Nhiều “điểm nhấn” của Tư pháp địa phương năm nay

 Chỉ ít ngày sau khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chương trình công tác của Ngành Tư pháp năm 2011, trên cơ sở phương hướng công tác năm “hoạch định” từ trước đó, các địa phương khẩn trương triển khai công việc của một năm mới..

Chỉ ít ngày sau khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chương trình công tác của Ngành Tư pháp năm 2011, trên cơ sở phương hướng công tác năm được “hoạch định” từ trước đó, các địa phương khẩn trương triển khai công việc của một năm mới..

Tiếp tục kiện toàn bộ máy

Những năm qua, tổ chức bộ máy ngành Tư pháp không ngừng lớn mạnh, tuy nhiên trước đòi hỏi từ thực tiễn, tư pháp phải tiếp tục vươn lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng lớn. Đây là một trong những vấn đề được đề cập sâu trong chương trình công tác của ngành Tư pháp và được Tư pháp địa phương rất coi trọng.

Chủ động ban hành chương trình công tác từ rất sớm, ngành Tư pháp Thanh Hóa xác định: Năm 2011 tiếp tục kiện toàn tổ chức, sắp xếp, bổ sung cán bộ các phòng, đơn vị, nhất là các phòng hoặc được bổ sung thêm nhiệm vụ mới; xây dựng trình UBND tỉnh Đề án về "Các giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả công tác xã, phường, thị trấn trong tỉnh". Ngoài ra, Thanh Hóa còn xác định đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp, trong đó chú trọng đội ngũ cán bộ tư pháp cấp huyện, cấp xã.

Bắc Kạn, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Hà Giang....mặc dù là những tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian gần đây công tác kiện toàn tổ chức bộ máy ngành Tư pháp cũng đã được đẩy mạnh một bước. Năm 2011 nhiều tỉnh miền núi tập trung cao độ cho việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp, đặc biệt cán bộ tư pháp xấp xã. Nhiều nơi tỷ lệ cán bộ tư pháp pháp xã đã đạt tới 80-90% có bằng trung cấp luật. Một thuận lợi lớn là với sự ra đời của một số trường Trung cấp Luật trong thời gian qua và sắp tới đây sẽ giúp nhiều cho các địa phương trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Thi hành án dân sự: Chuyển biến bền vững

Tại hội nghị tổng kết công tác Thi hành án dân sự (THADS) toàn quốc, Tổng cục THA đánh giá: Kết quả công tác năm 2010 toàn ngành cao những chưa thực sự “bền vững”. Vì lý do này, năm 2011, Bộ Tư pháp xác định THADS phải “chuyển biến bền vững”

Năm 2010, vượt chỉ tiêu cả về số việc, tiền và giảm án tồn đọng, năm 2011 Cục THA Hà Nội đã đề ra mục tiêu: phấn đấu thi hành xong đạt 85% về việc và 65% về tiền trên số có điều kiện thi hành, giảm từ 5-10% án tồn đọng. Một mặt đưa ra những con số nêu trên nhưng Hà Nội luôn khuyến khích cán bộ trong ngành nỗ lực để vượt chỉ tiêu, một mặt đặc biệt chú trọng chất lượng án, giảm đến mức thấp nhất khiếu nại.

Tương tự là Quảng Ngãi  năm 2010, các cơ quan THADS trên toàn tỉnh đã thi hành xong 3.078 việc, đạt tỷ lệ 89%; số tiền thu được là 25,455 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 69%, vượt 04% chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao nhưng trong năm mới, Quảng Ngãi chỉ đạo vẫn quyết liệt đeo bám, phân loại, xác minh để tiếp tục hạ tỷ lệ án tồn đọng đến mức tối đa.

Chưa bao giờ, công tác THADS được quan tâm trên tất cả mọi phương diện như hiện nay, trên cơ sở những kết quả đạt được năm 2010, chắc chắn năm 2011 THA sẽ có nhiều khởi sắc mới.

Nâng cao chất lượng công tác văn bản

Xác định, công tác xây dựng, thẩm định, rà soát, kiểm tra... văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, các địa phương đã xây dựng kế hoạch chi tiết cho nội dung công việc này.

Tại Hải Dương, Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Đức Tài cho biết: Năm 2011, Tư pháp sẽ phối hợp với Văn phòng UBND cùng cấp lập dự kiến chương trình xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của năm trình UBND phê duyệt; tiếp tục thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về việc tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; triển khai sơ kết việc thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL và tổng kết thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Giám đốc Tài cũng cho hay, “điểm nhấn trong công tác này năm nay là tạo chuyển biến mạnh mẽ về tiến độ và chất lượng thẩm định văn bản QPPL; tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương…”

Còn ở Bắc Giang, năm nay ngoài việc tiếp tục nâng cao chất lượng, bảo đảm đúng tiến độ thời gian trong việc soạn thảo, tham gia soạn thảo, thẩm định, đóng góp ý kiến vào các dự án Luật, dự thảo văn bản QPPL của các cấp, các ngành còn phấn đấu “đảm bảo 100% văn bản QPPL của HĐND và UBND trước khi ban hành đều được ngành Tư pháp thẩm định nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, khả thi của văn bản  QPPL”.

Năm 2011, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, bám sát chương trình công tác của ngành, tư pháp địa phương đang nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

PVNC

Đọc thêm