Thời gian gần đây, tình trạng nhà thầu kiến nghị vượt cấp diễn ra ngày càng nhiều, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng trên thực tế, nhiều nhà thầu khi gửi đơn kiến nghị vượt cấp không đúng nơi, đúng chỗ, sai thời điểm, sai quy trình đang nói lên rằng do nhà thầu không nắm vững pháp luật về đấu thầu nên mới xảy ra tình trạng này, hoặc thậm chí "cố tình" làm ảnh hưởng đến uy tín của chủ đầu tư.
Trao đổi với Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đối với Quy trình giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu, ông Nguyễn Tất Thắng – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Hưng Yên cho biết, việc giải quyết kiến nghị cần phải thực hiện đúng quy trình đồng thời phải phân biệt rõ ràng về giai đoạn (trong quá trình lựa chọn nhà thầu với kết quả lựa chọn nhà thầu ) thì mới đảm bảo được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tất cả các bên.
Cụ thể, theo ông Thắng, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình về kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà thầu cần nắm chắc quy trình giải quyết kiến nghị ở giai đoạn này trong 6 bước theo Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Cụ thể:
Bước một, nhà thầu gửi văn bản kiến nghị đến chủ đầu tư đối với dự án; bên mời thầu đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu.
Bước hai, Chủ đầu tư, bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi nhà thầu trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu.
Bước ba, trường hợp chủ đầu tư, bên mời thầu không có văn bản trả lời hoặc nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà thầu có quyền gửi văn bản kiến nghị đồng thời đến người có thẩm quyền và Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu.
Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị cấp trung ương do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập; cấp bộ, cơ quan ngang bộ do Bộ trưởng, thứ trưởng cơ quan ngang bộ thành lập; cấp địa phương do người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu ở địa phương thành lập;
Bước bốn, khi nhận được văn bản kiến nghị, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị có quyền yêu cầu nhà thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu và các cơ quan liên quan cung cấp thông tin để xem xét và có văn bản báo cáo người có thẩm quyền về phương án, nội dung trả lời kiến nghị trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu.
Bước năm, trong trường hợp cần thiết, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị căn cứ văn bản kiến nghị của nhà thầu đề nghị người có thẩm quyền xem xét tạm dừng cuộc thầu. Nếu chấp thuận, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị, người có thẩm quyền có văn bản thông báo tạm dừng cuộc thầu.
Văn bản tạm dừng cuộc thầu phải được gửi đến chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản thông báo tạm dừng cuộc thầu. Thời gian tạm dừng cuộc thầu được tính từ ngày chủ đầu tư, bên mời thầu nhận được thông báo tạm dừng đến khi người có thẩm quyền ban hành văn bản giải quyết kiến nghị;
Cuối cùng, người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị.
Theo đó nhà thầu đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị ở bước nào, hoặc quá thời hạn mà không kiến nghị tiếp thì giải quyết kiến nghị kết thúc ở bước đó.
Cũng theo ông Thắng, nhà thầu đã kiến nghị vượt cấp sẽ ảnh hưởng tới uy tín của chủ đầu tư, việc kiến nghị này vi phạm vào Khoản 5 Điều 92 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 "Trường hợp nhà thầu, nhà đầu tư gửi văn bản kiến nghị trực tiếp đến người có thẩm quyền mà không tuân thủ theo quy trình giải quyết kiến nghị quy định tại Điều này thì văn bản kiến nghị không được xem xét, giải quyết”.
Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, nhà thầu phải nắm chắc quy định, quy trình giải quyết kiến nghị trong đấu thầu, được nêu tại Điều 91, Điều 92 Luật Đấu thầu. Nhà thầu cần bám sát các mốc thời gian, có nội dung kiến nghị kịp thời đến cấp giải quyết kiến nghị, lưu giữ đầy đủ bằng chứng để bảo đảm mình kiến nghị đúng nơi và đúng thời điểm. Khi chất lượng giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu không đạt yêu cầu thì có thể kiến nghị tiếp ở cấp cao hơn hoặc khởi kiện ra Tòa án.