Theo đánh giá của Bộ Công an, một trong những mục tiêu hàng đầu khi xây dựng Luật Căn cước công dân là nhằm quy định rõ trình tự, thủ tục cấp, đổi, cấp lại CMND theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch; loại bỏ các thủ tục rườm rà, bảo đảm cho việc cấp CMND được nhanh chóng, thuận tiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công dân.
Phát biểu ý kiến thảo luận, các ĐB đều cho rằng cần thiết phải ban hành dự luật này, để đảm bảo phù hợp với Hiến Pháp, và cũng để phù hợp với sự phát triển , hội nhập của quốc tế, thể hiện mục tiêu cải cách hành chính, tạo sự đổi mới trong công tác đăng ký và quản lý theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu còn băn khoăn về tính khả thi và hiệu quả khi triển khai, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo làm rõ nguồn kinh phí triển khai Dự án Luật lấy từ đâu? Cần bao nhiêu tiền và người dân phải đóng phí như thế nào khi làm thẻ căn cước công dân?
Dẫn chứng cho lo ngại này, các ĐB cho rằng thực tế vừa qua, nhiều chính sách của Nhà nước ban hành đúng nhưng khi triển khai không có kinh phí nên không đi vào cuộc sống, nhiều quy định khi triển khai không khả thi, gây phiền hà cho người dân.
Đại biểu cũng lo ngại về cơ sở hạ tầng và nhân lực khi thực hiện những quy định cải cách theo Luật căn cước công dân. Về Luật Hộ tịch, các ĐB tán thành cao về quy định 3 loại việc hộ tịch phổ biến, đã và đang phát sinh trên thực tế cần được đăng ký, gồm: Xác nhận các sự kiện hộ tịch như sinh, tử, kết hôn và các sự kiện khác; ghi vào sổ những việc dẫn đến thay đổi tình trạng hộ tịch của cá nhân theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như xác định lại dân tộc, giới tính, quyết định về quốc tịch, nuôi con nuôi; ghi vào sổ những việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
Một điểm chung của cả hai dự luật này đều hướng tới việc giảm những giấy tờ rườm rà cho công dân. Dự thảo Luật Hộ tịch có những quy định mang tính cải cách về thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch (từ 46 thủ tục hiện hành xuống còn 25 thủ tục) và cắt giảm giấy tờ khi yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Chiều nay, Quốc hội làm việc tại hội trường. Các ĐB đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2012 Biểu quyết thông qua Nghị quyết về cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013 với tỷ lệ phiếu tán thành cao. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự.
Cũng trong buổi làm việc chiều nay, sau phần trình bày của Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc về Dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015, các ĐBQH sẽ thảo luận ở hội trường về vấn đề này./.