“Nhân tai” rình rập 745 km đường cao tốc Việt Nam

(PLO) - Một con đường hình thành, đối tượng hưởng lợi nhiều nhất là nền kinh tế, là người dân sau đó mới đến nhà đầu tư. Nhưng trong nhiều trường hợp, người dân lại là nguyên nhân khiến cả con đường lẫn nhà đầu tư, nhà quản lý “oằn mình” chịu trận.
“Nhân tai” rình rập 745 km đường cao tốc Việt Nam

745 km đường và 30% chi phí được tiết kiệm

Theo thông tin Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đưa ra tại hội thảo “Quản lý, khai thác đường bộ cao tốc - Một số vấn đề đặt ra” mới đây thì Việt Nam hiện có 745 km đường cao tốc bao gồm 12 tuyến: Đại lộ Thăng Long (29,2km), Liên Khương – Đà Lạt (19km), Pháp Vân - Cầu Giẽ (29km), Cầu Giẽ - Ninh Bình (50km), Vành đai 3 đoạn Phù Đổng - Mai Dịch (28km), Nội Bài - Lào Cai (264km), Hà Nội – Thái Nguyên (63,8km), Hà Nội - Hải Phòng (105,5km), Hà Nội - Bắc Giang (45,8km),TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (39,8km), TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (55km) và tuyến nối Nội Bài - Nhật Tân (khoảng 15/21km). 

Thực tế đã chứng minh, kể từ thời điểm đi vào khai thác đến nay, các tuyến đường nói chung và cao tốc nói riêng trên đất nước đều đã và đang phát huy hiệu quả to lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước và các địa phương có tuyến đường đi qua; góp phần kết nối các khu vực nghèo,vùng sâu vùng xa với các trung tâm kinh tế.

Với tuyến đường cao tốc ước tính giảm tải áp lực giao thông, tiết kiệm chi phí từ 15% - 30% mỗi năm, tiết kiệm thời gian, an toàn cho người tham gia giao thông  giảm từ 1 đến 2 giờ khi lưu thông trên các tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, giảm từ 3,5 giờ đến 7 giờ khi lưu thông trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai...

Tốc độ tăng trưởng của ngành Du lịch tại các địa phương có đường cao tốc đi qua tăng vượt trội, đặc biệt ngành Du lịch ở Sa Pa, Vũng Tàu được hưởng lợi rất lớn từ khi có tuyến cao tốc. Rồi các khu công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài của các địa phương cũng tăng trưởng…

Nhà đầu tư “mếu” vì người dân 

Mới đây, tại đoạn Quốc lộ 1 qua ba thôn Thế Long, Thế Lợi, Phong Niên Thượng thuộc xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi gần chục tấm chống lóa thuộc dự án nâng cấp Quốc lộ 1 do Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi làm đại diện chủ đầu tư bị tháo dỡ, treo bỏ ngổn ngang ngay khu vực dải phân cách.

Có đoạn chỉ chừng 200 m nhưng có đến 4 tấm chống lóa bị tháo dỡ. Tương tự, tại dự án BOT Quốc lộ 1 Quảng Ngãi do Công ty TNHH BOT Thiên Tân-Thành An làm chủ đầu tư đoạn qua thôn Thủy Triều và thôn Đông Quang thuộc xã Phổ Văn, H.Đức Phổ chưa đầy 2 km cũng có khoảng 14 tấm lưới chống lóa bị tháo gỡ.

Điều tra nguyên nhân cho thấy, người dân cho rằng họ vẫn chưa quen với quốc lộ mới được nâng cấp có dải phân cách cao, thêm lưới chống lóa, cộng thêm thói quen cố hữu trước nay là tiện đâu trèo qua đó nên đã tháo dỡ dải phân cách để tiện đường đi lại.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Ngọc Thụy - Giám đốc Cty TNHH BOT Thiên Tân -Thành An cho biết, gần 30 tấm chống lóa đã bị người dân tự ý gỡ bỏ, dù nhà đầu tư đã kiểm tra, nhiều lần cho khắc phục nhưng một số người cố tình nhỏ a xít vào vị trí bắt vít để mang tính hủy hoại. Việc tháo dỡ lớp chống lóa khiến công tác nghiệm thu, thanh quyết toán dự án gặp khó khăn dù công trình Quốc lộ 1 đã khánh thành, đưa vào sử dụng từ tháng 10.2015, đó là ý kiến của ông Phạm Ngọc Thủy - Phó Giám đốc sở GTVT Quảng Ngãi. 

Không chỉ tuyến đường Quốc lộ 1 chạy qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi phải chịu trận. Theo ông Nông Văn Hưng - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lào Cai thì hệ thống hàng rào trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai có nhiều vị trí bị dân tự ý cắt phá, cụ thể có 39 điểm đã được rào đi rào lại nhiều lần nhưng dân vẫn thường xuyên cắt phá. Nguyên nhân do ý thức của người dân hai bên đường chưa cao, không muốn đi qua đường gom cống chui mà tự ý cắt rào đi ngang qua đường, không nhận thức được mức độ nguy hiểm, vì lợi ích nhỏ của cá nhân. 

Quan điểm về vấn đề này ông Nguyễn Văn Nhi - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho rằng ý thức của người tham gia giao thông và người dân địa phương dọc hai bên đường cao tốc đang là vấn đề đang lo ngại.

“Hiện tại, trên các tuyến đường cao tốc do VEC đang triển khai tổ chức khai thác vẫn còn tình trạng các phương tiện tham gia giao thông thường xuyên dừng đỗ, đón trả khách trên đường cao tốc; tình trạng người dân sinh sống dọc theo đường cao tốc phá rỡ hàng rào, ném đá vào các phương tiện lưu thông trên đường; chăn thả gia súc gây mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông; tình trạng xe quá tải, tình trạng người dân sinh sống dọc theo đường cao tốc phá rỡ hàng rào, trộm cắp tài sản đường cao tốc ảnh hưởng đến kết cấu công trình” – ông Nhi cho biết.

Gian nan chuyện khắc phục vì ý thức kém

Để khắc phục tình trạng này Sở GTVT Lào Cai đã tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam tổ chức nhiều cuộc họp và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác bảo đảm an toàn giao thông. Ở Quảng Ngãi hiện Ban An toàn giao thông tỉnh đang phối hợp chính quyền địa phương, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và chấp hành.... Nhưng thực tế ở Quảng Ngãi và Lào Cai cũng như nhiều nơi khác vẫn chưa khả quan nhiều như nhận định của vị đại diện VEC rằng “đã có rất nhiều các biện pháp ngăn chặn, xử lý, phối hợp với các lực lượng chức năng và địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm, tuy nhiên, do ý thức của người tham gia giao thông và người dân địa phương dọc hai bên đường cao tốc nên đến thời điểm hiện tại, tình trạng vi phạm gây mất an toàn trên vẫn còn tồn tại”.

Đọc thêm