Nhà ở xã hội tại Hà Nội đồng loạt “đắp chiếu”

(PLO) - Hầu hết các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô đều bị chậm tiến độ, nhiều dự án phải tạm dừng triển khai vì thiếu tiền hoặc vướng quy hoạch, giải phóng mặt bằng…
Để có thể đưa vào sử dụng, thành phố phải huy động vốn xã hội hóa hoàn thiện ký túc xá Mỹ Đình 2. Ảnh minh họa
Để có thể đưa vào sử dụng, thành phố phải huy động vốn xã hội hóa hoàn thiện ký túc xá Mỹ Đình 2. Ảnh minh họa
Theo số liệu của UBND TP.Hà Nội, trên địa bàn thành phố có khoảng 34 dự án (với gần 2.817m2 sàn) đang triển khai hoặc chưa hoàn thành toàn bộ để đưa vào sử dụng. Trong đó, 6 dự án đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên, dự kiến giải quyết chỗ ở cho khoảng 39.866 sinh viên; 5 dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, đáp ứng cho 25.304 công nhân; 23 dự án nhà ở thu nhập thấp (kể cả các dự án nhà ở xã hội được chuyển đổi từ nhà ở thương mại) tương đương 21.412 căn hộ.
Dang dở vì thiếu tiền, lãng phí vì thiếu hạ tầng
Đến nay, cả 6 dự án xây dựng nhà ở sinh viên đều chậm tiến độ do thiếu vốn đầu tư và điều chỉnh dự án. Dự án khu ký túc xá tập trung tại Mỹ Đình II đang thiếu hơn 78 tỷ đồng giá trị khối lượng xây lắp đã được phê duyệt, phải bố trí nguồn vốn từ ngân sách để quyết toán hoàn thành công trình, sớm đưa vào sử dụng; số vốn thiết bị đồ rời (bàn ghế, giường, tủ...) khoảng 31,6 tỷ đồng đang bổ sung theo phương thức xã hội hóa. Dự án khu tập trung Pháp Vân - Tứ Hiệp cũng “kêu” thiếu tới gần 700 tỷ đồng để hoàn thiện 5 khối nhà. 
Các dự án tại Trường Đại học Lâm nghiệp cũng thiếu khoảng 60 tỷ đồng để hoàn thiện và đang xin điều chỉnh dự án sử dụng nguồn vốn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trường Đại học Điện lực (cơ sở II tại Sóc Sơn) thiếu khoảng 111,22 tỷ đồng. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tạm dừng dự án vì thiếu vốn, khoảng 23 tỷ đồng. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng thiếu khoảng 33,64 tỷ đồng để hoàn thành dự án.
Trong khi đó, về nhà ở cho công nhân, thành phố có 5 dự án đầu tư, đến nay dự án thí điểm tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, dự án còn thiếu các hạ tầng xã hội và hiện trống 2.700 chỗ không có công nhân thuê ở, gây lãng phí, xuống cấp.…
Có đất sạch, dự án vẫn… “án binh bất động”
Trong 23 dự án nhà thu nhập thấp, bên cạnh những dự án triển khai nhanh, có uy tín với người mua thì theo nhận định của Sở Xây dựng, còn nhiều chủ đầu tư mặc dù có đất sạch nhiều năm vẫn “đắp chiếu” dự án, chưa biết ngày nào khởi công, gây lãng phí đất. 
Điển hình là dự án xây dựng nhà thu nhập thấp tại khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh do Tổng Công ty HUD làm chủ đầu tư. Toàn bộ dự án đã được giao đất sạch, được UBND thành phố chấp thuận đầu tư từ ngày 13/6/2011 với tổng số 1.696 căn hộ, tương đương tổng diện tích sàn khoảng 133.299m2. Thế nhưng, đại diện HUD cho biết đang làm điều chỉnh quy hoạch dự án nên chưa thể khởi công xây dựng… 
UBND TP.Hà Nội yêu cầu các chủ đầu tư phải báo cáo rõ nguyên nhân gây chậm triển khai, cam kết tiến độ khởi công và hoàn thành với UBND thành phố làm căn cứ kiểm tra giám sát và xử lý khi kéo dài dự án. Qua đó, thành phố làm rõ năng lực của các chủ đầu tư để thu hồi đất, thay thế chủ đầu tư quá yếu đồng thời rà soát toàn bộ hạ tầng xã hội, kỹ thuật của các dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Đọc thêm