Trước khi gặp Trương Hồng Quang, tôi đã không nghĩ rằng chàng thanh niên gốc Quảng Ngãi này lại có nhiều năng lượng và đam mê với công tác nghiên cứu khoa học như vậy.
Khoa học pháp lý phải đi trước một bước
Sinh ra trong một gia đình không có ai theo nghề luật, bố là Công an, em trai cũng theo nghiệp của bố, Trương Hồng Quang lại chọn cho mình một ngã rẽ khác. “Khi đạt giải Học sinh giỏi văn quốc gia, em được lựa chọn một trường đại học để xét tuyển thẳng. Khi đó, em đã nghĩ rằng, Đại học Luật Hà Nội là sự lựa chọn số 1 của mình bởi nghề luật sẽ mở ra cho em nhiều cơ hội để học hỏi và nghiên cứu về khoa học pháp lý”.
Không giống như nhiều sinh viên mới vào trường còn bỡ ngỡ, thậm chí là “sốc” với những môn học cơ bản của Đại học Luật Hà Nội, ngay từ năm thứ nhất, Trương Hồng Quang đã tích cực tìm kiếm đề tài nghiên cứu khoa học. Năm thứ hai, Quang lao vào nghiên cứu đề tài “Một số vấn đề về quyền được chết đối với quá trình xây dựng Luật An tử ở Việt Nam hiện nay”.
Gần đây, thấy dư luận cứ xôn xao với việc Bộ Y tế đề xuất đưa quyền được chết vào dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, Trương Hồng Quang tự hào nhớ lại: “Cách đây gần 10 năm, đề tài nghiên cứu của em là một vấn đề vô cùng mới mẻ, đi tìm tài liệu cũng khó vì chỉ có một số bài viết kể lại rằng ở nước này, nước khác có cho phép bệnh nhân có quyền được tìm đến cái chết khi y học không còn giải pháp nào khác”. Ở các nước có nền y khoa phát triển, quyền an tử được đặt ra như vậy, còn ở Việt Nam thì sao? Cậu sinh viên năm thứ hai Trương Hồng Quang đã nhiều đêm trăn trở với vấn đề pháp lý mới mẻ này.
Một giải pháp được Trương Hồng Quang đề xuất là pháp luật cần dự liệu và công nhận quyền được chết đối với một số trường hợp đặc biệt. Đề tài cũng đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn việc lạm dụng quyền này nếu được đưa vào luật. Không ngoài dự đoán, đề tài “Một số vấn đề về quyền được chết đối với quá trình xây dựng Luật An tử ở Việt Nam hiện nay” đã gây tiếng vang lớn trong giới sinh viên và giành được giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sau khi tốt nghiệp, Trương Hồng Quang cũng tích cực hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, trong đó có một công trình của nhóm sinh viên Khóa 33 ĐH Luật Hà Nội đạt giải Nhất cấp Quốc gia (đây là giải Nhất đầu tiên của ngành Luật tại cuộc thi này).
Từ “Chiến thắng trận đầu” nói trên, Trương Hồng Quang tiếp tục lao vào nghiên cứu khoa học pháp lý với nhiều đề tài, nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, khi thì “Xây dựng mô hình cơ quan cạnh tranh mới tại Việt Nam hiện nay”, “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững trong các dự án đầu tư”, khi thì “Thực tiễn và phương hướng hoàn thiện quyền hiến định của công dân trong Hiến pháp 1992 (sửa đổ 2001) về tham gia quản lý nhà nước”, “Phân công quyền lực giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương tại Việt Nam hiện nay – Lịch sử, Lý luận và Thực tiễn” v.v... Hàng trăm bài báo cũng được Trương Hồng Quang thực hiện để lan tỏa rộng hơn những kết quả nghiên cứu từ các đề tài của mình và đồng nghiệp.
Ít ai biết rằng, hai cuốn sách tham khảo “Tìm hiểu một số vấn đề dưới góc độ pháp lý về đồng tính, song tính và chuyển giới” và “Người đồng tính, song tính, chuyển giới tại Việt Nam và vấn đề đổi mới hệ thống pháp luật” được dư luận rất quan tâm khi Quốc hội thảo luận về Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi thời gian vừa qua chính là của tác giả trẻ Trương Hồng Quang.
Dù đã tham khảo nhiều tài liệu về người đồng tính khi thực hiện các bài viết về vấn đề này nhưng tôi vẫn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi nghe Trương Hồng Quang phân tích về những vấn đề mà người đồng tính, song tính và chuyển giới phải đối mặt; cơ sở lý luận về quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới; một số khuyến nghị nhằm bảo đảm quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam thời gian tới…
Trong nhóm các nghiên cứu viên thế hệ 8x tại Viện Khoa học pháp lý, Trương Hồng Quang là người đầu tiên được giao đứng chủ nhiệm đề tài về vấn đề này. Trước và sau khi đề tài hoàn thành cũng là lúc những cuốn sách tham khảo hữu ích ra đời.
Cuốn sách “Người đồng tính, song tính, chuyển giới tại Việt Nam và vấn đề đổi mới hệ thống pháp luật” đã được Trung tâm Truyền thông Sáng tạo, Dịch vụ và Nghiên cứu về Tính dục (Thành phố Hồ Chí Minh) bình chọn là 1 trong 3 cuốn sách của năm 2014 về chủ đề đồng tính, song tính và chuyển giới. Những tài liệu “đi trước một bước” như thế của Viện Khoa học pháp lý rất hữu ích cho công tác tham mưu, xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp trong thời gian vừa qua.
Tôi lại nhớ tới lời giới thiệu của anh Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý về Trương Hồng Quang: “Cậu ấy rất khá! Nghe cậu ấy phân tích các vấn đề pháp lý về người đồng tính, bản thân những người làm công tác nghiên cứu khoa học như mình cũng thấy hiểu thêm nhiều điều”.
Theo nghề nhờ đam mê
Nếu có ai từng nghĩ rằng người làm công tác nghiên cứu khoa học thường trầm và ít hoài bão chắc sẽ phải nghĩ lại khi gặp và nói chuyện với Trương Hồng Quang. Dường như lửa nhiệt huyết với công tác nghiên cứu khoa học pháp lý trong người thanh niên này ngày càng được hun đúc dầy thêm.
Nói về cơ duyên đến với Viện Khoa học pháp lý, Trương Hồng Quang cho biết: “Em đến với Viện Khoa học pháp lý là nhờ sự dìu dắt của GS.TS Lê Hồng Hạnh”. Thì ra, ngay từ khi là sinh viên Đại học Luật Hà Nội, Quang không chỉ say mê nghiên cứu khoa học mà còn tích cực “sách cặp” đi giúp việc cho các Giáo sư, các Thầy trong và ngoài trường để tích lũy thêm kinh nghiệm.
Quý cái tính cần cù, ham học hỏi của Quang, GS. Lê Hồng Hạnh khi ấy là Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý đã bảo Quang về cộng tác với thầy. Sau một thời gian thử việc, năm 2010, Quang đã chính thức được nhận về Viện Khoa học pháp lý và “đóng chốt” ở đó từ đấy đến nay.
Khi được hỏi điều gì đã giúp Quang say mê với khoa học pháp lý như vậy, Quang không ngần ngại bộc bạch rằng: “Không ai có thể giúp mình tạo ra đam mê với công việc được. Muốn thành công trong bất cứ lĩnh vực nào, chỉ có cách là tự mình phải xác định cho mình một hướng đi đúng và dành hết tâm huyết cho con đường đã chọn”.
Ở Viện Khoa học pháp lý hôm nay, không chỉ có một mình Trương Hồng Quang, mà đang có rất nhiều các nghiên cứu viên thế hệ 7x, 8x đang ngày đêm miệt mài cống hiến với ngành, với nghề. Nhiều người trong số họ đã trưởng thành và trở thành trụ cột của Viện như TS. Nguyễn Văn Hiển (SN 1974), Viện trưởng; TS. Nguyễn Văn Cương (SN 1977), Phó Viện trưởng... Nhiều công trình nghiên cứu, nhiều đề tài khoa học của Viện Khoa học pháp lý đã thực sự đóng góp hữu ích vào quá trình phát triển của nền khoa học pháp lý nước nhà.