Nhiều địa phương vướng mắc trong khai sinh điện tử

(PLVN) - Qua theo dõi của Bộ Tư pháp và phản ánh từ các địa phương, việc tiếp nhận số định danh cá nhân cho các dữ liệu khai sinh được cập nhật vào Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử đã phát sinh một số vướng mắc, khiến nhiều địa phương vẫn phải cấp Giấy khai sinh chưa có số định danh cá nhân.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Gây khó khăn cho cơ quan tư pháp địa phương

Trước đó, từ ngày 01/7/2021, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Bộ Công an chính thức đưa vào vận hành nên việc kết nối với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch để cấp sổ định danh cá nhân đã được thực hiện theo mô hình mới, thông qua Trục NGSP của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Qua theo dõi của Bộ Tư pháp và phản ánh từ các địa phương, việc tiếp nhận số định danh cá nhân cho các dữ liệu khai sinh được cập nhật vào Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử đã phát sinh một số vướng mắc, gây khó khăn không nhỏ cho các Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã trên toàn quốc.

Cụ thể, theo Bộ Tư pháp, khi thực hiện đăng ký khai sinh, nhiều trường hợp do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa trả ngay số định danh cá nhân cho công dân theo quy định, thậm chí Cơ quan đăng ký hộ tịch phải chờ sau nhiều ngày mới nhận được số định danh cá nhân. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho trẻ em, các địa phương đã thực hiện việc cấp Giấy khai sinh chưa có số định danh cá nhân (Giấy khai sinh này vẫn được xem là hợp lệ) cho công dân.

Ngoài ra, từ ngày 01/7/2021 đến nay, Bộ Công an tạm thời chưa tiếp nhận các thông tin điều chỉnh dữ liệu khai sinh trên Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử (do chỉnh sửa sai sót hoặc do thực hiện thủ tục thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc...) để cập nhật, đồng bộ vào thông tin công dân tương ứng trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, trong thực tiễn xảy ra tình trạng sai lệch thông tin giữa thông tin khai sinh và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ Tư pháp hướng dẫn gỡ vướng

Trước thực trạng nêu trên, để việc nhập dữ liệu đăng ký khai sinh vào Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và tiếp nhận số định danh cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thuận lợi, hạn chế các vướng mắc phát sinh, ngày 13/9/2021, Bộ Tư pháp ban hành văn bản gửi Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn xử lý một số vướng mắc trong tiếp nhận số ĐDCN khi cập nhật dữ liệu khai sinh vào Phần mềm ĐKKS điện tử.

3160/BTP-CNTT Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp chỉ đạo công chức tư pháp-hộ tịch tăng cường rà soát, kiểm tra các trường hợp khai sinh đủ điều kiện được cấp số định danh cá nhân đã được nhập vào phần mềm, đảm bảo dữ liệu được nhập là chính xác so với Sổ, hồ sơ đăng ký khai sinh và thực hiện gửi yêu cầu cấp số định danh cá nhân.

Trường hợp có vướng mắc khi tiếp nhận số định danh cá nhân thì thực hiện như sau: Đối với các trường hợp đủ điều kiện cấp số định danh cá nhân nhưng phần mềm thông báo trạng thái “Đã có lỗi”, đề nghị công chức tư pháp-hộ tịch xem chi tiết lỗi và thực hiện theo Hướng dẫn xử lý lỗi tại phần Phụ lục được Bộ Tư pháp gửi kèm theo Công văn này.

Đối với các dữ liệu khai sinh đủ điều kiện được cấp số định danh cá nhân nhưng phần mềm thông báo trạng thái “Chờ BCA cấp Số ĐDCN” trong thời gian dài (từ 24 giờ trở lên) vẫn chưa được cấp số định danh cá nhân, đề nghị công chức tư pháp-hộ tịch liên hệ với Bộ phận hỗ trợ phần mềm hộ tịch của Bộ Tư pháp để được hỗ trợ (gửi lại yêu cầu cấp số);

Trường hợp nếu việc đăng ký khai sinh của công dân là hợp lệ nhưng dữ liệu khai sinh chưa thể “Hoàn thành” do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa trả về số định danh cá nhân, đề nghị công chức tư pháp-hộ tịch vẫn thực hiện in Giấy khai sinh từ Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và trả Giấy khai sinh (chưa có số định danh cá nhân) cho công dân. Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trả về số định danh cá nhân, công chức tư pháp-hộ tịch thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Công văn số 4756/BTP-HTQTCT ngày 18/12/2020.

Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp các địa phương chỉ đạo các Phòng Tư pháp cấp huyện tăng cường rà soát, kiểm tra các dữ liệu đăng ký khai sinh đã được các UBND cấp xã trên địa bàn nhập vào Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử, đôn đốc các UBND cấp xã kịp thời cập nhật, hoàn thành các dữ liệu đã được nhập vào phần mềm, không để các dữ liệu ở tình trạng “Lưu nháp”, “Đã có lỗi”, “Từ chối hủy”, gây khó khăn cho công tác thống kê dữ liệu.

Đồng thời Sở Tư pháp địa phương trao đổi với Công an tỉnh/thành phố, quán triệt cơ quan có thẩm quyền đăng ký cư trú khi tiếp nhận thông tin đăng ký cư trú của công dân, nếu thấy có sai lệch thông tin giữa Giấy khai sinh và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cần trao đổi ngay với công chức tư pháp-hộ tịch để xác minh, nếu thông tin trong Giấy khai sinh là đúng thì cần kịp thời cập nhật thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho phù hợp với thông tin khai sinh theo đúng quy định tại Khoản 2 Điều 60 của Luật Hộ tịch.

Bộ Tư pháp cũng lưu ý, Giấy khai sinh (chưa có số định danh cá nhân) được cấp cho các trường hợp được nêu trên là do lỗi của hệ thống, thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, Giấy khai sinh được cấp vẫn là hợp lệ nên Sở Tư pháp cần trao đổi thống nhất với Cơ quan công an và Cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh/thành phố để các Cơ quan này có chỉ đạo tiếp nhận và giải quyết yêu cầu đăng ký cư trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi theo đúng quy định, không được từ chối với lý do “không có số định danh cá nhân”.

Đối với các trường hợp này, sau khi tiếp nhận và ghi số định danh cá nhân vào Sổ đăng ký khai sinh, đề nghị Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã nơi đã thực hiện đăng ký khai sinh gửi thông báo về việc đã ghi số định danh cá nhân vào thông tin khai sinh để Cơ quan đăng ký cư trú và Cơ quan bảo hiểm xã hội biết và cập nhật vào các hệ thống phần mềm có liên quan.

Đọc thêm