Sau khi Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh về trường hợp của nam thanh niên Lê Quốc Dũng, trú tại phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội, 30 tuổi chưa đăng ký khai sinh, ngày 21/1, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh đã dẫn đầu đoàn công tác làm việc với UBND quận Long Biên, Hà Nội.
Vướng nhất là không có biên bản xác nhận bị bỏ rơi
Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Thanh Cao cùng đại diện nhiều đơn vị liên quan của Sở Tư pháp TP Hà Nội, UBND quận Long Biên, UBND phường Bồ Đề và anh Lê Quốc Dũng - nam thanh niên chưa được đăng ký khai sinh trong bài viết.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã lắng nghe tâm tư, đề đạt nguyện vọng của anh Dũng. Theo đó, anh cho biết, đến nay đã 30 tuổi nhưng anh chưa được đăng ký khai sinh nên không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào, dẫn đến gặp khó khăn trong cuộc sống học tập, lao động thường ngày. Sau 6 năm tự mình giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh, anh chia sẻ điểm vướng nhất là không làm được biên bản xác nhận bị bỏ rơi (anh được bà M nhìn thấy và đưa về tại phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội). Vì vậy, anh mong muốn được các cơ quan chức năng giúp đỡ, giải quyết cho anh yêu cầu đăng ký khai sinh.
Anh Lê Quốc Dũng tha thiết mong được có giấy khai sinh |
Lắng nghe các trao đổi từ phía các đơn vị liên quan và ý kiến cá nhân của anh Dũng, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Nguyễn Công Khanh thẳng thắn: Quay lại thời điểm năm 1991 – năm anh Dũng tự khai là năm sinh thì theo quy định pháp luật, đã nêu rất rõ về việc đăng ký nhận nuôi con nuôi. Đây là một công việc rất đơn giản, lẽ ra người bà nuôi lúc đó khi đưa anh Dũng về thì phải ra phường khai báo thì được phường lập biên bản về việc bị bỏ rơi và giao quyết định nhận con nuôi cho con trai của bà M là ông T.
Các cơ quan chức năng vào cuộc sẽ “gỡ” được
Theo Cục trưởng Nguyễn Công Khanh, trường hợp của anh Dũng không phải là trường hợp hy hữu bởi vì đã có rất nhiều trường hợp khác tương tự. Tại một số tỉnh, thành khi người dân nhặt được trẻ bị bỏ rơi là cứ vậy nuôi, chứ không khai báo với cơ quan chức năng. Trong khi pháp luật quy định rất rõ là phải khai báo với chính quyền hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất để lập biên bản. “Đây là vấn đề mà đi đến đâu tôi cũng bị hỏi nhưng không hiểu tại sao rất ít địa phương làm được điều này”, ông Khanh cho biết.
Ông Nguyễn Công Khanh giải thích cho anh Lê Quốc Dũng biết quyền và nghĩa vụ công dân mà anh cần tuân thủ |
Cục trưởng Khanh nhấn mạnh, đây là lỗi của người lớn, không phải lỗi của anh Dũng. Tuy nhiên, việc làm từ thiện, nhân đạo ấy đã vô tình lại gây khó khăn cho chính anh Dũng và cho cả các cơ quan nhà nước. Bởi vì giữa Thủ đô tươi đẹp, giữa thế kỷ XXI lại có một anh 30 tuổi không có bất cứ một loại giấy tờ tùy thân nào. Để giải quyết thì tới đây sẽ có các cơ quan, ban, ngành phải vào cuộc.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Công Khanh, anh Dũng là công dân quốc tịch Việt Nam, bởi vậy, dù không biết luật thì đủ 18 tuổi anh cũng sẽ phải chịu mọi trách nhiệm cho hành vi của mình. Vậy nhưng suốt bao nhiêu năm nay, anh cũng không để ý đến bản thân mình, đến tận tháng 4/2020, anh mới nhận ra là mình cần giấy tờ thì đấy là lỗi của anh.
Đại diện một số đơn vị chức năng cùng tham dự buổi làm việc |
“Đầu tiên là trách nhiệm của công dân. Thứ hai, pháp luật không ngăn cấm anh làm gì, ở đâu, nhưng ở đâu cũng có quy định pháp luật, ở đâu cũng có quy chế quản lý, kể cả đối với từng gia đình cũng vậy, nhẽ ra anh đến đâu thì cũng phải khai báo với cơ quan Công an để Công an nắm tình hình dân cư, giữ trật tự an ninh, an toàn cho bản thân anh và cho người khác”, ông Khanh nói.
Cục trưởng Nguyễn Công Khanh nhấn mạnh, cuộc làm việc này là để tìm cách tháo gỡ cho anh Dũng, nhưng trước hết ông phân tích như trên là giúp cho anh Dũng thấy trước đây anh và gia đình nhận nuôi anh đều có lỗi, chứ không phải cơ quan nhà nước tắc trách không làm thủ tục đăng ký khai sinh cho anh. Qua đây, ông Khanh mong muốn, để cơ quan nhà nước biết mình là ai, quan tâm đến mình thì mỗi người phải làm tròn trách nhiệm, bổn phận công dân.
“Còn việc của anh hôm nay, tôi và các cơ quan quận, huyện, cơ quan, ban, ngành sẽ cùng tìm ra cách giải quyết. Với cương vị là Cục trưởng, tôi xin hứa sẽ theo đến cùng và giải quyết được để anh có giấy khai sinh”, ông Khanh cam kết và cho hay sau khi có giấy khai sinh thì tới đây, anh Dũng sẽ được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp lần đầu tiên trong đời