Theo quy định pháp luật hiện hành thì cơ quan Thi hành án dân sự là cơ quan trực tiếp thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Khi thi hành, cơ quan đã gặp không ít bản án, quyết định thiếu sót, vi phạm được thể hiện ngay trong bản án, quyết định đó. Chính vì thế, để tạo điều kiện thuận cho cơ quan thi hành bản án, quyết định nhanh chóng, đúng pháp luật thì Luật thi hành án dân sự đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Thi hành án như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh bao gồm:
- Quản lý, chỉ đạo về thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm:
Bảo đảm việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự;
Chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự đối với cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện; hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự cho Chấp hành viên, công chức khác của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn;
Kiểm tra công tác thi hành án dân sự đối với cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện;
Tổng kết thực tiễn thi hành án dân sự; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.
- Trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định theo quy định tại Điều 35 của Luật này.
- Lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự; phối hợp với cơ quan Công an trong việc lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm chấp hành hình phạt tù và đặc xá cho người có nghĩa vụ thi hành án dân sự đang chấp hành hình phạt tù.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật này.
- Thực hiện quản lý công chức, cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự tại địa phương theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.
- Giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện trách nhiệm, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 173 của Luật này.
- Báo cáo công tác thi hành án dân sự trước Hội đồng nhân dân cùng cấp khi có yêu cầu.
Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án cấp quân khu bao gồm:
- Trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định theo quy định tại Điều 35 của Luật này.
- Tổng kết thực tiễn công tác thi hành án theo thẩm quyền; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật này.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng của quân khu trong việc quản lý cán bộ, cơ sở vật chất, kinh phí và phương tiện hoạt động của cơ quan thi hành án cấp quân khu theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng.
- Lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự; phối hợp với cơ quan thi hành án phạt tù trong quân đội trong việc lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm chấp hành hình phạt tù và đặc xá cho người có nghĩa vụ thi hành án dân sự đang chấp hành hình phạt tù.
- Giúp Tư lệnh quân khu và tương đương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 172 của Luật này.
Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện bao gồm:
- Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại Điều 35 của Luật này.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật này.
- Thực hiện quản lý công chức, cơ sở vật chất, kinh phí và phương tiện hoạt động được giao theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.
- Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác tổ chức, hoạt động thi hành án theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.
- Lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự.
- Giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 174 của Luật này.
- Báo cáo công tác thi hành án dân sự trước Hội đồng nhân dân khi có yêu cầu.