Nhân viên điện lực ứng trả tiền điện cho doanh nghiệp (!?)

Bị nợ 100 triệu tiền điện, Trưởng phòng Giám sát mua bán điện của Điện lực Hoàng Mai nói như đinh đóng cột, doanh nghiệp đã bị cắt điện sản xuất, trong khi trên hiện trường, máy móc cơ khí vẫn chạy ầm ầm.

Bị nợ 100 triệu tiền điện, Trưởng phòng Giám sát mua bán điện của Điện lực Hoàng Mai nói như đinh đóng cột, doanh nghiệp đã bị cắt điện sản xuất, trong khi trên hiện trường, máy móc cơ khí vẫn chạy ầm ầm.

Không có dấu hiệu DN ngừng sản xuất

Báo PLVN số 344 ra ngày 10/12/2011 có bài: “Hoàng Mai, Hà Nội: Thuê mặt bằng rồi… “quỵt” - phản ảnh việc Cty CP Thiết bị vật tư du lịch (Cty TBVTDL) cho Cty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Đức Phương (Cty Đức Phương) thuê mặt bằng nhưng hết hạn 18 tháng nay  không đòi lại được. Lạ lùng là nợ gần 100 triệu tiền điện mà DN  này vẫn có điện để sản xuất (!?)

Sáng 13/12, phóng viên PLVN đã tìm hiểu vấn đề này tại Cty Điện lực Hoàng Mai. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng phòng Giám sát mua bán điện khẳng định: Điện lực Hoàng Mai đã cắt điện đối với Cty TBVTDL. “Tôi có thể khẳng định nó không có điện để sản xuất. Nếu như nó có 1 bóng đèn chiếu sáng thì tôi không nói nhưng chắc chắn điện sản xuất là không có…”. Khi phóng viên đặt vấn đề Điện lực Hoàng Mai có kiểm tra thường xuyên việc cấp điện cho DN này không và liệu DN có câu móc hay muợn đường dây của DN khác hay nhà dân để hoạt động không, ông Hùng tái khẳng định: “Tôi cam kết chắc chắn là DN không có điện để sản xuất!”

Theo biên bản làm việc giữa Cty Điện Lực Hoàng Mai và Cty TBVTDL ngày 27/5/2011, hai bên đã chốt chỉ chỉ số thanh lý hợp đồng mua bán điện.

Về khoản nợ tiền điện gần 100 triệu đồng, cả Phó Giám đốc Cty Điện Lực Hoàng Mai Nguyễn Sơn Hà và ông Nguyễn Thanh Hùng đều khẳng định hiện tại DN vẫn chưa trả, tuy nhiên, ông Hùng cho biết đã ứng tiền cá nhân trả thay cho DN vì nguyên tắc “không để nhà nước thất thoát”.

“Về nguyên tắc Cty điện lực Hoàng Mai ký hợp đồng với Cty TBVTDL nên Điện lực Hoàng Mai chỉ đòi tiền Cty  TBVTDL. Cty  TBVTDL có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại địa chỉ đó nên khi DN yêu cầu cung cấp lại điện thì đương nhiên phải hoàn trả số tiền điện còn nợ. Với hơn 5.000 m2 nhà xưởng, không có điện DN cũng không làm gì được…”- ông Hùng lý giải về khả năng sẽ thu hồi được số tiền điện gần 100 triệu đồng DN còn nợ.

Trực tiếp theo cán bộ điện lực Hoàng Mai xuống hiện trường - mặt bằng nhà xưởng nơi Cty Đức Phương đang thuê của Cty TBVTDL (tại địa chỉ số 6/51 ngõ 15 Ngọc Hồi, Hoàng Liệt - quận Hoàng Mai), sau khi đẩy cửa ngách bước vào khu vực nhà xưởng, theo quan sát của phóng viên, có khoảng gần một chục công nhân, trong đó có nhân viên vẫn đang ngồi trước máy tính trong văn phòng. Xưởng cơ khí phía gần cổng ra vào vẫn ngổn ngang, không hề có dấu hiệu của việc ngừng sản xuất. Một số nhân viên cho biết: “Sáng nay vừa mất điện (!?), còn ngày hôm qua vẫn có điện sản xuất bình thường!”.

Khi Trưởng phòng giám sát mua bán điện Cty Điện lực Hoàng Mai Nguyễn Thanh Hùng hỏi lại: “Điện sản xuất hay điện sinh hoạt?”, thì một công nhân khẳng định: “Điện sinh hoạt thì nói làm gì, điện 3 pha để sản xuất!”. Trước thông tin này, ông Hùng cho biết “Sẽ khiểm tra lại” và khẳng định: “Điện lực Hoàng Mai không  cấp điện cho DN, còn nó lấy điện ở đâu thì… chịu!” (!?).

Ông Hùng cũng cho biết, mấy lần trước DN này cũng đã lấy điện sinh hoạt từ hộ dân và Điện lực đã lập biên bản, ngày tối hôm qua, điện lực cũng đến lập biên bản, nhưng đấy chỉ là điện sinh hoạt, còn điện 3 pha để sản xuất “Tôi khẳng định là không có!”- Ông Hùng qủa quyết (!?)

Trao đổi với một số hộ dân xung quanh, một hộ dân cho biết, DN này vẫn sản xuất bình thường, hàng ngày trong xưởng có khoảng 30 công nhân, sản xuất đồ nhựa (bàn, ghế, rổ rá…). “Sáng nay chắc biết có Điện lực xuống nên mới cắt điện đấu từ bên làm kem (điện 3 pha của một nhà sản xuất kem gần đó- PV), nên công nhân mới có từng ấy…”- người dân này cho biết.

Thông tin chưa được kiểm chứng cho biết, hộ dân cung cấp là chính người của ngành điện đã đấu điện cho DN và bán với giá cao (4.500 đồng/số), DN này không chịu nổi giá điện nên đã chuyển một số máy lớn đi nơi khác, chỉ còn máy công suất nhỏ. (???)

Các hộ dân ở đây cũng phản ánh DN sản xuất nhựa trong khu dân cư gây ô nhiễm, khu phố đã nhiều lần phản ánh với chính quyền nhưng không ăn thua vì DN đã “làm việc” với chính quyền rồi (!?)

Trong một diễn biến khác, phóng viên PLVN đã cố gắng liên hệ với người đại diện theo pháp luật của Cty Đức Phương, bà Nguyễn Thị Kim Lan song không kết quả.

Nhóm phóng viên

Đọc thêm