Mất 35 tỷ euro trong 4 năm vì ngừng điện hạt nhân
Tháng 11/2014 Thống đốc tỉnh Kogoshima đồng ý cho phép 2 lò phản ứng tại khu nhà máy điện hạt nhân Sandai – đông bắc - hoạt động trở lại.
Quyết định trên được đưa ra sau khi tập đoàn Kyushu Electric Power và Cơ quan An toàn Hạt nhân của Nhật quả quyết là 2 lò liên quan và hai lò khác tại khu nhà máy Takahama, tỉnh Fukui, miền trung Nhật Bản đã trải qua nhiều đợt trắc nghiệm và tuân thủ các chuẩn mực về an toàn hạt nhân.
Nhưng từ đó tới nay, 48 lò phản ứng trên xứ hoa anh đào, không kể 6 lò đã bị hư hại của Fukushima, vẫn chưa được khởi động lại.
Trước khi xảy ra tai nạn ở khu nhà máy Fukushima năng lượng hạt nhân cung ứng từ 25 - 30 % cho toàn bộ nhu cầu điện lực của Nhật Bản. Tokyo thậm chí còn đề ra mục tiêu nâng tỷ lệ đó lên thành 50% vào khoảng năm 2050.
Trận động đất ngày 11/03/2011 đã vĩnh viễn chôn vùi kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân. Dù vậy Nhật khó có thể từ bỏ nguồn năng lượng này. Trong bốn năm qua, hóa đơn năng lượng đè nặng lên cán cân thương mại.
Kim ngạch nhập khẩu, từ than đá đến khí đốt, dầu hỏa đều tăng vọt. Giá điện và ga tăng 20 % đối với các hộ gia đình. Hóa đơn tiền điện của các tập đoàn sản xuất tăng 30 %. Cùng lúc ngành công nghệ hạt nhân của Nhật bị thiệt hại ít nhất là hơn 35 tỷ euro trong bốn năm vừa qua.
Hơn nữa, theo một công trình nghiên cứu được hãng thông tấn Reuters thực hiện vào năm 2014, khoảng 2/3 trên tổng số 48 lò phản ứng trên toàn quốc có nguy cơ bị đóng cửa vĩnh viễn, do không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, hay quá tốn kém nếu như phải được nâng cấp trước khi được cấp giấy phép hoạt động trở lại.
Dù vậy nội các của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn coi hạt nhân là nguồn năng lượng chính. Cuối tháng 1/2015 bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp chủ trì một loạt các cuộc họp để bàn về chính sách năng lượng Nhật Bản trong tương lai.
Trong khuôn khổ các cuộc họp nói trên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần đa dạng hóa các nguồn năng lượng, giảm bớt trọng lượng của lĩnh vực hạt nhân xuống còn 15% thay vì 28% như trong thời kỳ tiền Fukushima. Nhưng về phía chính phủ, Tokyo mong muốn, năng lượng hạt nhân do ít gây khí thải làm hâm nóng trái đất, bảo đảm từ 20 - 25 % nhu cầu điện lực của toàn quốc.
Tuy nhiên để đạt được mục tiêu đó, thì Nhật Bản sẽ phải xây dựng thêm các nhà máy mới hoặc sẽ phải kéo dài thêm thời gian hoạt động của những cơ sở sẵn có thêm ít nhất là 40 năm. Cần biết rằng, hiện có 7 trên tổng số 48 lò phản ứng đã hoạt động trong một thời gian là hơn 40 năm và cần phải được tháo dỡ.
Mỗi năm Nhật Bản nhập 26 tỷ euro năng lượng và Nhật Bản khó có thể tiếp tục chịu đựng được mức chi tiêu đó, cho dù, trong ngắn hạn giá dầu hỏa và khí đốt đang rất thấp. Tokyo căn cứ vào hóa đơn năng lượng quá nặng để thuyết phục công luận về nhu cầu cấp bách cần quay lại với điện hạt nhân.
Người chống, người bênh
Bà Charlotte Mijeon đại diện cho tổ chức mang tên Sortir du nucléaire, chủ trương cần đóng cửa các nhà máy hạt nhân, cho rằng, bên cạnh những tính toán thuần túy về tài chính, thì còn phải tính đến cái giá phải trả đối với môi trường, đối với sức khỏe con người trước cái mà bà gọi là “hiểm họa hạt nhân”:
“Cần cân nhắc lại xem rằng, hóa đơn năng lượng nhập khẩu tốn kém hơn, hay cái giá phải trả do tai nạn nhà máy điện Fukushima gây ra đắt hơn. Ở đây tôi muốn nói đến những chi phí phải trả cho việc quét dọn rác thải hạt nhân, làm sạch môi trường. Tới nay các phí tổn ước tính lên tới khoảng 20 tỷ euro mà hậu quả vẫn chưa được khắc phục.
Đó là chưa kể trong tương lai, còn phải tính đến những hậu quả về mặt y tế do tai họa Fukushima gây nên, cái giá phải trả trước những thiệt hại đối với môi trường, đối với nông nghiệp. Hiện 120 ngàn người phải di dời chỗ ở, nhiều gia đình bị ly tán, có nhiều người mẹ phải mang con nhỏ đi chỗ khác trong lúc người cha, chồng, thì vẫn ở lại để trông nhà.
Đối với khu vực nhà máy điện Fukushima, vấn đề nước bị nhiễm xạ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, rác thải cũng vậy. Từ kinh nghiệm của Fukushima, nhiều câu hỏi đặt ra đối với các nhà máy điện hạt nhân khác trên toàn lãnh thổ Nhật Bản: vấn đề an toàn. Điều mà chúng ta biết được là Nhật Bản luôn phải đối mặt với nguy cơ động đất.
Câu hỏi đặt ra là liệu Nhật Bản có thể đương đầu cùng lúc với 2 thảm họa, thiên tai và hạt nhân, như hồi năm 2011 hay không?”
Về phần mình, Isabell Jouette, phát ngôn viên của tập đoàn SFEN chủ trương phát triển năng lượng hạt nhân nhấn mạnh, kể từ khi các nhà máy nguyên tử của Nhật bị đóng cửa, năng lượng hóa thạch đang bảo đảm 62 % các nguồn điện lực cho nước này nhảy vọt lên thành 88 %. 2013 là năm Nhật Bản phá kỷ lục về mặt thải khí CO2 làm hâm nóng trái đất:
“Không thể phủ nhận Fukushima là một thảm họa và đương nhiên không thể đem tất cả lên bàn cân, tính bằng tiền. Nhưng bên cạnh đó cũng phải lưu ý là Nhật Bản do nhập thêm năng lượng hóa thạch đã thải thêm CO2, lượng khí thải tăng từ 6 - 10% một năm và đó cũng là điều cần cân nhắc khi nêu lên câu hỏi Tokyo có nên rút lui hoàn toàn khỏi năng lượng hạt nhân hay không”.
Giải pháp nào?
Hiện vẫn còn hơn 50 % dân Nhật chống điện hạt nhân cho dù hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình đã tăng 20 % trong bốn năm qua và sẽ còn tiếp tục tăng thêm nữa khi mà chính phủ dành cho năng lượng tái tạo một vị trí quan trọng hơn. Về điểm này bà Isabelle Jouette, ghi nhận: “Đúng là sau tai nạn nhà máy điện Fukushima hồi tháng 3/2011 thì đã có tới 91% dân Nhật chống hạt nhân. Giờ đây tỷ lệ đó khoảng từ 60 - 70%”.
Charlotte Mijeon, phát ngôn viên của phong trào chống điện hạt nhân, Sortir du nucléaire cho rằng : giải pháp đối với Nhật Bản sẽ phải là năng lượng tái tạo:
“Các chuẩn mực an toàn hạt nhân được tăng cường, nhưng không thể nói là các cơ quan điện lực của Nhật Bản đã thay đổi một cách cơ bản đường lối hoạt động. Ngành công nghệ năng lượng hạt nhân tại Nhật Bản rất mạnh.
Họ gây áp lực rất lớn lên chính giới. Họ đã liên tục và ráo riết vận động để các nhà máy điện hạt nhân hoạt động lại. Có nhiều người lo ngại, Nhật Bản thiếu năng lượng, thiếu điện. Nhưng quốc gia này có phương tiện để chế tạo điện. Đặc biệt là khai thác các nguồn năng lượng tái tạo.
Với giải pháp này, Tokyo giải quyết được một lúc hai vấn đề: không phụ thuộc vào năng lượng nhập từ nước ngoài đồng thời lại giảm được khí thải CO2 làm hâm nóng trái đất và gây ô nhiễm không khí”.
Liệu Nhật Bản có đủ phương tiện để cùng lúc vừa phát triển năng lượng tái tạo, vừa cải tổ sâu rộng ngành công nghệ hạt nhân và vừa giảm mức tiêu thụ dầu, khí than đá, góp phần giới hạn khí thải làm hâm nóng trái đất hay không. Charlotte Mijeon trả lời:
“Về mặt tài chính mà nói, rất khó để trải ra trên tất cả các loại năng lượng như kịch bản vừa nêu. Nhật Bản sẽ không đủ sức để cùng lúc vừa phát triển năng lượng hạt nhân, vừa đầu tư vào các loại năng lượng tái tạo. Hơn nữa điều đáng lo ngại là cho dù chỉ có một nhà máy điện hạt nhân được hoạt động lại, nhưng điều gì sẽ xảy ra khi nhà máy đó bị sóng thần, động đất như Fukushima?
Cần lưu ý rằng những chất phóng xạ thất thoát từ nhà máy điện Fukushima ngấm vào lòng đất và chúng sẽ đọng lại trong hàng trăm năm. Điều đó có nghĩa là trong ngần ấy thời gian, nhiều thế hệ sẽ phải chung sống với các chất phóng xạ độc hại này. Đó cũng phải là những tính toán mà Nhật cần cân nhắc”.
Theo cuộc thăm dò dư luận được thực hiện ngày 8/3/2015 mà nhật báo Nihon Keizai trích dẫn, chỉ có 36 % những người được hỏi hưởng ứng việc mở lại các nhà máy điện hạt nhân.
Tới nay thống đốc vùng Niigata ở miền Bắc Nhật Bản vẫn chống đối dự án cho khởi động lại nhà máy Kashiwazak—Kariva. Khúc mắc nằm ở chỗ, thành công hay thất bại trong chính sách vực dậy kinh tế của nước Nhật, tùy thuộc một phần vào 48 lò phản ứng hiện đang ngủ vùi trên xứ hoa anh đào./.