Nhà nước thoái vốn: Phải tính đến sự phát triển của Vinamotor

(PLO) - Khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thoái vốn toàn bộ tại Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam — Vinamotor thì lập tức có doanh nghiệp xin được “mua hết” số cổ phần “ế” trong đợt IPO hồi tháng 3/2014. Điều gì đã khiến số cổ phần hơn 855 tỷ của Tổng Công ty Vinamotor trở nên hấp dẫn và Nhà nước cần bán số cổ phần này như thế nào?
Vinamotor đang sở hữu nhiều khu đất rộng nội thành Hà Nội
Sacom nhanh chân “trục lợi”?
Báo Pháp luật Việt Nam số 33, ra ngày 2/2/2015 có bài phản ánh xung quanh việc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sacom có văn bản đề nghị được mua lại toàn bộ cổ phần còn lại của Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (hơn 97%, tương đương hơn 855 tỷ đồng) theo hình thức thỏa thuận trực tiếp việc cổ phần hóa Tổng Công ty Vinamotor. 
Nhưng, thực sự thì Công ty Sacom không phải là doanh nghiệp đầu tiên đưa ra đề nghị này mà chỉ là doanh nghiệp “chớp cơ hội” khi Chính phủ thông báo cho Bộ Giao thông Vận tải về việc đồng ý chủ trương thoái 100% vốn nhà nước tại Tổng Công ty Vinamotor. 
Trước đó, thực hiện kế hoạch và phương án cổ phần hóa Tổng Công ty Vinamotor, tháng 3/2015, Tổng Công ty này đã thực hiện đợt chào 49% bán cổ phần rộng rãi ra công chúng. Nhưng, số lượng cổ phần bán được chỉ xấp xỉ 3%, mà người mua chủ yếu là người lao động và tổ chức công đoàn của Tổng Công ty. Các nhà đầu tư hoàn toàn thờ ơ với cổ phiếu của Tổng Công ty Vinamotor trong đợt chào bán này, hay nói cách khác, cổ phiếu của Tổng Công ty Vinamotor trở thành món hàng “ế”.
Với kết quả như trên thì có thể nói việc cổ phần hóa Tổng Công ty Vinamotor không đạt được mục tiêu đề ra. Do đó, khoảng tháng 10/2014, một doanh nghiệp chuyên sản xuất, lắp ráp ô tô đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho mua hết toàn bộ vốn nhà nước tại Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam theo hình thức thỏa thuận trực tiếp. 
Phương án này đã được Bộ báo cáo Thủ tướng và đây chính là lý do mà Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Bộ Giao thông Vận tải thoái 100% vốn nhà nước tại Tổng Công ty Vinamotor. Khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý với đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải thì Sacom cũng nhảy vào với đề nghị tương tự là mua lại toàn bộ vốn nhà nước tại Tổng Công ty Vinamotor.
Với việc Công ty Sacom và nhiều nhà đầu tư quan tâm đến cổ phần của Tổng Công ty Vinamotor như trên thì nhiều ý kiến cho rằng, việc bán đấu giá là phương thức tất yếu mà Nhà nước sẽ thực hiện và Công ty Sacom chưa chắc đã mua được “món hàng” mà Công ty này mong muốn. 
Cơ hội của nhà đầu tư và rủi ro với… Vinamotor
Nhưng, không chỉ Sacom mà các nhà đầu tư thực sự muốn đổ tiền vào Tổng Công ty Vinamotor chưa chắc đã được như ý khi việc bán cổ phần của Tổng Công ty Vinamotor được thực hiện theo hình thức đấu giá. Theo Luật sư Nguyễn Minh Anh, Văn phòng Luật sư (VPLS) Trí Minh, khi thực hiện việc bán đấu giá cổ phiếu của doanh nghiệp, cơ hội dành cho nhà đầu tư trả giá cao hơn. 
Do đó, để mua khối lượng cổ phiếu đủ để có thể quyết định được vận mệnh của Tổng Công ty này có nghĩa là nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra số tiền nhiều hơn mức giá 10.000/cổ phần và mua hết số cổ phần mà Nhà nước nắm giữ với giá cao thì rõ ràng không phải là lựa chọn đầu tư khôn ngoan.
Đây có lẽ cũng là nguyên nhân chính mà đợt IPO tháng 3/2014 không thành công. Theo Luật sư Nguyễn Minh Anh, vì thời điểm này, Nhà nước chỉ bán 49% cổ phần và vẫn giữ cổ phần chi phối tại Tổng Công ty. Do đó, quyền quyết định vận mệnh Tổng Công ty vẫn nằm trong tay cổ đông nhà nước nên ít nhà đầu tư dám đầu tư. Nhưng nếu bán toàn bộ cổ phần của Tổng Công ty cho một chủ sở hữu thì mọi chuyện sẽ khác. Vì vậy, đã có doanh nghiệp chuyên sản xuất ô tô đề nghị được đầu tư nguồn lực cho Vinamotor để Tổng Công ty này thực sự trở thành “anh cả” trong ngành công nghiệp ô tô.
Do đó, Luật sư Nguyễn Minh Anh cho rằng, nếu bán đấu giá cổ phần của Tổng Công ty Vinamotor thì Nhà nước có thể được lợi nhưng Tổng Công ty Vinamotor thì chưa chắc đã được lợi. Vì nhiều nhà đầu tư chỉ nhằm vào cổ phần của Tổng Công ty này như một món hàng để mua đi, bán lại kiếm lời từ khoản chênh lệch giá còn nhà đầu tư “ngoài ngành” như Công ty Sacom thì tài sản là những khu đất rộng ở nội thành Hà Nội mới thực sự là cái đích đáng ngắm chứ không phải là sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô. 
Theo ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay Bộ đã giao cho người đại diện vốn nhà nước tại Tổng Công ty phối hợp với HĐQT xây dựng phương án thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty này trình Bộ phê duyệt. 
Phương án thoái vốn sẽ được thẩm định thận trọng trên nguyên tắc Nhà nước thoái vốn là để huy động nguồn lực xã hội cho việc phát triển Tổng Công ty chứ không thuần túy là chỉ là rút vốn. Do đó, phương án thoái vốn cũng phải tính đến việc lựa chọn các nhà đầu tư có nguồn lực về vốn, thị trường và công nghệ để giúp Tổng Công ty phát triển hơn.
Luật sư Hoàng Đạo, VPLS Nhiệt Tâm cũng ủng hộ quan điểm của đại diện Vụ Quản lý doanh nghiệp. Theo ông, tại Nghị định 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ về đầu tư vốn vào doanh nghiệp và quản lý vốn tại doanh nghiệp nhà nước nắm 100% vốn điều lệ thì khi chuyển nhượng cổ phần của Nhà nước, đấu giá không phải là hình thức duy nhất. 
Đối với các công ty chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán thì có thể bán đấu giá hoặc bán cổ phần theo hình thức thỏa thuận trực tiếp với nhà đầu tư. 
Như vậy, để cổ phiếu Tổng Công ty Vinamotor không trở thành món hàng cho các nhà đầu tư “đầu cơ” và vì tương lai của doanh nghiệp “anh cả” trong ngành công nghiệp ô tô thì phương án thoái vốn cần nhằm đến những nhà đầu tư có nguồn vốn, công nghệ, thị trường và thực sự muốn đầu tư vì sự phát triển Vinamotor chứ không thuần túy vì lợi nhuận. 

Đọc thêm