Nhiều công trình nước sạch ở Krông Pa chưa phát huy hiệu quả

Từ năm 2005 đến nay, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai được các dự án, chương trình của Nhà nước đầu tư hơn 16 tỷ đồng để xây dựng các công trình nước sạch cho người dân. Thế nhưng, hầu hết các công trình đều không phát huy hiệu quả.

Từ năm 2005 đến nay, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai được các dự án, chương trình của Nhà nước đầu tư hơn 16 tỷ đồng để xây dựng các công trình nước sạch cho người dân. Thế nhưng, hầu hết các công trình đều không phát huy hiệu quả.

Vòi nước ở xã Phú Cần  không còn bơm được nữa
Vòi nước ở xã Phú Cần không còn bơm được.

Năm 2008, buôn Tang, xã Phú Cần được Nhà nước đầu tư hơn 666 triệu đồng từ chương trình 134 để xây dựng công trình nước sạch cho 146 hộ hưởng lợi. Thế nhưng công trình chỉ mới đưa vào vận hành khai thác chưa đầy 6 tháng đã bị hư hỏng.

Vốn là vùng đất khát, nên người dân trong thôn đã tự vận động đóng góp hơn 10 triệu đồng để sửa chữa những phần hư hỏng như đường ống dẫn, máy bơm, vòi chảy…. Nhưng cũng chỉ được hơn ba tháng sau, hệ thống lại tiếp tục hỏng do trâu bò dẫm đường ống, một số người dân chưa ý thức tốt việc bảo quản công trình. Từ đó đến nay, công trình nước sạch với bể chứa, máy bơm bị rỉ sét; hệ thống lọc nước bị đập vỡ tứ tung; giếng nước để hoang, cỏ mọc um tùm. Dù đã có công trình nước sạch ngay giữa buôn, nhưng người dân lại trở về với thói quen dùng nguồn nước sông Ba.

Ông Rơ Lah Khan, buôn Tang, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, cho biết: “Từ khi Nhà nước cho làm nước sạch, ở đây chỉ dùng có mấy tháng bị hư rồi người dân góp tiền sửa lại. Sửa lại làng dùng tiếp, dùng chỉ được mấy tháng là bị hư đầu bơm dân đâu có dùng được. Từ đấy đến nay không có tiền sửa, dân không được dùng nước sạch nữa  ”

Tháp nước được đầu tư 666 triệu đồng nhưng nhân dân vẫn phải dùng nước suối
Tháp nước được đầu tư 666 triệu đồng nhưng nhân dân vẫn phải dùng nước suối

Xã Ia Rsai, huyện Krông Pa cũng là địa phương được đầu tư 4 công trình với số tiền gần 1 tỷ 100 triệu đồng cấp nước sạch cho 251 hộ gia đình. Từ nhiều năm trước, do chưa có nguồn nước sạch sử dụng, nên khi có hệ thống nước sạch hầu hết người dân rất phấn khởi. Thế nhưng, niềm vui ấy chưa được bao lâu thì phát sinh hàng loạt bất cập.

Ông Ngô Tiến Hưng, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, khẳng định: “Qua những năm thực hiện vừa rồi, chúng tôi thấy các công trình nước sạch bước đầu đã mang lại niềm vui, phấn khởi cho người dân sử dụng. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng thì nó phát sinh ra một số bất cập như người quản lý, vận hành thì không có chuyên môn, địa bàn rộng mà đường ống mạng chưa được phủ kín. Do vậy, nhiều hộ dân ở gần thì được sử dụng, còn những hộ dân ở xa hơn thì không có đường ống chính qua thì không thể kéo nước vào được”

Theo báo cáo của Ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản huyện Krông Pa thì giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2008, toàn huyện được đầu tư hơn 13 tỷ 300 triệu đồng. Riêng năm 2012 này, địa phương tiếp tục được đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng hệ thống nước sạch dẫn từ hồ chứa Ia Mlah về thị trấn Phú Túc.

Địa phương này đã triển khai xây dựng và hoàn thiện 34 công trình nước sạch với đầy đủ các phương tiện thiết yếu như giếng khoan, đường ống dẫn chính, hệ thống vòi chảy, bể lắng, lọc và bể chứa cho 3.200 hộ gia đình thụ hưởng. Thế nhưng hầu hết các công trình mới sử dụng chưa đầy một năm đã bị xuống cấp, hư hỏng. Một số công trình còn sử dụng được thì người dân không đóng tiền điện để bơm nước.

Lý giải vì sao các công trình được đầu tư với số tiền lớn nhưng không phát huy được hiệu quả, ông Đào Mạnh Thắng, Trưởng Ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, nói: “Người dân mình phong tục tập quán trước đây là hay sử dụng nước sông, nước suối. Thứ hai là người dân còn nghèo, mà toàn bộ hệ thống giếng khoan là phải sử dụng điện để bơm, công tác quản lý thu tiền điện nhà thì đóng, nhà thì không. Do vậy việc sử dụng hệ thống nước sinh hoạt hệ thống giếng khoan chưa được thường xuyên.

Một lý do nữa là nguồn vốn cho công tác duy tu, bảo dưỡng thì huyện nghèo không có điều kiện thường xuyên cấp kinh phí xuống cho xã. Là người trực tiếp hưởng lợi thì người dân phải bỏ tiền ra mà sử dụng nguồn nước sạch”

Còn ông Hồ Mậu Long, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai cho rằng: Việc xây dựng các công trình nước sạch để người dân được sử dụng là điều hết sức cần thiết. Vì hiện nay nguồn nước nổi ở huyện Krông Pa đang ngày một cạn kiệt. Mặt khác, nước sông, suối lại bị ô nhiễm, nếu người dân sử dụng sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Do vậy, để khuyến khích người dân sử dụng nguồn nước sạch mà Nhà nước đã đầu tư hàng tỷ đồng này thì cần có sự đồng tình của người dân.

Ông Hồ Mậu Long nhấn mạnh: “Giải pháp để có hiệu quả thì trước hết phải được người dân đồng tình ủng hộ sử dụng nguồn nước này. Chứ phần lớn các công trình cấp nước tập trung hiện nay hiệu quả còn thấp lắm. Bởi vì khi xây dựng và vận hành một thời gian đầu thì rất tốt. Nhưng sau đấy thì không tốt nữa. Người quản lý các công trình nước sạch về trình độ nghiệp vụ còn hạn chế, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số. Thứ hai nữa là người dân thường ỷ lại vào Nhà nước. Cho nên  việc đóng góp kinh phí duy tu, bảo dưỡng rất  hạn chế.

Không chỉ ở huyện Krông Pa, Gia Lai mới có sự lãng phí, mà ở rất nhiều huyện nghèo trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đều có thực tế này . Để phát huy hiệu quả từ các chương trình này thì chính quyền và nhân dân nơi đây phải có một kế hoạch sử dụng và bảo vệ thật đồng bộ để tiền đầu tư của nhà nước không trở nên lãng phí. 

Ngọc Anh

Đọc thêm