Nhiều băn khoăn về quyết toán ngân sách Nhà nước

Theo nhận định của đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Thanh Hoá, việc chi Ngân sách nhà nước cần phải xem xét lại. Hiện nay các chương trình mục tiêu quốc gia ngày càng tăng, nhưng trong báo cáo quyết toán ngân sách năm 2010 đánh giá có 12 chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2010 thì có đến 8 chương trình không đạt được mục tiêu đề ra và nói chung hầu hết các chương trình "có vấn đề" về mặt hiệu quả.

Mặc dù đã được thảo luận tại tổ, nhưng sáng nay, trong buổi thảo luận tại Hội trường, các đại biểu vẫn bày tỏ nhiều ý kiến xung quanh việc quyết toán ngân sách 2010.

Thu ngân sách năm 2010 vượt 27,4% so với dự toán. Song thu nhập thực tế của dân cư không tăng.
Thu ngân sách năm 2010 vượt 27,4% so với dự toán. Song thu nhập thực tế của dân cư không tăng.
Đại biểu Bùi Đức Thụ - Lai Châu rất bức xúc khi cho rằng có rất nhiều vấn đề cần phải xem xét lại qua quyết toán ngân sách Nhà nước. Vấn đề thứ nhất theo ông là quyết toán chi ngân sách Nhà nước năm 2010 không hoàn toàn là số thực chi ngân sách Nhà nước. Trong 850.000 tỷ quyết toán có 202.000 tỷ là số mà chưa đủ điều kiện quyết toán, như thế số tạm ứng và chưa chi là số chuyển nguồn sang năm sau. 
Ông Thụ cũng cho rằng bản báo cáo thể hiện việc quản lý điều hành ngân sách Nhà nước năm 2010 có nhiều tiến bộ nhưng cũng bộc lộ nhiều vấn đề bất cập: “Năm 2010 bội chi ngân sách Nhà nước 109.000 tỷ nhưng nhu cầu đầu tư rất lớn, nhu cầu chi tiêu rất lớn, nhưng điều hành ngân sách chi không hết phải chuyển nguồn sang năm sau đến 202.000 tỷ, tôi cho điều đó là điều hết sức không bình thường, đối với ngân sách địa phương phải vay 8.000 tỷ theo Khoản 3, Điều 8 nhưng chuyển nguồn đến 88.000 tỷ và đặc biệt kết dư trên 45.600 tỷ, điều này cũng là điều không bình thường ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của điều hành ngân sách”.
Đại biểu Bùi Đức Thụ cũng chỉ ra một loạt những điều theo ông “có vấn đề” khác như: Chính phủ có nhiều khoản thu, chi sai lệch khá lớn với Nghị quyết của Quốc hội, có những khoản thu đã vượt hơn 2 lần ví dụ các khoản thu về đất, có những khoản chi vượt rất lớn so với dự toán. Ví dụ chi đầu tư xây dựng cơ bản đã tăng 45,6% so với dự toán. 
Theo nhận định của đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Thanh Hoá, việc chi Ngân sách nhà nước cân phải xem xét lại. Hiện nay các chương trình mục tiêu quốc gia ngày càng tăng, nhưng trong báo cáo quyết toán ngân sách năm 2010 đánh giá có 12 chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2010 thì có đến 8 chương trình không đạt được mục tiêu đề ra và nói chung hầu hết các chương trình "có vấn đề" về mặt hiệu quả.
“Chúng tôi thấy rằng Chính phủ nên đánh giá lại và quyết toán đánh giá như thế nào về 12 chương trình mục tiêu quốc gia này, chúng ta có đạt được mục tiêu đặt ra đúng theo lộ trình hay không. Chúng ta nghĩ rằng đã gọi là chương trình mục tiêu quốc gia thì chương trình mục tiêu quốc gia đó nó phải có mục tiêu, nó phải có thời gian, nó có lộ trình, không thể chương trình mục tiêu quốc gia kéo hết giai đoạn này đến giai đoạn khác, kéo qua năm này qua năm khác, hiệu quả như thế nào, kết quả đến đâu, đạt được bao nhiều phần trăm của mục tiêu đó chúng ta không đề ra được”, ông nói. 
Đồng quan điểm lo lắng về hiệu quả của việc chi Ngân sách, đại biểu Nguyễn Hữu Đức - Bình Định tỏ ra thất vọng khi nhận thấy trong báo cáo kinh tế tăng trưởng, nhưng chủ yếu bỏ ra nhiều vốn. Tỷ lệ lạm phát tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thu ngân sách năm 2010 vượt 27,4% so với dự toán. Song thu nhập thực tế của dân cư không tăng. Tính bền vững của nguồn thu ngân sách chưa cao. 
“Vậy thì kết quả tăng trưởng đó cần đánh giá thực chất. Có lẽ cần rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng dự toán ngân sách hàng năm. Phân tích dự báo một cách toàn diện hơn, đầy đủ hơn những yếu tố tác động đến nguồn thu ngân sách, đặc biệt là giá cả một số mặt hàng trên thế giới để số vượt thu phản ánh đúng thực chất từ tăng trưởng nội tại của nền kinh tế không phải do dự báo chưa sát tình hình”, ông Đức nói.
“Nghịch lý xảy ra ở một số địa phương không nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương nhưng lại kết dư lớn. Thậm chí lớn hơn nhiều số bổ sung từ cân đối ngân sách Trung ương. Năm 2010 kết dư ngân sách địa phương tăng gần 7.200 tỷ đồng so với 2009”, đại biểu Đức nhận định thêm và đặt câu hỏi: “Vậy thì hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước được đánh giá thực chất thế nào. Nguồn lực bỏ ra nhiều trong khi hiệu quả chưa cao và ở đây trách nhiệm thế nào?”.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đức cũng tỏ ý lo ngại về tính xác thực của bức tranh ngân sách khi chưa có số liệu tổng hợp chính thức về nợ đọng xây dựng cơ bản đến cuối năm 2010 và các giải pháp xử lý, chưa nói đến thời điểm hiện nay. 
Vân Tùng

Đọc thêm