Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp
Thay vì mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 20% (đối với DN có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng) như hiện hành, mức thuế suất này sẽ giảm xuống 17%/năm, áp dung cho cả các hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp hoạt động SXKD hàng hoá, dịch vụ có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng, thời hạn áp dụng thuế suất này bắt đầu từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/12/2020.Mức thuế suất và thời hạn áp dụng này cũng được áp dụng với DN khởi nghiệp.
Ngoài ra, DN có lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư (trừ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản) được bù trừ với lỗ từ hoạt động SXKD (trừ hoạt động SXKD doanh đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN của DN) kể từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/12/2020.
Đặc biệt, thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số, một số dịch vụ phần mềm quan trọng từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/12/2020 sẽ được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Mức thuế suất 10% này cũng áp dụng với rhu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ thuộc sở hữu Nhà nước đã bán cho người đang thuê, bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sụp đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng để bán, cho thuê, cho thuê mua theo quy định của Luật Nhà ở, thời gian áp dụng từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/12/2020.
Giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với nhân lực công nghệ cao
Để khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân là nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin thuộc lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản kể từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/12/2020.
Xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, sẽ xóa nợ tiền chậm nộp thuế đối với DN cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn NSNN hoặc có nguồn chi từ NSNN nhưng chưa được Nhà nước thanh toán.
Đối với DN, tổ chức thực tế đã giải thể, phá sản hoặc bỏ kinh doanh trước ngày 01/01/2014, Bộ Tài chính đề xuất xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; đối với DN, tổ chức thực tế đã giải thể, phá sản hoặc bỏ kinh doanh trong giai đoạn từ 01/01/2014 đến 31/12/2015 sẽ khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Ngoài ra, xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh trước ngày 01/01/2014 và khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh trong giai đoạn từ ngày 01/01/2014 đến ngày 31/12/2015.
Nghị định sửa đổi nhiều nghị định
Cùng với Dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của DN, ông Liêm cho biết, Bộ Tài chính cũng đã hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế (Nghị định 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN; Nghị định 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN; và Nghị định 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT).
Dự kiến Dự thảo Nghị định sẽ được trình Chính phủ trong quý IV/2016.
* Chia sẻ với cộng đồng DN về những điểm mới đáng lưu ý về các luật thuế mới, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, ngày 06/4/2016, Quốc hội Khoá XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế (Luật số 106/2016/QH13). Trong đó, Luật Thuế TTĐB được sửa đổi trên cả 3 trục căn bản là: Phạm vi, đối tượng chịu thuế hay danh mục hàng hóa, dịch vụ chịu thuế; Giá làm cơ sở, căn cứ tính thuế (giá tính thuế); Mức thuế suất.
Những nội dung mới được sửa đổi thể hiện các thông điệp chính sách lớn: Đảo đảm nguồn thu của ngân sách nhà nước hợp lý, thực hiện thu đúng, thu đủ từ bản chất kinh tế của loại thuế này; Đảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản công tác quản lý thuế, tăng tính khả thi trong tuân thủ; Bảo vệ DN một cách hợp pháp, nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu trong bối cảnh hội nhập...
* Bà Đào Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Thu thuế XNK (Tổng cục Hải quan) khẳng định, thời gian qua, các quy định pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cơ bản đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động XNK và hoạt động của cơ quan hải quan khi thực thi quy định của pháp luật. Pháp luật thuế đối với hàng hóa XNK góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu, hỗ trợ dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời, bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc đối với một số nhóm mặt hàng, ngành nghề phù hợp với tiến trình hội nhập và định hướng phát triển của Nhà nước giai đoạn 2005 - 2015. Nhờ đó, tỷ trọng số thu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong tổng thu NSNN ngày càng tăng, góp phần điều chỉnh cơ cấu thu NSNN theo hướng bền vững và phát huy vai trò quản lý của Nhà nước trong chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế.
Bà Hương cũng cho biết, trong thời gian tới, với việc Luật thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2016, được đánh giá tạo đà cho hoạt động XNK tăng trưởng mạnh mẽ và mang đến nhiều cơ hội thuận lợi đối với DN trong lĩnh vực này...