Nhận diện tiềm năng xu thế “Du lịch chữa lành” để phát triển

(PLVN) -  Những năm qua, “Du lịch chữa lành” đang dần trở nên quen thuộc trong cộng đồng. Đây cũng là xu thế của ngành du lịch toàn cầu mà Việt Nam, với nhiều tiềm năng lớn có thể tận dụng để bắt nhịp và phát triển mạnh mẽ.

Du lịch để chữa lành thương tổn tinh thần

Lương Hoàng Yến (29 tuổi), nhân viên kinh doanh của một thương hiệu thời trang tại TP Hồ Chí Minh, chia sẻ rằng trước kia, cô thường chọn du lịch nghỉ dưỡng cho những dịp nghỉ lễ hay kỳ nghỉ trong năm, nhưng từ năm ngoái, cô đã làm quen dần với hình thức “Du lịch chữa lành”, lựa chọn những tour khám phá thiên nhiên, những điểm đến có sự kết nối mạnh mẽ với thiên nhiên và những chương trình giúp tinh thần thư giãn, xoa dịu căng thẳng. Theo Hoàng Yến, nhiều bạn bè, người quen của cô cũng bắt đầu có sự dịch chuyển về thói quen du lịch tương tự, cho thấy nhu cầu về du lịch chữa lành ngày một tăng cao trong cộng đồng.

Yoga, thiền là một trong những liệu pháp được dùng trong du lịch chữa lành.

Có thể nói, du lịch chữa lành, với mục đích tìm lại sự cân bằng nội tâm, đã trở thành lựa chọn hàng đầu cho những ai mong muốn thoát khỏi vòng quay căng thẳng của cuộc sống. Loại hình du lịch này không hướng đến việc tìm kiếm nơi chốn để “check in” hay được nghỉ dưỡng, thụ hưởng vật chất thoải mái, mà thông qua những chuyến đi, sự kết nối cùng thiên nhiên, người ta có thể giúp chính mình khơi gợi nên nhiều điều tích cực và vượt qua những vướng mắc trong tâm lý.

Một trong những khía cạnh tích cực rõ rệt nhất của du lịch chữa lành là khả năng giúp con người kết nối lại với thiên nhiên, giúp tinh thần được thư giãn, cơ thể được tái tạo, và tâm hồn được nuôi dưỡng. Hơn nữa, du lịch chữa lành còn tạo điều kiện cho việc kết nối sâu sắc với chính mình và với những người xung quanh, thúc đẩy sự đồng cảm và chia sẻ, giúp tái tạo năng lượng và cân bằng cảm xúc.

Ngoài những chuyến du lịch tự túc, tìm đến những vùng đất mới, con người mới, khám phá cảnh đẹp, hiện nay, nhiều đơn vị đã xây dựng nên những điểm “retreat” chuyên hướng đến các hoạt động chữa lành. Các điểm retreat này có điểm chung là được đặt ở những vị trí có cảnh đẹp, không gian rất gần với thiên nhiên, tránh xa tiếng ồn và nhịp sống xô bồ. Những điểm đến này thường không tiếp nhận các đối tượng khách ưa chuộng vui chơi giải trí, nhậu nhẹt hay hát hò, mà tối ưu không gian cho du khách để có thể thiền tập, tập yoga, lắng tâm, kết nối với thiên nhiên...

Các điểm chuyên về retreat thường có những hoạt động hướng về chữa lành với các giáo trình riêng, được các điều phối viên, giảng viên có chuyên môn hướng dẫn với các liệu pháp như chuông xoay, thiền tập, yoga, tắm rừng, tương tác thiên nhiên, chuyển động biểu đạt... Hiện, những tỉnh thành có loại hình du lịch chữa lành phát triển với nhiều trung tâm lớn, được các bạn trẻ thường tìm đến có thể kể đến Lâm Đồng, Ninh Bình, Hội An, Đà Nẵng, khu vực Yên Tử...

Ngày càng nhiều người trẻ tìm đến những nơi thiên nhiên tươi đẹp, trong lành để cân bằng tâm trí.

Anh Trần Nguyễn Vũ Hoàng, điều hành Bản Yên - một đơn vị chuyên thực hiện các chương trình du lịch chữa lành ở Lâm Đồng, chia sẻ: “Trong quá trình hoạt động, tôi nhận ra có một sự chuyển dịch lớn trong cơ cấu khách hàng. Nếu như thời điểm trước dịch, khách hàng tìm đến du lịch chữa lành chủ yếu là lứa tuổi trung niên thì nay, số lượng người trẻ hướng đến loại hình du lịch này ngày càng nhiều. Thậm chí, có những bạn trẻ chỉ mới là sinh viên, nhưng thay vì chọn những điểm check in, vui chơi náo nhiệt, các bạn lại chọn cho mình một chuyến đi nhiều tĩnh lặng, bình an. Ngay cả các công ty hiện nay, trong hoạt động team building kết nối nhân viên cũng đã bắt đầu phải nhìn nhận lại cách thức, không còn hướng đến các hoạt động ngoài trời ồn ào, sôi nổi nữa, mà cũng mong muốn xây dựng những chương trình có khả năng giúp các bạn gắn kết sâu hơn, tạo ra những ý nghĩa, giá trị tốt đẹp và bình an hơn”.

Hòa nhịp vào xu thế của ngành du lịch

Trong bối cảnh xã hội hiện đại đầy căng thẳng và áp lực, du lịch chữa lành không chỉ là một trào lưu tạm thời mà đang dần trở thành một phân khúc phát triển mạnh mẽ. Một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của du lịch chữa lành là sau đại dịch COVID-19, người ta càng nhận ra tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tổng thể, bao gồm cả sức khỏe tinh thần.

Theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu (Global Wellness Institute), đến hết năm 2022, doanh thu của mảng du lịch chữa lành ước đạt 919 tỷ USD, chiếm 18% tỷ trọng ngành du lịch thế giới.

Khảo sát của Tổ chức Du lịch Sức khỏe Thế giới (Wellness Tourism Association) năm 2022 cũng cho thấy, có tới 76% số người được hỏi muốn chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến du lịch để cải thiện sức khỏe, 55% cho hay sẵn sàng trả thêm cho các dịch vụ, hoạt động trị liệu về tâm lý. Những con số sơ bộ này cũng đủ để cho thấy tiềm năng lớn lao của mô hình du lịch chữa lành.

Theo các chuyên gia, Việt Nam, với nhiều tiềm năng to lớn, những năm qua đã không đứng ngoài xu thế mạnh mẽ này. Có thể nói, Việt Nam có nhiều thế mạnh để có thể trở thành một điểm đến chữa lành của toàn cầu. Một trong những thế mạnh này là sự đa dạng và phong phú của cảnh quan thiên nhiên. Từ những bãi biển hoang sơ trải dài ở miền Trung và miền Nam, đến những ngọn núi hùng vĩ và các thung lũng xanh tươi ở miền Bắc, Việt Nam sở hữu vô số địa điểm lý tưởng cho các hoạt động chữa lành như thiền, yoga, spa và trị liệu bằng thiên nhiên.

Ngoài ra, các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia trải dài khắp đất nước cũng cung cấp môi trường lý tưởng để phát triển các hoạt động du lịch chữa lành gắn liền với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Cạnh đó, có thể kể đến một số thế mạnh khác như nền văn hóa phong phú với nhiều giá trị truyền thống liên quan đến sức khỏe và đời sống tinh thần. Các phương pháp chữa lành bằng y học cổ truyền như châm cứu, bấm huyệt và các liệu pháp bằng thảo dược đã được người Việt sử dụng hàng ngàn năm qua để duy trì sức khỏe và chữa bệnh. Nền ẩm thực phong phú, lành mạnh, được quốc tế đánh giá cao, chính là những nguồn tài nguyên để phát triển các chương trình du lịch chữa lành mang đậm bản sắc dân tộc.

Những năm gần đây, trong nước đã có nhiều loại hình du lịch chữa lành, kết nối thiên nhiên từ nhỏ lẻ cho đến quy mô lớn như các trung tâm spa, resort kết hợp với liệu pháp thảo dược, thiền định, các khóa học yoga... Những hoạt động này không chỉ thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế mà còn góp phần quảng bá văn hóa, cảnh quan Việt Nam ra thế giới.

Tiềm năng lớn nhưng ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết, như cải thiện cơ sở hạ tầng cho du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp và phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo... Bên cạnh đó, cần có chiến lược quảng bá hiệu quả để giới thiệu Việt Nam như một điểm đến chữa lành đáng tin cậy trên bản đồ du lịch thế giới.

Sự phong phú, đa dạng về cảnh quan và văn hóa, ẩm thực đặc sắc, lành mạnh chính là thế mạnh của Việt Nam khi gia nhập xu thế du lịch chữa lành.

Sự hợp tác giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương cũng là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy phát triển du lịch chữa lành. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, thiên nhiên cần được đặt lên hàng đầu, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành du lịch.

Bên cạnh đó, đang tồn tại những mô hình lừa đảo lợi dụng “chữa lành” như một phương thức thời thượng để câu khách, những điểm du lịch chữa lành “treo đầu dê bán thịt chó” hay các khóa học chữa lành không có chuyên môn, lợi dụng vết thương tâm lý người khác để kiếm tiền. Tất cả những điều này đều là “con sâu làm rầu nồi canh”, cần được đào thải để du lịch chữa lành thực sự phát triển đúng với tiềm năng và giá trị tích cực của nó, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.