Nhiều hiện vật ở Hà Nam, Nam Định được công nhận bảo vật quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30/1/2023 công nhận 27 bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022). Trong đó, có 2 bảo vật được lưu giữ tại Hà Nam và 1 bảo vật được lưu giữ tại Nam Định. 

Cụ thể, tỉnh Hà Nam có 2 bảo vật quốc gia gồm: Bia chùa Giàu (Ngô gia thị bi), niên đại: Năm Bính Ngọ (1366), niên hiệu Đại Trị thứ 9; hiện lưu giữ tại chùa Giàu, xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý và Trống đồng Tiên Nội I, niên đại: Văn hoá Đông Sơn (khoảng thế kỷ IV - III trước Công nguyên); hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam.

Trống đồng Tiên Nội I đang ở trong tình trạng khá tốt, có hình dáng cân đối, đề tài trang trí độc đáo. Trống có chiều cao gần 53cm, đường kính đáy là 69cm, đường kính mặt là 68,2cm, được phân biệt thành các bộ phận rõ ràng, bao gồm mặt trống và thân trống, trong đó, thân trống gồm các bộ phận như: tang, quai, lưng và chân trống.

Cũng giống như phần lớn các trống đồng loại Heger I được phát hiện ở Việt Nam, Trống đồng Tiên Nội I được trang trí nhiều băng hoa văn với nhiều mô típ. Chủ đề trang trí là hoa văn kỷ hà (hoa văn tam giác, chữ V, hình tròn tiếp tuyến, đường tròn đồng tâm, hồi văn, các đoạn thẳng song song, các đoạn thẳng chéo nhau song song) và tả thực (các băng trang trí động vật như chim, cá, bồ nông và con người). Tuy nhiên, phong cách trang trí trên mặt Trống đồng Tiên Nội I ở vành hoa văn số 7 lại thể hiện tính độc đáo khi lần đầu tiên được ghi nhận trên một trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam.

Trống đồng Tiên Nội I hiện được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam.

Trống đồng Tiên Nội I hiện được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam.

Bia chùa Giàu từng bị vỡ làm 3 mảnh, sau đó đã được chắp lại bằng xi măng, trông khá nguyên vẹn. Bia cao 95cm, rộng 58cm, dày 12cm. Mặt trước bia có phần trán cao 13cm chạm một đôi rồng chầu vào bốn chữ viết thảo thành hai hàng dọc và hai hàng ngang (mỗi hàng hai chữ) là Đại Phúc Thông Minh (tôn quý có phúc lớn, sáng sủa, minh bạch). Theo các nhà nghiên cứu, kiểu bố cục này phổ biến trên nhiều bia thời Lý và thời Trần.

Trong lòng bia là bức phù điêu chạm khắc một người ngồi ngai rồng, hai tay cầm hốt, đầu đội mũ bình thiên, mặc áo như kiểu long bào, phía sau đầu toả vòng hào quang, toàn thể ở trên một toà sen. Từ hình ảnh này, các nhà nghiên cứu đều thống nhất đây là hình ảnh vua Trần Nhân Tông – nhằm lưu lại sự kiện vua Trần Nhân Tông đã từng ngự giá về đây. Đây cũng là hình ảnh vua Việt Nam sớm nhất hiện nay được biết đến, là hình mẫu cho việc tạo tác các tượng vua và Ngọc Hoàng về sau này.

Cán bộ Bảo tàng Hà Nam thực hiện công tác rập hoa văn trên bia đá chùa Giàu.

Cán bộ Bảo tàng Hà Nam thực hiện công tác rập hoa văn trên bia đá chùa Giàu.

Bia chùa Giàu là một tấm bia quý vì mang cả giá trị thư tịch và nghệ thuật độc đáo. Cho đến nay chưa phát hiện được tấm bia nào có hình thức trang trí như tấm bia chùa Giàu. Vì vậy, đây là tấm bia duy nhất được phát hiện trên đất Hà Nam có giá trị nghiên cứu nhiều vấn đề về lịch sử, văn hóa thời Trần.

Tỉnh Nam Định có bộ 3 pho tượng Trúc Lâm Tam Tổ, được thờ tại chùa Phổ Minh, thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần và chùa Phổ Minh (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định). Đây cũng là hiện vật thứ 5 của tỉnh Nam Định được công nhận bảo vật quốc gia.

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn với tư thế nằm nghiêng trong bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ được thờ tại chùa Phổ Minh. (Ảnh: Trần Khánh)

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn với tư thế nằm nghiêng trong bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ được thờ tại chùa Phổ Minh. (Ảnh: Trần Khánh)

Bộ tượng có niên đại từ thế kỷ XVII, hiện trạng còn nguyên vẹn, được tạo tác bằng chất liệu gỗ, sơn son, thếp vàng, khắc họa 3 vị Tổ của thiền phái Trúc Lâm gồm: Đệ nhất Tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông, Đệ nhị Tổ Pháp Loa và Đệ tam Tổ Huyền Quang. Mỗi pho tượng có trọng lượng khoảng 150kg.

Tượng Pháp Loa - Đệ Nhị Tổ Trúc lâm (bên trái) và tượng Huyền Quang - Đệ Tam Tổ Trúc lâm (bên phải) được thờ tại chùa Phổ Minh vừa được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. (Ảnh: Mai Chiến)

Tượng Pháp Loa - Đệ Nhị Tổ Trúc lâm (bên trái) và tượng Huyền Quang - Đệ Tam Tổ Trúc lâm (bên phải) được thờ tại chùa Phổ Minh vừa được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. (Ảnh: Mai Chiến)

Ngoài giá trị hiện vật gốc độc bản, hình thức độc đáo, bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ còn gắn với lịch sử hình thành, tồn tại của chùa Phổ Minh, công trình kiến trúc nổi tiếng thời Trần. Việc nghiên cứu bộ tượng không chỉ cho thấy thân thế, sự nghiệp, vai trò của Phật hoàng Trần Nhân Tông với vương triều Trần, quốc gia Đại Việt và vùng đất Thiên Trường, mà còn góp phần làm sáng tỏ vị trí của Ngài với chùa Phổ Minh, đặc biệt là thiền phái Trúc Lâm do ngài sáng lập.

27 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia gồm:

1. Sưu tập công cụ sơ kỳ đá cũ An Khê, niên đại: 800.000 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai.

2. Trống đồng Tiên Nội I, niên đại: Văn hóa Đông Sơn (khoảng thế kỷ IV-III trước Công nguyên); hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam.

3. Trống đồng Kính Hoa II, niên đại: Thế kỷ II-I trước Công nguyên; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính, thành phố Hà Nội.

4. Thạp đồng Văn hóa Đông Sơn, niên đại: Cách ngày nay 2.200-2.300 năm (thế kỷ III-II trước Công nguyên); hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

5. Thạp đồng Kính Hoa, niên đại: Thế kỷ III-II trước Công nguyên; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính, thành phố Hà Nội.

6. Sưu tập đàn đá Bình Đa, niên đại: Từ 3.000 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai.

7. Mukhalinga Ba Thê, niên đại: Thế kỷ VI; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang.

8. Cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn, niên đại: Nửa sau thế kỷ XII; hiện lưu giữ tại Khu di tích Thành Hoàng Đế, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

9. Hai chiếc đĩa gốm men ngọc, niên đại: Thời Lý, thế kỷ XI-XII; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng.

10. Đĩa gốm men lam tím; niên đại: Thời Lê sơ, thế kỷ XV; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng.

11. Đầu rồng thời Trần, niên đại: Thế kỷ XIII; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội.

12. Bia chùa Giàu (Ngô gia thị bi), niên đại: Năm Bính Ngọ (1366), niên hiệu Đại Trị thứ 9; hiện lưu giữ tại chùa Giàu, xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

13. Bia đá chùa Tĩnh Lự, niên đại: Ngày 28/8/1648 (năm Mậu Tý), niên hiệu Phúc Thái thứ 6; hiện lưu giữ tại chùa Tĩnh Lự, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

14. Chuông chùa Rối, niên đại: Nửa cuối thế kỷ XIV; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh.

15. Lư hương gốm hoa lam, niên đại: Thời Lê sơ, thế kỷ XV; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng.

16. Tượng Quan Thế Âm chùa Cung Kiệm, niên đại: Năm Kỷ Tỵ (1449), niên hiệu Thái Hòa thứ 7; hiện được thờ tại chùa Cung Kiệm-Thượng Phúc tự, xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

17. Sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ, niên đại: Thế kỷ XV-đầu thế kỷ XVI; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội.

18- Sưu tập vũ khí Trường Giảng Võ, niên đại: Thế kỷ XV-XVIII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội.

19. Bệ thờ đất nung đền An Xá, niên đại: Khoảng thế kỷ XVI; hiện lưu giữ tại đền An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.

20. Hai đài đồng đốt trầm, nắp tượng nghê, niên đại: Thế kỷ XVI-XVII; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng.

21. Bộ thành bậc Điện Kính Thiên, niên đại: Thế kỷ XVII; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội.

22. Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ chùa Phổ Minh, niên đại: Thế kỷ XVII; hiện được thờ tại chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

23. Súng Thần công thời Lê Trung hưng, niên đại: Thế kỷ XVII; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội.

24. Kim sách tấn phong Quốc mẫu Vương Thái phi, niên đại: Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 57 (1796), hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

25. Tượng An Dương Vương, niên đại: Ngày 16/5/1897 (năm Đinh Dậu); hiện được thờ tại Khu di tích Cổ Loa, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội.

26. Tượng "Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh", niên đại: Năm 1946; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

27. Xe tăng T59 số hiệu 377, niên đại: Năm 1972; hiện lưu giữ tại Ủy ban nhân dân huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có bảo vật quốc gia, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, người đứng đầu ngành, tổ chức được giao quản lý bảo vật quốc gia được công nhận ở trên trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.