Nhân chứng hồi tưởng "ác mộng" với "cát tặc"

Bức xúc về chuyện “cát tặc” lộng hành trên sông Mã (đoạn chảy qua xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hoá, Thanh Hoá) một số người dân địa phương đã ra xua đuổi. Hậu quả, nhiều người dân vô tội bị bọn chúng đánh trọng thương, rơi xuống sông chết đuối.

Bức xúc về chuyện “cát tặc” lộng hành trên sông Mã (đoạn chảy qua xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hoá, Thanh Hoá) một số người dân địa phương đã ra xua đuổi. Hậu quả, nhiều người dân vô tội bị bọn chúng đánh trọng thương, rơi xuống sông chết đuối.

Nỗi đau người mẹ mất con

Trong đơn gửi cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Ái cho biết, nhiều năm qua, tình trạng các tàu khai thác cát trái phép trên Sông Mã đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống, hoa màu nên người dân rất bức xúc, gửi đơn đến chính quyền địa phương nhưng không được giải quyết triệt để.

Bức xúc trước tình trạng này, khoảng 8 giờ ngày 25/1/2010, gần 20 người dân của xã Thiệu Thịnh đã chèo thuyền ra xua đuổi các tàu đang khai thác cát trái phép. Trong “cuộc chiến” không cân sức này đã có 3 người tử vong và 4 người bị thương.

Hai quả phụ nhà nạn trông chờ công lý được thực thi nghiêm minh
Hai quả phụ trông chờ công lý được thực thi nghiêm minh

Bà Ái cho biết: “Hàng đêm, tiếng máy nổ từ các tàu khai thác cát khiến người dân không ngủ được, trẻ em thì không thể yên tâm học bài. Bức xúc, con trai tôi là Lê Xuân Quyền (SN 1963) cùng người dân địa phương đã chèo thuyền ra xua đuổi.

Tuy nhiên, Quyền và những người dân đã bị bọn chúng đánh trọng thương và rơi xuống sông tử vong. Sau khi Quyền chết, gia đình Đỗ Văn Cường (SN 1978, bị can của vụ án) đến hỗ trợ gia đình 95 triệu đồng. Quyền chết, để lại người vợ trẻ không công ăn việc làm và 3 con thơ dại đang tuổi ăn học. May chính quyền thương tình, làm cho chế độ hộ nghèo, các cháu đi học không phải đóng học phí cũng đỡ vất vả.

Vài tháng trước, một vài người dân rỉ tai nói gia đình Cường khuyên không kiện cáo nữa sẽ hỗ trợ thêm 100 triệu đồng. Tôi không muốn đi nhưng con dâu cứ động viên nói rằng họ hỗ trợ được đồng nào, tốt đồng ấy để có điều kiện lo cho các cháu ăn học. Nghe thế tôi đành nhẫn nhịn tìm đến gia đình Cường, nhưng chờ gần 4 giờ họ mới chịu ra tiếp và hẹn sẽ hỗ trợ trong ít ngày tới. Sau gần 2 tuần không thấy có tiền, con dâu tôi tìm đến thì bị họ mắng chửi thậm tệ."

Nghe mẹ chồng kể, chị Lê Thị Bảo (vợ anh Quyền) nức nở: “Chẳng biết trong thời gian tới mấy mẹ con biết bấu víu vào đâu để sống nữa. Tôi thì bệnh tật, yếu đuối, các cháu thì đang trong độ tuổi ăn, học nên chưa thể giúp đỡ gia đình. Chồng tôi rõ ràng bị đánh chết nhưng các đối tượng chỉ bị xử lý về tội “gây rối trật tự công cộng” và bị toà án tuyên phạt từ 4- 5 tháng tù giam”.

Những nhân chứng “sống sót” nói gì?

Ông Lê Văn Minh (SN 1943, trú tại thôn 1, xã Thiệu Thịnh) cho biết, hôm xảy ra vụ án, ông có mặt cùng dân làng chèo thuyền ra xua đuổi các tàu cát, ông bị đánh tổn hại 9,83% sức khoẻ. Theo ông Minh, sau khi thấy nhân dân ra xua đuổi, khoảng 50 tàu khai thác cát vội vã bỏ chạy.

Tuy nhiên, chỉ ít phút sau bọn chúng quay lại trên 2 tầu, mang theo các loại hung khí thô sơ như dao, kiếm, tuýp sắt, lao lên thuyền chém loạn xạ người dân. Trước sự hung bạo của các đối tượng, nhiều người dân phải nhảy xuống sông để tránh những nhát dao hung tàn.

Ông Minh nhớ lại: “Trong sự hỗn loạn, tôi vẫn kịp nhìn thấy một thanh niên mặc áo da đen, sau này tôi biết đó là Cường lao đến đánh anh Quyền. Có lẽ, do bị choáng nên anh Quyền bị ngã xuống sông, khi anh ấy bám vào mạn thuyền leo lên thì bị Cường đạp mạnh vào tay khiến Quyền buông tay ra.

Sau khi đánh ngã anh Quyền, Cường cầm theo kiếm lao về phía tôi chém 4 nhát sượt qua tay trái. Do tôi đang cầm mái chèo đỡ nên Cường không dám ập vào. Tuy nhiên, một đồng bọn của Cường đứng gần đấy cầm cây gậy phi thẳng vào mắt, khiến tôi choáng váng gục xuống, ít phút sau Công an đến đưa tôi chiếc khăn bịt vết thương rồi đưa đi cấp cứu”.

Còn theo nhân chứng Dương Văn Hà (SN 1963, trú tại thôn 4, xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hoá): “Khoảng 8 giờ ngày 25/1/2010, tôi cùng các cụ cao tuổi trong làng lên chiếc đò ngang của anh Lê Quang Vinh (trú tại xã Thiệu Thịnh) ra xua đuổi các tàu thuyền đang khai thác cát. Các tàu bỏ chạy, chỉ còn một chiếc tàu chết máy không chạy được nên người dân tràn sang. Khi đó, trên tàu có một thanh niên với gương mặt rất hoảng loạn, sợ người dân bức xúc đánh anh ta nên tôi vội chạy lên trước để bảo vệ”.

Cũng theo nhân chứng Hà, lúc này người dân đã buộc chiếc tàu khai thác cát vào đò ngang kéo về UBND xã để làm bằng chứng xử lý. Khi chiếc tàu đi được khoảng 20m2 thì bất ngờ có hai chiếc tàu chở theo khoảng 30 đối tượng ập đến ném các chai, lọ, đá lên chiếc thuyền ngang. Một chiếc tàu đâm mạnh vào chiếc đò ngang làm gẫy lan can, khiến nó chao đảo. Cùng lúc, một số đối tượng tay cầm dao, kiếm tràn sang con đò chém loạn xạ vào người dân.

Anh Hà nói: “Tôi thấy một thanh niên mặc áo khoác màu đen, sau này tôi mới biết đó là Đỗ Văn Cường tay cầm thanh kiếm dài khoảng 80m chém anh Quyền. Do bị đánh, Quyền choáng váng ngã xuống sông, hai tay chới với, sau vài phút thì bám được vào mạn đò để trèo lên. Nhưng Cường nhẫn tâm dẫm mạnh vào tay anh Quyền khiến nạn nhân ngã xuống sông tử vong.

Sau khi đánh ngã anh Quyền, Cường cầm kiếm tiến về phía tôi chém ngang cổ nhưng tôi may mắn tránh được. Hoảng sợ, tôi vội nhảy xuống sông bơi vào bờ nhưng bị một tàu đến bắt trở ngược lên địa phận xã Thiệu Quang (huyện Thiệu Hoá) và sau này được Công an giải cứu, đưa vào bờ”.

Nhân chứng Lê Thế Đô (SN 1931, trú tại thôn 1, xã Thiệu Thịnh) cho biết khi xảy ra vụ xô xát ông cũng có mặt trên đò và chứng kiến cảnh các đối tượng ném chai, lọ sang đò ngang của dân khiến ông Đô vô cùng hoảng sợ, chui xuống trốn vào gầm đò. “Tôi thấy một thanh niên (sau này ông Đô mới biết đó là Cường) cầm kiếm chém anh Quyền ngã xuống sông. Khi anh Quyền chới với và bám vào mạn thuyền thì bị Cường đạp mạnh vào tay khiến Quyền bỏ tay và chìm xuống dòng sông”- ông Đô nhớ lại.

Ngày 24/2/2012, TAND tỉnh Thanh Hoá đã đưa vụ án ra xét xử theo trình tự sơ thẩm và tuyên phạt Cường và đồng bọn từ 4-5 tháng tù giam về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Ngày 27/7/2012 Tòa Phúc thẩm TAND Tối Cao đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và tuyên hủy bản án sơ thẩm mà TAND tỉnh Thanh Hóa đã xử trước đó vì có dấu hiệu bỏ lọt tội.

Hy vọng vụ án sẽ được xử nghiêm để  bảo vệ quyền lợi người dân và tính nghiêm minh của pháp luật.                            

Thanh Lê

Đọc thêm