Nhà văn Trần Đương: Một cây bút âm thầm lặng lẽ, một sự nghiệp rất đáng ghi nhận

(PLVN) - Nhiều năm qua, bài viết chân dung những người hoạt động xã hội có tên tuổi, các chính khách, danh nhân văn hóa, đặc biệt là châu Âu và Đức, nhân kỷ niệm ngày sinh, ngày mất hay các sự kiện quan trọng, được Trần Đương giới thiệu đều đều, kịp thời trên trang văn học nước ngoài của tuần báo Văn nghệ, các tạp chí và các báo khác, đem đến cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích.
Một số ấn phẩm của Trần Đương

Đại lực điền trên cánh đồng văn hóa

Đọc sách của các nhà xuất bản Văn học, Quân đội nhân dân, Hội Nhà văn... thấy tên tác giả Trần Đương trên bìa nhiều tác phẩm: “Đến với văn hóa Đức” - Tiểu luận, Nxb Văn hóa Thông tin - giải thưởng Liên hiệp Văn học nghệ thuật toàn quốc năm 2001; “Nói cũng chết, im lặng cũng chết” - Tập truyện ngắn Đức - Sách dịch, Nxb Hội Nhà văn; Bát ngát Bau - xen, Nxb Văn hóa Dân tộc...

Không thể kể hết tên những cuốn sách của Trần Đương gồm sáng tác, dịch và biên soạn, với một danh mục dài dằng dặc hơn một trăm tác phẩm đã được in. Có những cuốn được tái bản nhiều lần: Bác Hồ như chúng tôi đã biết - 1985; J.W.Goethe - 1985; Theo dấu chân Người - 2000; Hồ Chí Minh - Nhà dự báo thiên tài - 2004...

Không chỉ viết văn xuôi, ông còn là tác giả của những tập thơ: Gió từ Ban tích; Đâu cũng quê hương; Trái đất trong vòng tay; Lặng lẽ đời, lặng lẽ thơ; Chuyện nàng Bạch Tuyết...

Ở thể loại nào, lĩnh vực chuyên đề nào, dù sáng tác hay biên dịch, tiểu luận, Trần Đương cũng thể hiện bằng dăm, ba cuốn, có khi hàng chục: Bảy ngày Bác Hồ thăm Cộng hòa Dân chủ Đức - 1998; Ánh mắt Bác Hồ - 1999; Những người được Bác Hồ đặt tên - 1999; Theo dấu chân Người - 2000; Những người con đỡ đầu của Bác Hồ - 2000...

Vừa qua là bộ sách khổng lồ do Nxb Thanh Niên ấn hành: “Nước Đức - duyên nợ của đời tôi” với những tên riêng cho từng tập: Tuổi thanh xuân dưới hai bầu trời; Hiển hiện Tổ quốc trong tim mình; Nước Đức trong lòng Hà Nội. Và sẽ xuất bản tiếp tập IV: Sông Hồng, sông Rhein hòa chung dòng chảy. Bốn tập, cuốn nào cũng dày dặn trên năm trăm trang khổ lớn 16 x 24. Tôi nhẩm tính, mỗi trang khoảng 500 âm tiết nhân với 500 trang, thành ra 25 vạn, lại nhân tiếp với 4 tập thành ra 1 triệu từ. Thật là con số khủng.

Nhưng “Nước Đức - duyên nợ của đời tôi” chưa phải là tác phẩm kết thúc sự nghiệp sáng tác của nhà văn Trần Đương. Bởi, phần “sẽ xuất bản” còn một danh sách dài hàng chục cuốn nữa sẽ tiếp tục được công bố. Tôi bỗng nhớ đến câu ví mà nhà văn, Phó Giáo sư Lê Sơn trong một bài báo, đã đặt biệt danh cho Trần Đương là “Đại lực điền trên cánh đồng văn hóa”.

Nói Trần Đương là một người có may mắn cũng đúng. Mà bảo rằng ông là người tài hoa cũng không sai. Là đứa trẻ sinh ra ở một làng biển nghèo xa xôi tận Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, chân không giày, không dép, đầu không nón, không mũ, chỉ quần đùi, áo cánh nâu, hàng ngày còn phải phụ giúp gia đình từ cắt cỏ, chăn bò, đến nấu nướng, quét dọn; trường tiểu học thì cách mấy xã, nên thường bỏ học vào những ngày mưa to, gió lớn...

Ngày ấy mà nói được đi học nước ngoài Liên Xô, Trung Quốc là oai lắm, chỉ là mơ ước, một mơ ước xa xỉ. Nhưng rồi có ông tiên đã hiện ra hóa phép cho ước mơ của Trần Đương thành hiện thực. “Ông Tiên” đó là Bác Hồ. Năm 12 tuổi, Trần Đương là một trong số 150 con em gia đình cách mạng cả nước được chọn đi học nước ngoài.

Năm 1959, lúc còn là thiếu niên 16 tuổi và mới chỉ có bốn năm học ở Đức, Trần Đương đã tự trình bày bài thơ do mình sáng tác bằng tiếng Đức, trên sân khấu nước bạn, nhân kỷ niệm Ngày quốc khánh CHDC Đức 7/10/1959 tại “Lễ hội tài năng trẻ” và đoạt giải nhất. Phải chăng, đây chính là một báo hiệu về năng khiếu văn chương.

Có một danh ngôn thế giới: “Thiên tài 1% là năng khiếu, còn 99% là nước mắt và mồ hôi”. Sau bốn năm học phổ thông và học nghề ở Đức, về nước làm việc, Trần Đương sớm nhận ra rằng phải học thêm lên để có kiến thức phát huy năng khiếu và ông đã theo học khoa ngữ văn.

Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp ra trường, Trần Đương có những năm tháng là phóng viên cho Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Nội và từ năm 1970 đến năm 1972 là phóng viên ở tuyến lửa Quảng Bình. Thời kỳ này ông đã ghi 16 cuốn nhật ký.

Cần cù như con ong làm mật. Suốt cuộc đời, Trần Đương đều đặn viết nhật ký để rồi bạn đọc được thưởng thức những bài báo sống động, giàu thông tin. Và nay, nếu xếp những cuốn nhật ký ấy chồng lên nhau thành một cọc, hẳn sẽ có chiều cao hơn chủ nhân của nó.

Với cây bút và cuốn sổ, Trần Đương đã bám sát thực tế và ghi chép hàng ngày những sự kiện gắn liền với biến thiên và sự phát triển theo dòng chảy của lịch sử, vùng miền, quốc gia, quốc tế để rồi từ những trang nhật ký ấy nhào nặn thành những trang văn.

Ở bộ sách trường thiên “Nước Đức - duyên nợ của đời tôi” Trần Đương thổ lộ: Trong 40 năm, ngoài công tác chuyên môn của cơ quan, tôi từng ngày vượt lên những khó khăn, trở ngại trong đời thường để “bơi” trên dòng sông văn học.

 

Không chỉ có viết lách

Trần Đương không phải là nhà văn suốt ngày ngồi viết sách. Hành trình cuộc đời của ông là hành trình của một công chức: Thí nghiệm viên phòng Hóa, Ủy ban Khoa học Nhà nước; phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Quảng Bình, rồi CHDC Đức; chuyên viên cao cấp Ban Tuyên giáo Trung ương; Trợ lý Trưởng ban kiêm Phó Văn phòng của Ban Tôn giáo Chính phủ...

Nhưng ở bất cứ cương vị công chức nào, ông không bao giờ rời xa sự nghiệp văn học. Thời gian hơn mười năm ngồi ghế Thư ký Tòa soạn Tạp chí Nhiếp ảnh, đồng thời là Ủy viên Ban lý luận phê bình của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, ông cũng cho ra đời nhiều cuốn sách về chuyên ngành này: Một thế hệ những người lính chép sử bằng ảnh - 2002; Nhiếp ảnh - Mấy vấn đề tiếp cận và tiếp nhận (Giải thưởng Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam năm 2004)...; Với số lượng mà đích danh những nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh chuyên nghiệp không phải ai cũng làm được nhiều như thế.

Nếu tính bài thơ có tựa đề “Chung một con đường” được giải thưởng năm 1959 ở Đức là sáng tác văn học đầu tay và sau này Trần Đương đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn CHDC Đức, cho đến khi ông là Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt - Đức, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cộng hòa Liên bang Đức, không một thời kỳ nào của cuộc đời, của môi trường công việc, ông chịu bỏ lỡ cơ hội làm văn học về giai đoạn ấy, sự kiện ấy.

Thời gian mười năm làm phóng viên, Trưởng cơ quan đại diện của Thông tấn xã - Việt Nam ở Berlin, ngay từ thập niên 70 của thế kỷ trước, Trần Đương đã có mối liên hệ mật thiết với Bộ Chính trị của Trung ương Đảng XHCN Thống nhất Đức, tiếp xúc với nhiều thượng khách, từ các vị lãnh tụ của Đảng, các nguyên thủ quốc gia, Thủ tướng, Bộ trưởng đến các văn nghệ sỹ có tiếng.

Tất cả đã để lại dấu ấn sâu sắc với người đọc, khi Trần Đương kể lại bằng những trang viết về những sự kiện và những con người này. Ông đã có tài “kéo” các chính khách quốc tế, các nhà hoạt động xã hội, các nhà văn hóa lớn lại gần với người đọc Việt Nam.

Với vốn ngoại ngữ tiếng Đức thông thạo, am hiểu đến mức độ thông thuộc CHDC Đức, Trần Đương còn vinh dự được tháp tùng, làm phiên dịch cho nhiều lãnh tụ Việt Nam, nhà văn hóa, các văn nghệ sỹ sang thăm và làm việc ở CHDC Đức, ông đều có bài viết kịp thời, cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích và hấp dẫn. 

Với “Nước Đức - duyên nợ của đời tôi”, người đọc bị cuốn hút bởi lối viết giản dị, giọng văn thủ thỉ, tâm tình của Trần Đương. Xúc động biết bao những tấm lòng bè bạn, tràn đầy tình hữu nghị anh em qua chuyện kể về các nhân vật, từ giới văn hóa khoa học đến người dân bình thường.

Anna Seghers, nữ văn hào nổi tiếng, người khởi xướng phong trào “Xe đạp cho Việt Nam” và “Kính cho Việt Nam”; Ursula Nguyễn, một nàng dâu ưu tú của Việt Nam; A.Wulf, nữ nhà văn Đức, tác giả cuốn sách nổi tiếng viết bằng tiếng Đức “Việt Nam - những ngôi chùa và đền trên đồng lúa”; Gisa Jaehnichen, một nữ tiến sỹ triết học say mê hát Ả Đào...

Còn nhiều, nhiều nữa những con người bình dị nhưng đã góp phần không nhỏ vun đắp cho mối tình hữu nghị giữa Việt Nam và Đức, đã được Trần Đương phản ánh một cách sinh động qua những trang viết của mình.

Trần Đương thổ lộ: Tôi mang trong tim một tình yêu sâu nặng với nước Đức, với ngôn ngữ và văn hóa Đức. Và, ông cho rằng “Như là duyên phận vậy”. Trong “Lời nói đầu” tập III của bộ sách “Nước Đức - duyên nợ của đời tôi” - Trần Đương viết: Nói “Nước Đức trong lòng Hà Nội”, ý của tôi là: Sống và làm việc ở Hà Nội, tôi vẫn gửi một phần trái tim cho quê hương thứ hai của mình”. Kết thúc hai nhiệm kỳ làm phóng viên thông tấn ở Đức về nước, 40 năm đã trôi qua, Trần Đương “làm việc âm thần, lặng lẽ - và như ông nói, tôi vẫn thấy nước Đức rất gần, cảm nhận hương lúa mì từ phương trời xa bay về thơm ngát”.

Trong việc giới thiệu hai nền văn hóa Việt Nam và Đức với nhau. Trần Đương đã dịch: Việt Nam - Tổ quốc tôi (Thơ Tố Hữu) - 1975; Rừng Xà nu và 10 truyện ngắn khác - 1976; Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) - 1977, nhiều truyện ngắn khác của Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Lê Minh Khuê và nhiều bài thơ của Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Lê Đức Thọ... sang tiếng Đức. Là dịch giả hai chiều, ông còn chuyển ngữ từ Đức sang Việt: Tình yêu và bão táp (Thơ Karl Marx) - 1983; Tuyển tập truyện cổ Grimm 2016; Thơ tình Heinrich Heine - 1992, Nước Đức - Một truyện cổ tích mùa đông - 2008…

Trong “Đaghetsstan của tôi”, nhà văn Liên Xô Raxun Gamzatốp đã ví người dịch thuật văn học là “con ngựa thồ” chuyển tải nền văn hóa nước này sang nước khác. Với Trần Đương, còn hơn thế, ông là “con ngựa thồ” chuyển tải ngược xuôi hai nền văn hóa: Việt - Đức và Đức - Việt Nam.

Trần Đương không còn trẻ nữa. Ông sinh năm 1943.  Mấy chục năm miệt mài lao động trên “cánh đồng văn hóa” đã vắt kiệt sức của Trần Đương. Nhưng ông không chịu rời cây bút, để rồi năm nào cũng cho trình làng vài ba tác phẩm.

Con đường sáng tạo văn học là con đường vinh quang và cũng đầy chông gai, nhưng Trần Đương vẫn vững bước trên con đường ấy và ông đã đến đích thành công.

Đọc thêm