Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp

(PLO) - Hôm nay (29/4), tại TP HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị với cộng đồng doanh nghiệp mang chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.Trước thềm cuộc đối thoại quan trọng này, Báo Pháp Luật Việt Nam đã tiếp xúc với một số doanh nghiệp, doanh nhân trong cả nước để nghe họ nói lên suy nghĩ của mình với người đứng đầu Chính phủ.
Thủ tướng nhận công thư và đồng ý gặp gỡ với cộng đồng DN vào cuối tháng 4/2016

Không chỉ quan tâm tập đoàn, doanh nghiệp lớn...

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT Cty CP Thạch Bàn Miền Trung, đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nghiệp (DN) quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) nói, ông thấy ấm lòng khi trong những ngày đầu vừa nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quan tâm đến những khó khăn của DN.

“Tôi biết, sẽ khó gặp Thủ tướng, nhưng nếu được, tôi cũng muốn gửi một trăn trở lớn hiện nay, rằng cộng đồng DN đang mất niềm tin không ít từ Nhà nước, Chính phủ. Đặc biệt, mất niềm tin về các chính sách và các cơ chế. Đối với DN, những khó khăn và thuận lợi luôn đan xen và như thế mới kích thích sự phá triển. Cái khó của thị trường, cái khó của đối thủ, chúng tôi dễ dàng vượt qua, thậm chí chấp nhận đối đầu, nhưng riêng cái khó của cơ chế, chính sách, khó của những cái mình không lường trước được… thì dường như đang đánh đố DN”, ông Sơn nói.

Cũng theo doanh nhân này, nói một chuyện còn thay đổi lại là một chuyện, nhưng nó phải chạm vào trái tim của từng DN. Giúp DN hồ hởi, sản xuất kinh doanh tạo ra nhiều giá trị, hiệu quả để đóng góp nhiều cho ngân sách đất nước, lúc đó mới gọi chính sách đó phục vụ DN một cách thực tế nhất.

Ông cũng đơn cử chuyện lãi suất ngân hàng hiện nay luôn không ổn định, cứ thay đổi xoành xoạch, rất khó khăn. “Tôi cũng mong muốn Chính phủ tạo nên một sân chơi lành mạnh, công bằng để tất cả các DN cùng có cơ hội phát triển. Chính phủ không nên chỉ giành sự quan tâm cho một vài DN lớn, tập đoàn nước ngoài, mà cần hỗ trợ nhiều hơn cho cộng đồng DN nhỏ. Thực tế, vụ Formosa Hà Tĩnh, nó xảy ra đúng thời điểm này, do đó tôi rất muốn Thủ tướng Chính phủ quan tâm. Nhà nước, Chính phủ phải đứng trên quan điểm rằng, tất cả các DN kinh doanh đều có quyền bình đẳng như nhau kể cả DN nước ngoài và tất cả các nước khi đến Việt Nam kinh doanh buộc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.” , ông Sơn nói

Cái khó tiếp theo mà ông Sơn mong muốn đó là Bộ Ngoại giao cần hỗ trợ tối đa trong tìm kiếm thông tin về cơ hội đầu tư, thị trường ở các nước sau đó phổ biến cho DN trong nước tùy theo ngành nghề kinh doanh. “Tôi lấy ví dụ một DN xuất khẩu thủy sản, họ cần cả những thông tin về phong tục, nhu cầu ở các nước trên thế giới, nước nào, khu vực nào tiêu thụ loại cá nào. Nếu doanh nghiệp tự “bơi”, tự tìm kiếm thông tin, sẽ rất tốn kém, mất cơ hội đầu tư kinh doanh.”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thạch Bàn Miền Trung kiến nghị.

Thiếu công bằng về hoàn, nộp thuế

Trao đổi với PV, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnhVĩnh Phúc, ông Phan Bá Sang cho biết thêm, vướng mắc lớn nhất của DN tỉnh này hiện nay là liên quan để thủ tục thuế và hải quan, đặc biệt là thủ tục hoàn thuế… Việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN còn khó khăn và phức tạp. Có DN được hoàn thuế tới 6 tỷ nhưng kéo dài tới 6 tháng chưa được giải quyết. Ông Sang dẫn chứng trường hợp Cty CP Thương mại và Công nghệ Thủ đô, Cty BH Vina tháng 12 đề nghị hoàn, tháng 4 mới nhận được tiền hoàn - cán bộ thuế trả lời do ngân sách hoàn hạn chế chưa có tiền hoàn lại cho DN.

Ngoài ra, ông Sang cũng cho biết, việc xác định chi phí để tính thuế thu nhập DN qua cán bộ thuế và DN còn có tranh cãi và phần thắng bao giờ cũng thuộc về cán bộ thuế. Thực tế, có nhiều DN nhà nước còn nợ hàng tỷ đồng tiền hoàn thuế hoặc nợ vốn xây dựng cơ bản kéo dài tới 2-3 năm không được thanh toán, trong khi DN nợ thuế vài ba trăm triệu chưa thanh toán đã bị phạt. “Đây là sự thiếu công bằng giữa Nhà nước và DN!”- Ông Sang nhấn mạnh.

Về lĩnh vực hải quan, các DN Vĩnh Phúc ghi nhận các thủ tục hành chính đã được cải thiện nhiều, tuy nhiên thời gian thông quan vẫn còn kéo dài, ở mỗi công đoạn, quy trình lại có những phức tạp riêng. Cụ thể, việc thông quan qua kê khai điện tử là một bước tiến bộ, song phần mềm kê khai điện tử chưa tốt, nhiều khi bị tắc nghẽn ở một số khâu nào đó, gây khó khăn cho DN khi thông quan. Nếu như trước đây xuất hàng chỉ mất 1 ngày làm thủ tục, nhưng từ khi áp dụng luật mới hiện nay xuất hàng phải mở qua cơ quan hải quan kiểm tra mất 2-3 ngày, gây phiền hà, bức xúc cho DN xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc áp dụng quy định quản lý chất lượng thép theo Thông tư liên tịch số 44 giữa Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ gây nhiều khó khăn cho DN, kéo dài thời gian thông quan ảnh hưởng đến chi phí của DN.

Ngoài ra, các DN Vĩnh Phúc cũng phản ảnh việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước đối với DN vẫn nhiều. Mỗi cơ quan nhà nước lại có những lý do riêng để vào kiểm tra DN. Thời gian DN phải bỏ ra để tiếp và làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm tra còn nhiều gây khó khăn, phản cảm trong DN, đặc biệt là các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Nên “cùng hội cùng thuyền”!

Trước thềm hội nghị, trao đổi với PLVN, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước nhớ lại vào năm 2004, tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp DN nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam đầu tiên, Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó cũng đã có cuộc đối thoại như vậy.

“Tôi chợt nhớ đến câu chuyện về một bà mẹ có con gãy chân bó bột, vì thương con mà đã gỡ bớt cái bó chân cho con đỡ đau và thoải mái, dù làm thế là trái với quy trình điều trị. Ý tôi muốn nói về cơ chế hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho DN. Lâu nay, trong mối quan hệ Nhà nước với DN, Nhà nước vẫn coi mình có chức năng quản lý, các DN trở thành đối tượng bị quản lý. Phương pháp để Nhà nước quản lý là đặt ra các luật lệ. Những luật lệ này tạo sự thuận lợi cho công tác quản lý, nhưng nhiều khi vô tình trở thành những cái “bó chân” gây khó khăn cho DN”, ông Lĩnh ví von.

Tổng Giám đốc Cty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cũng mạnh dạn kiến nghị: “Nên chăng trong thị trường hội nhập, Nhà nước và DN không phải hai đối tượng tách biệt nữa, mà phải “cùng hội cùng thuyền” trên mặt trận kinh tế nói chung. Muốn vậy phải chuyển từ một Nhà nước quản lý thành một Nhà nước phục vụ. Cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ được bàn về chiến lược quản trị. Tôi tin tưởng và kỳ vọng rất nhiều vào sự chỉ đạo của Thủ tướng sau buổi đối thoại sắp tới.

Thông điệp rõ ràng của Thủ tướng

“Dự kiến, trong hội nghị hôm nay, Thủ tướng sẽ gặp gỡ khoảng 300 đại biểu DN dân doanh, 50 DN có vốn đầu tư nước ngoài và 20 hiệp hội DN như AmCham, Eurocham, Phòng Thương mại Hàn Quốc...

Người đứng đầu Chính phủ muốn thông qua hội nghị để truyền đi thông điệp “DN là động lực của phát triển kinh tế”. Theo đó, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các DN phát triển cả về số lượng và chất lượng; đề ra các giải pháp xây dựng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cũng như giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN.

Sau buổi gặp gỡ, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương sẽ tiến hành họp bàn để giải quyết ngay những vấn đề nói trên, đồng thời sẽ ban hành một Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn, phát triển DN trong tháng 5/2016.”

Đọc thêm