mạnh trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện. Đây là quyền cơ bản được ghi trong Hiến pháp và cơ sở thực thi của nó phải là luật” - Thứ trưởng Liên cho biết thêm.
Phát huy vai trò tự chủ của chính quyền địa phương
Trả lời những câu hỏi liên quan đến vấn đề tổ chức bộ máy nhà nước ở địa phương, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên khẳng định: Thực hiện các quy định của Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan, tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, bất cập là hiện nay, với mô hình tổ chức dập khuôn ở các cấp là chưa hợp lý. Việc không phân biệt chính quyền địa phương ở đô thị và nông thôn nên chưa phát huy được vai trò tự chủ của chính quyền địa phương.
“Hướng Chính phủ đề xuất sửa đổi là có sự tổ chức các cấp chính quyền mỗi cấp khác nhau, phân biệt chính quyền nông thôn và đô thị. Việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, xã, phường cũng sẽ được tổng kết toàn diện, trên cơ sở đó đề nghị chính thức hóa việc thí điểm”, Thứ trưởng Liên nói rõ. Ngoài ra, việc thành lập mới, chia tách, sáp nhập cũng được quy định rõ về thẩm quyền, tiêu chí, thủ tục, trình tự theo hướng chặt chẽ hơn.
Liên quan đến chế định sở hữu toàn dân, Thứ trưởng Liên khẳng định: Đến nay, qua triển khai mặt được rất nhiều nhưng bên cạnh đó có một số bất cập. Tuy nhiên, quá trình tổng kết cũng chưa nói rõ hạn chế là do quy định của Hiến pháp hay hệ thống pháp luật (Luật, Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành - PV) bảo đảm thực thi. Thứ trưởng cho biết sắp tới sẽ đi sâu, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến để tiếp tục làm rõ hơn vấn đề này.
Tổng kết thi hành Hiến pháp, Chính phủ cũng đề nghị, chỉ nên tập trung ở các chế định cơ bản, điều chỉnh các vấn đề có tính nguyên tắc. Bởi “cách quy định quá cụ thể đã làm cho một số nội dung của Hiến pháp nhanh chóng trở nên lạc hậu với thời gian, không phù hợp với bản chất của một bản Hiến pháp với vai trò là đạo luật gốc, đồng thời cũng làm suy giảm vị trí tối thượng của Hiến pháp”.
Báo cáo kết quả tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn nhận xét: Tuy diễn ra trong thời gian ngắn và hết sức khẩn trương, nhưng các Bộ, ngành, địa phương đã rất nghiêm túc trong triển khai tổng kết, các báo cáo gửi về kịp thời, có chất lượng làm cơ sở để Ban chỉ đạo xây dựng Báo cáo của Chính phủ tổng kết thi hành Hiến pháp 1992. Năm 2012, một trong những nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, làm sâu thêm về cơ sở lý luận và thực tiễn cho các kiến nghị, đề xuất trong báo cáo của Chính phủ; trọng tâm là những kiến nghị đề xuất trong đó có vấn đề quyền dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện của công dân, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. |
Thu Hằng