Nhạc sĩ của Hà thành
Ngôi nhà của nhạc sĩ Phú Quang nằm trong một ngõ nhỏ thuộc quận Tây Hồ, từ màu sắc, vật dụng trang trí, ánh sáng... đều thể hiện hình ảnh người nghệ sĩ hiền hậu và giản dị. Phòng khách có treo khá nhiều bức tranh của một vài họa sĩ nổi tiếng Việt Nam đề tặng và cả những bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng thế giới. Chiếc đàn piano và bộ dàn âm ly đắt tiền và chiếc tủ đựng rất nhiều đĩa nhạc không lời cũng được bày biện hợp lý.
Ở nơi này, ông hay ngồi để chiêm nghiệm, nghe những bản nhạc không lời hoặc chơi một bản nhạc tự thưởng cho mình những lúc thấy trống trải. Và cũng nơi này, ông có thể hỉ hả nói chuyện thân mật với bạn bè mỗi khi ai đó ghé đến nhà chơi.
Phú Quang cho biết, ngôi nhà hiện tại được ông mua trên nền đất 100m² và tự tay thiết kế việc tu sửa, hoàn thiện. Ông kể, đọc báo thấy rao bán nhà, ông đến gặp chủ nhân và đặt cọc sau… 3 phút và hoàn tất các thủ tục mua bán phức tạp chỉ trong 3 ngày. Vậy là sau những năm lang thang khắp các phố phường từ Lò Sũ, Hàng Bột, Trung Tự… và nhiều năm sống ở Sài Gòn, Phú Quang đã có ngôi nhà gắn bó để mỗi khi “Em ơi Hà Nội phố” vang lên, ông biết chắc mình đã “an cư” ở Hà Nội sau nhiều năm rong ruổi với những chuyến đi về. Giờ đây, sau hơn 20 năm xa quê, “dòng sông đã trở lại” và ngộ ra nhiều điều.
Ông trầm ngâm chia sẻ: “Ngày còn ở Sài Gòn, đã không ít lần tôi đóng kín cửa phòng, bật máy lạnh cho rét run người để được “ru lòng mình”, để “vờ như mùa đông đã về” bằng cái lạnh nhân tạo chỉ vì nhớ và thèm mùa đông Hà Nội. Giống như đôi tình nhân yêu nhau, khi người ta kề nhau rất nồng nàn, say đắm đến không thể nghĩ được gì về nhau nữa, dù chỉ là những điều rất nhỏ như một ánh mắt, một nụ cười, một dáng đi. Chỉ khi dứt khỏi nhau rồi mới có thể nhận ra từng điều nhỏ bé ấy sống động, sâu sắc hơn”.
Người nhạc sĩ này tự nhận mình là một “thổ dân” của Hà Nội chứ không phải là một lữ khách thích ồn ào thường vội vàng lướt qua rồi không ngoái đầu nhìn lại, với những nhủ thầm phố nhỏ, đường nhỏ, Hà Nội đây rồi.
“Gã thổ dân” Hà thành ấy, buổi sáng đi chơi, la cà quán xá, tụ tập bạn bè tán gẫu, còn buổi chiều và buổi tối chính là lúc ông quay về với ngôi nhà của mình, bày ra tất cả những gì đã thu lượm được của Hà Nội trong ngày để đưa vào âm nhạc. Nào là một Hà Nội ngây ngất nắng, một Hà Nội run run heo may, một Hà Nội đêm cuối mùa thu trăng lạnh mờ sương, một Hà Nội với rất nhiều sinh linh mồ côi trong “cây bàng mồ côi mùa đông, nóc phố mồ côi mùa đông, mảnh trăng mồ côi mùa đông”.
Có người hỏi ông rằng Hà Nội có gì đặc biệt, bản thân ông có gì đặc biệt mà “hai người yêu nhau” đến thế? Ông trả lời: “Tôi yêu Hà Nội vì đó chính là quê hương của tôi, là nơi tôi lớn lên, được nghe mẹ hát ru và cả những câu ca dao của mẹ”. Ký ức về Hà Nội của Phú Quang là những buổi sáng được mẹ dắt qua đường cho đi học, là buổi chiều mẹ đứng đợi bên đường dắt về. Bàn tay mẹ lúc nào cũng ấm áp nên cảm giác ấy chưa khi nào nguôi trong nỗi nhớ của ông.
Hà Nội trong Phú Quang còn là những buổi đánh bi cạnh bãi rác hồ Bảy Mẫu. Sẽ chẳng có niềm sung sướng nào lớn hơn niềm vui của cậu bé Phú Quang ngày ấy khi chơi cạnh bãi rác và mua lại được những viên bi ve trong veo, lấp lánh. Có bà bán xôi sáng nào cũng đợi ra mở hàng bởi tin rằng khi cậu mở hàng thì bà bán hàng sẽ mau hết...
Những điều nho nhỏ ấy gắn vào tâm hồn ông, máu thịt ông từ ngày thơ bé cho đến cả những năm ông sống xa Hà Nội mà mỗi lần trở về, nhìn vào từng góc phố, từng hàng cây lại bồi hồi thức dậy cả một miền ký ức... Tất cả những điều đó khiến Phú Quang viết về Hà Nội, về nơi ông lớn lên, về dòng sông tuổi thơ, về nét cổ xưa trầm mặc.
|
Người nhạc sĩ “cãi mệnh trời”
Phú Quang luôn tếu táo: “Mạng tôi lớn lắm!” khi nhắc đến những biến cố nghiêm trọng về sức khoẻ, tưởng quật ngã nhạc sĩ từ lâu. Nhạc sĩ kể lại, lần ấy khi đang chuẩn bị cho liveshow “Biển nỗi nhớ và em”, ông thấy bàn tay cứng đơ, không cầm nổi điện thoại. Vội vào Bệnh viện Tâm Đức (TP HCM) khám, ông được chuyển ngay lên Bệnh viện Chợ Rẫy vì tình trạng khá nặng. Đến 10h tối thì một cánh tay bị liệt hoàn toàn. Phú Quang phải trải qua một đêm “thập tử nhất sinh” đúng nghĩa: lên sáu cơn động kinh, mồm méo xệch và sùi bọt mép, không nói được nữa.
Nhưng, thật kỳ lạ, đúng 10h sáng hôm sau, tất cả các triệu chứng đáng sợ biến mất. Trực tiếp điều trị cho ông tại Khoa Hồi sức cấp cứu, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Hồng Trường quá ngạc nhiên bèn kêu nhạc sĩ thử bắt tay. Thấy Phú Quang bắt tay rất chặt, các bác sĩ mới yên tâm là bệnh nhân đã vượt qua nguy hiểm. Di chứng của cơn đột quỵ chỉ còn là viền máu đọng trong não, tự tiêu dần theo thời gian.
Ít ai ngờ, từ thời “bẻ gãy sừng trâu”, nhạc sĩ đã mắc đủ thứ bệnh: gai đôi, vôi hoá đốt sống lưng, đau thần kinh toạ, viêm loét đại tràng, huyết áp luôn cao ở mức báo động đỏ... nên có bác sĩ chẩn đoán nhạc sĩ giỏi lắm chỉ thọ đến… 30 tuổi. Thực tình thì Phú Quang cũng nghĩ mình sẽ… chết sớm, nếu như nhà văn Trương Tửu không gửi gắm chàng nhạc sĩ ốm yếu cho một vị thầy thuốc đặc biệt là võ sư phái Vịnh Xuân. Rồi võ sư đã giúp Phú Quang tìm lại sức khoẻ bằng một phương pháp nghe qua rất đơn giản: bấm huyệt và tập thở.
Không ngờ, chỉ sau vài tháng, những bài tập thở trong yoga đã đưa huyết áp của ông về mức an toàn. Những căn bệnh khác cũng thuyên giảm thấy rõ. Và quan trọng hơn, từ đó, nhạc sĩ trở nên lạc quan, luôn giữ được tinh thần vững vàng những lúc đối mặt với khó khăn.
Vào tuổi 50, cơ thể ông bỗng nhiên nổi lên 3 cục hạch lớn, từng bị bác sĩ chẩn đoán bị ung thư. Từng tuyệt vọng và tính buông xuôi, nhưng rồi ông dần gượng dậy và bắt đầu rèn luyện năm thức tập “suối nguồn tươi trẻ” theo hướng dẫn của một người thầy cao tay. Kỳ diệu thay, trong vòng một năm, cả ba khối u từ từ biến mất trước sự ngạc nhiên của các bác sĩ.
67 tuổi, sau những cơn bạo bệnh, giờ đây Phú Quang gần như đã hoàn toàn bình phục. Ông vẫn giữ được nhịp làm việc năng động, và đặc biệt, năm nào cũng thực hiện liveshow. Cho dù ai đó có ác miệng bảo ông “ham kiếm tiền”, nhạc sĩ cũng chỉ cười xoà. Ông đã từng nghe từ không ít đồng nghiệp của mình trầm trồ ca ngợi nhưng thực ra không khỏi nhuốm màu “tị nạnh”: “Phú Quang là nhạc sĩ rất biết tự “bán” mình!”.
Ông là người có thể làm từ A tới Z tất cả các công đoạn truyền bá những gì mà mình đã sáng tác: có thể tự phối âm, phối khí, có thể tự tổ chức thu băng, thu đĩa, có thể tự tổ chức chương trình độc diễn hoành tráng (mà chương trình nào cũng giá vé rất đắt mà vẫn đông nghịt người!)… Thậm chí ông có thể tự trả nhuận bút cho các đồng tác giả mà chẳng cần phải qua bất cứ một cơ quan trung gian nào. Ông tử tế nhưng không dễ dãi, thậm chí rất nguyên tắc và rất tự biết giá trị của cá nhân nên không bao giờ cho phép ai hạ giá mình…
Ông cho rằng vì mình tuổi trâu (Kỷ Sửu - 1949) nên suốt đời phải “kéo cày” là bình thường. Không như nhiều nghệ sĩ được rong chơi, ông nghiệm ra việc gì mình làm cũng phải quần quật như tù khổ sai. Chỉ có cái khác, người ta sau khi vác một đống đá thì chả có hứng thú gì, còn ông sau khi vác đá thì được tận hưởng thành quả mình làm.
Với Phú Quang, các tác phẩm không chỉ là âm nhạc mà còn là những trải nghiệm nhiều khi rất đắng đót mà ông đã từng nếm trải trong đời. Ngay từ nhỏ, Phú Quang đã là người rất chịu khó học hành, nghiên cứu và cứ tưởng như thế là được đánh giá, ghi nhận. Nhưng hóa ra không phải. Riêng việc ông cố gắng để giỏi hơn người khác đã là điều rất đáng ghét đối với một số người. Để thỏa mãn cho sự đố kỵ đó thì người ta vu cho ông cái tội kiêu căng, chúi mũi vào sách vở và không hòa đồng.
Sau này, luôn luôn được đề cử trong danh sách hàng đầu đi học nước ngoài, nhưng ông vẫn không được đi cũng vì “tội danh” ấy. Mười lăm năm sau khi bạn bè ông ở nước ngoài về, ông nhận ra rằng mình cũng chẳng thua kém họ lắm. Tuy nhiên, có một chút xót xa trong ý nghĩ bông đùa: mình cũng có một miếng bánh ngang họ nhưng có điều miếng bánh ấy họ mua hết một đồng thì mình phải trả đến năm đồng.
“Đã sống trên đời thì phải đi đến tận cùng những điều mình nghĩ và mình tin là đúng. Sống nửa vời nghĩa là sống hoài, sống phí. Sống có nghĩa là dấn thân và chấp nhận. Nếu anh chỉ dấn thân mà không biết chấp nhận thì anh sẽ gặp bi kịch. Nhưng đừng hiểu biết chấp nhận nghĩa là không dám dấn thân. Giống như một người nhảy xuống nước, nếu có 5 cái phao bơi thì sẽ không thể chết chìm nhưng cũng chẳng bao giờ thành nhà vô địch. Vấn đề là có lúc anh phải dám nhảy xuống nước với lòng tự tin mà không cần cái phao bơi. Và nếu không trở thành nhà vô địch thì có thể anh phải chấp nhận cái chết như một sự thất bại, không ân hận, nuối tiếc”, nhạc sĩ Phú Quang triết lý.