Nhạc sĩ và các ca khúc mùa xuân bất hủ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày Tết đã đi qua nhưng dường như không khí vẫn còn đọng lại trên khắp phố phường với cành đào, cây quất cùng những bài nhạc xuân vẫn vang lên đâu đây. Quả thật, dù Tết đến hay Tết đã đi, những ca khúc xuân bất hủ mang theo bao xúc cảm vẫn được bật lên như một thói quen của biết bao gia đình.
Nhạc sĩ Văn Cao, chủ nhân ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”. (Ảnh: toquoc.vn)
Nhạc sĩ Văn Cao, chủ nhân ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”. (Ảnh: toquoc.vn)

Rộn ràng khúc xuân độc lập

“Rồi dặt dìu mùa xuân thеo én về/Mùa bình thường mùa vui nay đã về/Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên…” chắc hẳn ai cũng từng nghe thấy điệu valse quen thuộc ấy mỗi khi mùa xuân về. Đây là những giai điệu da diết, nhẹ nhàng, ấm áp và đi vào lòng người của bài hát “Mùa xuân đầu tiên” sáng tác bởi cố nhạc sĩ Văn Cao. Dù đã được viết cách đây gần 50 năm, được biết bao thế hệ người Việt Nam thuộc lòng những ca khúc như vừa mới viết xong cách đây chưa lâu, bởi sự trẻ trung, mượt mà, dịu êm và sâu lắng từ giai điệu đến ca từ của nó.

Nhạc sĩ Văn Cao quê ở Vụ Bản, Nam Định, sinh ngày 15/11/1923 tại Hải Phòng. Thuở nhỏ Văn Cao học tại Trường Bonal (nay là trường Trung học phổ thông Ngô Quyền), sau chuyển sang Trường Saint-Joseph. Ông từng làm nhân viên Sở Bưu điện Hải Phòng, bắt đầu sáng tác thơ, viết văn xuôi và viết ca khúc từ năm 1939.

Năm 16 tuổi (1939), nhạc sĩ Văn Cao tham gia vào nhóm Đồng Vọng với ca khúc đầu tay “Buồn tàn thu” và cùng nhóm sáng tác một số ca khúc hướng đạo. Dù bắt đầu làm quen với ca nhạc từ thưở thiếu thời nhưng ông sáng tác không nhiều, chỉ khoảng 50 ca khúc và hầu hết đều ở lại rất lâu trong lòng người yêu âm nhạc. Trong gia tài âm nhạc tuy không đồ sộ nhưng đình đám của ông, “Mùa xuân đầu tiên” đã trở thành ca khúc sống mãi trong lòng bao thế hệ bởi đó là ký ức Tết độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Được ra đời vào năm 1976, sau một thời gian dài không viết tình ca do nhiều biến động của cuộc đời và thời cuộc. “Mùa xuân đầu tiên” đánh dấu sự “hồi sinh” trong tâm hồn người nghệ sĩ Văn Cao sau nhiều năm không sáng tác ca khúc. Kể lại những ngày nhạc sĩ Văn Cao sáng tác ca khúc, họa sĩ Văn Thao (con trưởng của ông) cho biết, sau một thời gian thấy bố mình lặng lẽ kiếm sống bằng nghề viết nhạc phim, nhạc không lời, vẽ tem, vẽ bao thuốc lá, làm thơ, đã có lúc những tưởng ông không viết nhạc trở lại. Rồi một ngày giáp Tết Bính Thìn, mùa xuân đầu tiên của một nước độc lập, khi đến thăm cha mình, họa sĩ Văn Thao ngạc nhiên khi nghe âm thanh vang ra từ trong nhà và thấy cha ngồi bên cây đàn dương cầm. Ông say sưa với một điệu valse rất nhẹ… và đó chính là ngày mà “Mùa xuân đầu tiên” ra đời.

Bài hát được đăng ngay lần đầu tiên trên Báo Sài Gòn Giải Phóng số mừng xuân Bính Thìn, đồng thời lập tức được thu thanh ngay sau đó, được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Tuy nhiên, so với các bài hát khác cũng ra đời ở cùng thời điểm này, “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao từng bị coi là “lạc điệu” nên lặng lẽ chìm đi, như thể bị quên lãng.

Phải đến rất lâu sau đó, ca khúc mới được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Khi bài hát lần đầu tiên được phát sóng truyền hình Việt Nam năm 2000, nhạc sĩ Văn Cao đã mất được 5 năm. Đôi khi cũng chính vì thế mà khán giả mới kiến sức lan toả mãnh liệt của ca khúc này, khi tất cả những ồn ào, rực rỡ qua đi, “Mùa xuân đầu tiên” vẫn ở lại trong lòng khán giả đến tận bây giờ.

Gần 50 năm đi qua, ca khúc vẫn được biết bao con người, bao gia đình nghe đi nghe lại mỗi dịp xuân. Không chỉ báo hiệu xuân về, ca khúc còn nói về niềm vui sum họp, về sự bồi hồi của những đứa con lần đầu nhận biết quê hương mình, lần đầu được bày tỏ tình yêu thương với đồng bào mình và với mọi con người nói chung. Và còn là niềm mơ ước về một mùa xuân vĩnh hằng, một mùa xuân mà dân tộc này tìm về với nhau, bỏ qua những trắc trở để có thể yêu thương nhau: “Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên/Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm/Từ đây người biết quê người/Từ đây người biết thương người/Từ đây người biết yêu người”.

Nô nức giai điệu “Xuân đã về”

Nhắc đến nhạc xuân chắc chắn không thể không nhắc đến “Xuân đã về”, một trong những bài nhạc xuân Việt Nam được yêu thích nhất. Ra đời từ những năm cuối thập niên 1950 bởi nhạc sĩ Minh Kỳ, “Xuân đã về” là một trong những ca khúc về mùa xuân và năm mới tồn tại mãi với thời gian cùng nhiều thế hệ người nghe và đến nay vẫn là một trong những bài hát phổ biến nhất trong mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Phổ nhạc ca khúc “Xuân đã về”. (Ảnh:suckhoedoisong.vn)

Phổ nhạc ca khúc “Xuân đã về”. (Ảnh:suckhoedoisong.vn)

Sinh năm 1930 trong một gia đình thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, nhạc sĩ Minh Kỳ tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ. Ông trải qua thời thơ ấu và có nhiều kỷ niệm thời thanh niên tại thành phố miền duyên hải này. Năm 1959, 7 năm sau khi lập gia đình, ông chuyển vào TP HCM hoạt động văn nghệ, sáng tác những nhạc phẩm phù hợp với thị hiếu của đại chúng. Thời gian này ông kết hợp với nhạc sĩ Lê Dinh và nhạc sĩ Anh Bằng cho ra mắt những nhạc phẩm để giới thiệu trên làn sóng Đài phát thanh cùng nhiều chương trình ca nhạc của các hãng đĩa.

Là một người tài hoa nhưng cuộc đời nhạc sĩ Minh Kỳ bạc mệnh khi mất sớm vào năm 1975. Trong cuộc đời và sự nghiệp ngắn ngủi 45 năm, nhạc sĩ Minh Kỳ đã để lại cho đời hàng trăm bài hát nổi tiếng và luôn được xem là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng trước năm 1975. Nhạc sĩ Minh Kỳ có nhiều kỷ niệm với thành phố Nha Trang nên những sáng tác đầu tay của ông là những ca khúc về thành phố duyên hải này viết theo điệu slow, sử dụng những quãng âm rộng nghe giống như tiếng sóng rập rờn như “Dòng thời gian”, “Nha Trang”, “Nhớ Nha Trang”, “Tiễn bạn”. Tiếp đó ông có những tác phẩm thể hiện tâm tình của người lính và cả những ca khúc về những thành phố có phong cảnh đẹp nhất của miền Nam.

Đối với chủ đề mùa xuân vốn là một chủ đề được rất nhiều danh nghệ sĩ khai thác, đối với Minh Kỳ, người nghe biết đến ông thông qua 2 bài hát quá đỗi thân quen đó là “Xuân đã về” ra đời năm 1954 và “Cánh thiệp đầu xuân” ra đời năm 1963. Đặc biệt, ca khúc “Xuân đã về” với những câu hát “Xuân đã về, xuân đã về/Kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mang/Trên cánh đồng, chim hót mừng/Đang thướt tha từng đàn tung bay vui say”, những câu hát đã in sâu vào tâm trí của bất cứ người dân Việt Nam nào.

Nhạc sĩ Minh Kỳ (phải) với nhạc sĩ Hoài Linh. (Ảnh: trithucvn.co)

Nhạc sĩ Minh Kỳ (phải) với nhạc sĩ Hoài Linh. (Ảnh: trithucvn.co)

“Xuân đã về” là một tác phẩm vui tươi, thể hiện tâm trạng hân hoan, sự phấn chấn trong tinh thần của mọi người khi đón chào một mùa xuân mới lại về. Nhạc sĩ đã phác hoạ lại khung cảnh mùa xuân mang tia nắng ấm tràn ngập muôn nơi cùng bao niềm hy vọng tươi mới hướng về tương lai. Muôn ngàn đóa hoa nở rộ đón xuân như những thiếu nữ kiều diễm cười tươi như hoa và đàn chim nhỏ cũng háo hức đón chào một mùa xuân đến, chúng vui mừng tung bay khắp trời, vui vẻ đến hăng say. Đâu đó là hình ảnh đám trẻ cười khúc khích, đón chào một năm mới an lành. Tất cả là bức tranh xuân sôi động, rực rỡ, ngập tràn hy vọng, ngập tràn niềm vui.

Tròn 70 năm ra mắt nhưng cứ đến dịp Tết đến, xuân về, khắp mọi phố phường, đâu đâu chúng ta cũng nghe được giai điệu vui tươi của ca khúc bất hủ “Xuân đã về” làm lòng người rộn ràng, xốn xang, háo hức và chờ đợi. Với ngôn từ mộc mạc, giai điệu rộn ràng, dễ nhớ, dễ thuộc ca khúc đã, đang và sẽ còn đọng mãi trong tâm khảm người Việt rất nhiều thế hệ về sau.

Có thể thấy, dù đón chào biết bao cái Tết, tận hưởng biết bao không khí mùa xuân nhưng những ca khúc xuân bất hủ chưa bao giờ là cũ. Cũng giống như bánh chưng, bánh tét, hoa mai, hoa đào,… ngày Tết đủ đầy cả những ca khúc xuân rộn ràng thì niềm vui mới trọn vẹn. Dù Tết Nguyên Đán Giáp Thìn đã đi qua nhưng những âm hưởng mùa xuân dường như vẫn còn đọng lại trong mỗi chúng ta khi giai điệu “xuân đã về, xuân đã về” cứ ngân nga trong đầu.

Đọc thêm