Số việc phải tổ chức cưỡng chế ít
Gần đây, theo phản ánh của nhiều địa phương, việc giao tài sản đã bán đấu giá thành cho người trúng đấu giá hết sức khó khăn, dẫn đến người mua được tài sản gửi đơn khiếu nại, tố cáo chấp hành viên và các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) càng gia tăng. Đây là tình trạng chung của nhiều địa phương, trong đó có Vĩnh Phúc.
Cục THADS tỉnh Vĩnh Phúc chỉ ra một số nguyên nhân của việc khó giao tài sản cho người trúng đấu giá, trong đó do ý thức chấp hành pháp luật của người phải THA (người có tài sản) hạn chế, mặc dù quá trình kê biên, thẩm định, bán đấu giá tài sản được tiến hành đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định xong người có tài sản vẫn không tự nguyện bàn giao tài sản, thậm chí có những hành vi chống đối, ngăn cản hoạt động THA. Một số vụ việc đương sự gửi đơn thư khiếu nại gửi đến nhiều cơ quan.
Đối với những việc đương sự cố tình chống đối không tự nguyện giao tài sản và phải tổ chức cưỡng chế thì công tác phối hợp của các cơ quan liên quan đặc biệt là cơ quan công an trong việc xây dựng phương án bảo vệ cưỡng chế có lúc, có việc chưa kịp thời và hiệu quả, dẫn đến nhiều vụ việc kéo dài không giao được tài sản cho người trúng đấu giá.
Bên cạnh đó, vai trò của lãnh đạo của một cơ quan THADS trong tỉnh trong việc tham mưu cho Trưởng ban Chỉ đạo THADS cùng cấp để chỉ đạo những vụ việc khó khăn, phức tạp có lúc, có việc còn chưa kịp thời; ý thức trách nhiệm của một số chấp hành viên trực tiếp tổ chức thi hành vụ việc chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm dẫn đến một số vụ việc chậm giao tài sản.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của hoạt động giao tài sản bán đấu giá thành và làm rõ nguyên nhân, vướng mắc, tồn tại, trong thời gian vừa qua, Cục THADS tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ các biện pháp để khắc phục tình trạng chậm giao tài sản cho người trúng đấu giá, đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Cụ thể: trong năm 2017 đã giao được 57 việc = 74,2 tỷ đồng/70 việc = 89,5 tỷ đồng bán đấu giá thành (chuyển sang năm 2018 là 13 việc = 15,3 tỷ). Đáng chú ý, trong số 57 việc đã giao tài sản, các cơ quan THADS tỉnh Vĩnh Phúc chỉ phải tổ chức cưỡng chế 10 việc; một số vụ việc bán đấu giá thành kéo dài chưa giao được, người mua được tài sản có nhiều đơn thư khiếu nại đã được giải quyết dứt điểm.
Tăng cường vận động người có tài sản tự nguyện giao tài sản
Một trong những giải pháp được Vĩnh Phúc thực hiện hiệu quả là đối với những vụ việc mới bán đấu giá thành và người mua trúng đấu nộp đủ tiền thì chấp hành viên kịp thời phối hợp với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong công tác giáo dục thuyết phục, vận động người có tài sản đấu giá tự nguyện giao tài sản theo quy định của pháp luật.
Đối với những việc đã bán đấu giá thành có nhiều khó khăn, phức tạp đương sự cố tình chống đối không tự nguyện giao tài sản thì các cơ quan THADS kịp thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo THADS cùng cấp để họp và chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với cơ quan THA đặc biệt là cơ quan công an để tiến hành cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá.
Cùng đó, Lãnh đạo Cục THADS tỉnh thường xuyên kiểm tra và kịp thời chỉ đạo đối với những vụ việc đã bán đấu giá thành nhưng quá thời hạn chưa giao được, đồng thời chỉ đạo các đơn vị và các chấp hành viên thực hiện rà soát, phân loại, lập danh sách các việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá. Đối với những vụ việc khó khăn, phức tạp phải tổ chức cưỡng chế, nếu thuộc thẩm quyền của tỉnh thì phối hợp với các cơ quan liên quan phối hợp giải quyết.
Từ thực tiễn và kinh nghiệm trong công tác giao tài sản đã bán đấu giá thành trên địa bàn, Cục THADS Vĩnh Phúc chỉ rõ, các cơ quan THADS trong tỉnh phải kịp thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo THADS cùng cấp để chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp với cơ quan THADS đặc biệt là chính quyền cơ sở trong công tác vận động, giáo dục, thuyết phục người phải THA, người có tài sản tự nguyện giao tài sản.
Đối với những vụ việc phải tổ chức cưỡng chế chấp hành viên phải thực hiện chặt chẽ các thủ tục trong quá trình cưỡng chế, như thực hiện đầy đủ các bước chuẩn bị trước khi cưỡng chế, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện cưỡng chế.
Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo Cục, lãnh đạo Chi cục, thường xuyên kiểm tra để kịp thời chỉ đạo chấp hành viên rà soát những vụ việc đã bán đấu giá thành nhưng chưa giao được, đặc biệt là những vụ tồn đọng kéo dài, từ đó xây dựng kế hoạch chi tiết, đề ra các giải pháp cụ thể để giải quyết có hiệu quả; xử lý nghiêm những cán bộ, chấp hành viên có hành vi nhũng nhiễu, cố tình kéo dài thời gian THA, không xử lý tài sản theo đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng các hình thức và nội dung trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về THADS phù hợp với địa phương để người phải THA, người có tài sản chấp hành các quy định của pháp luật.