Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 khai mạc sáng nay (15/10), đồng chí Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng Bộ phận Thường trực chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định, những kết quả đã đạt được của tỉnh Bình Định trong nhiệm kỳ qua là rất đáng trân trọng, khá toàn diện, thế và lực của tỉnh ngày càng được tăng cường. Có thể khẳng định đây là những tiền đề cần thiết, những thuận lợi rất cơ bản để tỉnh phát triển nhanh và toàn diện hơn trong thời gian tới.
Đồng chí Hoàng Trung Hải nhấn mạnh một số vấn đề, đề nghị đại biểu quan tâm trong quá trình thảo luận. Thứ nhất, tỉnh Bình Định cần tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo, điều hành, thực hiện các giải pháp thích hợp để thực hiện tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng và 3 khâu đột phá. Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; chú trọng phát triển kinh tế biển đưa Bình Định thành trung tâm nuôi trồng thuỷ sản và nghề cá tiên tiến, quy mô công nghiệp.
Thứ hai, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Thực hiện công khai minh bạch thông tin đi đôi với chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Tạo điều kiện thu hút các cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ưu tiên các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp thích ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
|
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX khai mạc sáng 15/10. |
Thứ ba, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển. Đổi mới và thực hiện tốt các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng đội ngũ trí thức, đội ngũ quản lý, nhân lực kỹ thuật, quản trị công nghệ cao; tạo môi trường, điều kiện hoạt động để trí thức nghiên cứu, sáng tạo và cống hiến.
Thứ tư, cần gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội. Chú trọng quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng. Chú trọng củng cố quốc phòng - an ninh; kịp thời trấn áp các loại tội phạm, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Thứ năm, cần đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, có vai trò quyết định để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra… Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
“Tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định sẽ nắm chắc thời cơ, vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đưa Bình Định phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và tham gia vào nhóm các tỉnh dẫn đầu của khu vực miền Trung, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII”, đồng chí Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Theo báo cáo chính trị trình tại Đại hội, trong 5 năm tới, Bình Định phấn đấu nằm trong nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu của khu vực miền Trung. Tổng sản phẩm địa phương bình quân hàng năm tăng 7,0 - 7,5%. Đến năm 2025, cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng 31,8%, dịch vụ 39,6%, nông - lâm nghiệp - thủy sản 23,4%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 5,2%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 3.900 USD; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 16.000 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 6.000 triệu USD.
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, trong những năm tới, bên cạnh việc triển khai quyết liệt các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ 2020 - 2025, việc phát triển kinh tế của tỉnh Bình Định tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng.
Đó là đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tạo động lực phát triển nhanh nền kinh tế của tỉnh; tiến hành đồng bộ từ quy hoạch địa điểm, quy hoạch sản phẩm đến đầu tư, quản lý hoạt động du lịch hướng đến phát triển bền vững; tập trung khai thác hiệu quả cụm cảng Quy Nhơn hiện có gắn với phát triển hệ thống cảng cạn và hiện đại hóa dịch vụ cảng, tối đa hóa công suất, đồng thời nghiên cứu xác định địa điểm và kêu gọi đầu tư xây dựng cảng mới có công suất lớn và đa năng.
Ngoài ra, phát triển nông, lâm nghiệp - thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng; tiếp tục phát triển khu đô thị mới Nhơn Hội và các đô thị trên địa bàn theo quy hoạch, đồng thời quy hoạch phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư gắn với các khu công nghiệp và việc mở rộng giao thông, quy hoạch đường sắt nội đô nối Cát Tiến với trung tâm Quy Nhơn.
Kinh tế tỉnh Bình Định cũng tập trung vào 3 khâu đột phá. Thứ nhất, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Bình Định.
Thứ hai, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao; thực hiện chính sách thu hút lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Thứ ba, tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh.