Người vợ hiền ấy là bà Phạm Thị Năng (SN 1952, ngụ phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP.Hồ Chí Minh). Dù mang trên người căn bệnh tràn dịch tim hiểm nghèo nhưng ngày nào bà cũng vẫn gắng gượng đi bán vé số để kiếm tiền nuôi sống gia đình và lo thuốc men cho người chồng tàn tật mà không than vãn nửa lời.
Bà Năng và chồng |
Tuổi già, mưu sinh khốn khó
Mấy tháng nay, bà Năng kê một cái bàn nhỏ ở vỉa hè dưới chân cầu Tân Thuận 1 (phía quận 4, TP.Hồ Chí Minh) để bán vé số vì sức khỏe bà đã yếu kém, chỉ có thể ngồi một chỗ. Không nhiều người biết rằng lợi nhuận từ mỗi tấm vé số bán được đều được bà Năng ky cóp để chăm lo cho người chồng khi tỉnh. Có điều, cũng vì bà không đi xa được nên thu nhập kém hẳn và kéo theo đó là cuộc sống hai vợ chồng nghèo này càng thêm chật vật.
Nghe khách hỏi về hoàn cảnh gia đình và bệnh tình của chồng, bà Năng rưng rưng cho biết, nhà bà rất khó khăn, nguồn thu nhập chính phụ thuộc vào những tờ vé số. Bà thì đau khớp, lại thêm bệnh tim, sỏi thận, việc đi lại khó khăn nhưng vẫn phải gắng gượng vì chồng bà là ông Hồ Dũng Lâm (64 tuổi) đã bị tai biến mạch máu não từ tháng 6/2012. Sau khi xuất viện, mắt phải của ông bị ảnh hưởng nặng, gần như không nhìn thấy, còn đầu óc ông thì khi mê khi tỉnh.
Những lúc khỏe, ông Lâm cũng cố gượng ra ngồi bán vé số giúp vợ nhưng khi phát bệnh, ông lại nói lảm nhảm, rồi cầm vé số bỏ đi lang thang khiến bà phải rất vất vả mới tìm về được. Bà cho biết, ngồi bán vé số một chỗ thế này thu nhập ít hơn nhiều so với đi bán dạo, có lúc gặp kẻ gian mua vé số rồi quịt tiền bỏ chạy, thế là bà mất cả vốn lẫn lời. Đến nay, sau những lần mất vé số, cộng thêm chi phí ăn uống và thuốc men điều trị bệnh cho chồng, bà đã mắc nợ hơn 50 triệu đồng.
Từ khi ông Lâm ngã bệnh, bà Năng phải ngưng hẳn việc điều trị bệnh tim của mình vì tiền bà kiếm ra chỉ có thể gắng gượng mà trả tiền thuê nhà và chữa bệnh cho ông. Bà chia sẻ: “Căn bệnh tim cứ hành tôi ngất xỉu hoài, tôi sợ nhất là ngất rồi thì bán hàng không được, bị ôm vé số lại. Nhưng nhiều lúc bán đắt hàng, mình chưa kịp mừng thì ông ấy đã lên cơn bệnh bỏ đi lang thang, tôi phải đi tìm mất cả buổi. Trung bình mỗi ngày tôi phải mời mọc gắng bán 70-80 tờ vé số thì mới tạm đủ chi phí ăn uống, thuốc thang cho ổng, còn nợ nần thì không biết khi nào mới trả xong”.
Hồi còn ở quê (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Đình), một tay bà Năng thay chồng đã gánh vác gia đình tảo tần vất vả nuôi lớn 5 người con trai. Nhà nghèo, đất canh tác ít, ông Lâm bị cụt mất tay phải vì chiến tranh nên làm việc không đạt năng suất cao như người lành lặn, ít ai thuê mướn. Thế là bà Năng phải luôn cố gắng xoay xở đủ nghề để kiếm chén cơm, manh áo cho đàn con. Lớn lên, các con bà đều có gia đình riêng nhưng nhà ai cũng nghèo khó nên cũng không phụng dưỡng được cha mẹ dù thỉnh thoảng cũng có người con thơm thảo trợ cấp cho ông bà được dăm ba ký gạo, ít mắm muối.
Giữa năm 1998, một lần đi cấy lúa mướn về, bà Năng cảm thấy choáng váng, tim đập mạnh, khó thở rồi ngất đi. Khi đến bệnh viện, bà mới biết mình bị bệnh tràn dịch màng tim. Sau đó, vì nhà nghèo nên bà Năng chỉ có thể chữa bệnh bằng phương pháp đông y, tiếc rằng bệnh tình không thuyên giảm. Lâu dần, những cơn đau tim đột ngột khiến bà Năng “chết đi sống lại” không biết bao nhiêu lần. Để có tiền đều trị cho bà, căn nhà che mưa che nắng bao năm cũng được bán luôn, rồi cuộc sống ở quê quá khó khăn, thu nhập không lo nổi chi phí chữa bệnh cho bà nên hai vợ chồng đã khăn gói vào Sài Gòn kiếm kế mưu sinh từ năm 1999.
Dìu dắt chồng vượt qua bệnh tật
Từ khi vào Sài Gòn, nhờ chịu thương chịu khó buôn bán, cuộc sống gia đình bà Năng cũng có phần ổn định. Hằng ngày, đôi vợ chồng già này chia nhau vé số rồi rong ruổi đi bán khắp các con hẻm lớn, nhỏ ở quận 7. Những năm đầu, việc buôn bán thuận lợi, bà Năng vẫn được trị bệnh nên sức khỏe dần hồi phục. Không những vậy, vợ chồng họ còn chắt chiu, dành dụm được ít vốn, định sau này về quê dưỡng già. Tuy nhiên, bao dự định tốt lành chưa thực hiện được thì tai ương đã ập đến, khiến gia đình này chìm sâu vào bất hạnh.
Tháng 6/2012, trên đường đi bán vé số về, ông Lâm cảm thấy choáng váng rồi lên cơn động kinh co giật té ngã bị chấn thương nặng ở đầu. Mọi người đưa ông đến bệnh viện, sau đó ông lại bị ói ra máu và hôn mê suốt 2 ngày mới tỉnh lại. Thương chồng, bao nhiêu vốn liếng bà Năng đều đem ra lo hết vào việc điều trị cho ông nên ông mới giữ lại được tính mạng sau cơn tai biến mạch máu não hiểm nghèo này.
Lần ngã bệnh này, ông không những phải nằm liệt giường liệt chiếu một thời gian mà vết thương ở đầu lại còn thường xuyên đau nhức khiến mắt phải của ông gần như không nhìn thấy nữa. Từ đó, gánh nặng gia đình đổ dồn hết lên đôi vai bà Năng. Hàng ngày, bà phải dậy sớm để lo chuyện ăn uống cho chồng, sau đó đi bán vé số đến chiều muộn mới về nhà. Những lúc vợ vắng nhà, ông Lâm thi thoảng lại trở bệnh, bỏ đi lang thang khắp phố khiến bà Năng phải vừa khóc, vừa tất tả đi tìm chồng.
Sau này, bà Năng dẫn chồng theo ra điểm bán vé số ở chân cầu Tân Thuận 1 để tiện chăm sóc cho ông. Những lúc tỉnh, người chồng này cũng tích cực cầm vé bán giúp vợ, nhưng khi phát bệnh thì ông lại âm thầm bỏ đi lang thang. Vừa lo chuyện buôn bán không đạt được con số kỳ vọng, vừa phải hết sức để mắt trông nom chồng khiến bệnh tim của người vợ khốn khổ này ngày càng trầm trọng.
Những buổi đi bán vé số về, bà Năng gần như kiệt sức nhưng chỉ ăn uống qua loa, kham khổ nên bệnh tật càng có cơ hội phát tác. Lâu dần, bà thường bị đau ngang thắt lưng, người lúc nào cũng toát mồ hôi, còn ngực thì thường xuyên đau đớn, khó thở. Bệnh tật là vậy nhưng ngày nào bà Năng cũng bám vỉa hè để bán vé số kiếm tiền ăn uống, thuốc men cho chồng. Tiền bạc không có, lo cái ăn còn vất vả nên bà Năng ngừng hẳn việc uống thuốc điều trị bệnh tình của mình.
Cuối năm 2012, bà Năng đi vay mượn ít tiền rồi đến bệnh viện để phẫu thuật với chi phí tốn gần 6 triệu đồng. Biết tin, các con của bà ở quê ai cũng nghèo khổ nên chỉ có thể vào viện trông nom mẹ, còn tiền viện phí, thuốc men thì bà mẹ khốn khổ này phải đi vay người quen rồi tự xoay xở bán buôn, dành dụm trả dần.
Bởi những khó khăn, túng quẩn của gia đình, bà Năng không hề dám nghỉ bán vé số dù chỉ 1 ngày, dù những cơn đau tim vẫn cứ hành hạ thường xuyên. Bà ứa nước mắt: “Giờ đây, vợ chồng tôi chỉ biết bám lại Sài Gòn này sống ngày nào hay ngày đó chứ về quê không thể nào sống nổi đâu. Tôi cầu Trời, cầu Phật phù hộ, độ trì cho tim tôi đừng mệt nữa để tôi tiếp tục đi bán vé số, lo cho chồng tôi. Giờ đây, ông ấy khi tỉnh, khi dại, không biết rủi tôi có mệnh hệ gì thì ông ấy sẽ ra sao?”.
Dù phải đối mặt với khó khăn, bệnh tật nhưng bà Năng luôn gắng gượng để chăm sóc cho người chồng chu đáo. Cảm mến họ, bà con, hàng xóm cũng thường động viên an ủi, rồi giúp đỡ ông bà mỗi khi có chuyện cần, người chủ nhà tốt bụng cũng chỉ lấy một nửa tiền thuê để san sẻ phần nào khó khăn với họ.
Bạn đọc muốn giúp đỡ nhân vật trong bài có thể liên hệ theo địa chỉ: Bà Phạm Thị Năng - 88/95/6Bid đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP.Hồ Chí Minh - Điện thoại: 01267 902 661 |
Hải Đăng