Nhiêu khê chuyện "khắc xuất, khắc nhập" trong án hình sự

Nhiều vụ án, lẽ ra phải nhập thì cơ quan tố tụng lại tách ra để xử lý riêng và ngược lại, có những vụ việc cần tách vụ án thì được gộp lại. Những sự tùy nghi trong áp dụng pháp luật của cơ quan tố tụng dẫn đến việc xử lý vụ án không khách quan, triệt để…

Nhiều vụ án, lẽ ra phải nhập thì cơ quan tố tụng lại tách ra để xử lý riêng và ngược lại, có những vụ việc cần tách vụ án thì được gộp lại. Những sự tùy nghi trong áp dụng pháp luật của cơ quan tố tụng dẫn đến việc xử lý vụ án không khách quan, triệt để…

Không nhập, bất lợi cho bị cáo?

Năm 2000, Lê Thành Trung lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Quận 7 (TP.HCM) rồi bỏ trốn nên bị Công an Quận 7 truy nã. Sau đó, Trung trốn sang nhà một người quen tại Quận 3. Tại đây, Trung tiếp tục lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản rồi bỏ trốn nên cũng bị Công an Quận 3 truy nã.

Sau các lệnh truy nã này, Trung “dạt” về Duyên Hải (Trà Vinh) tiếp tục cuộc lẩn trốn thì bị bắt vì hành vi chiếm đoạt một chiếc xe máy. Sau đó, Trung được di lý về Công an Quận 7. Các cơ quan tố tụng Quận 7 đã nhiều lần thông báo cho Quận 3 phối hợp nhập vụ án để giải quyết chung nhưng không được hồi đáp. Vì thế, TAND Quận 7 đã đưa Trung ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phạt Trung hai năm tù.

Năm 2003, vừa chấp hành án xong trở về, Trung lại bị Công an Quận 3 bắt theo lệnh truy nã để điều tra về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sau đó, Trung tiếp tục bị TAND Quận 3 phạt án tù về tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản.

Dư luận cho rằng, ở vụ việc này lẽ ra cơ quan tố tụng ở Quận 7 và Quận 3 cần phối hợp để nhập vụ án, xét xử Trung trong một phiên tòa. Nhưng cả hai lại tiến hành độc lập, dẫn đến việc bị cáo Trung phải chịu bất lợi do án tuyên nặng hơn. Bên cạnh đó, việc cơ quan tố tụng không nhập vụ án khiến vụ án bị kéo dài, gây mất nhiều công sức, tiền của của Nhà nước.

Năm 2010, một vụ án cũng xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh gây nhiều tranh cãi. Đó là vụ Nguyễn Văn Minh, Phan Văn Tùng, Đinh Thanh Vũ và Trần Văn Hồi thực hiện hành vi cướp tài sản (1,3 triệu đồng) đối với một phụ nữ khi chị này di chuyển trên đường Phạm Thế Hiển, Quận 8.  Bị Công an Quận 8 bắt, bốn gã này khai nhận chúng đã thực hiện hàng loạt vụ cướp tương tự chỉ trong vòng 2 tiếng  đồng hồ.

Cụ thể, khoảng 0h cùng ngày 23/11, chúng đã dùng dao khống chế cướp điện thoại di động của một người đàn ông. 1 tiếng đồng hồ sau, chúng lại dùng dao khống chế cướp 400.000 đồng của một cặp vợ chồng.

Xử lý vụ việc này, Công an Quận 8 đã gửi công văn yêu cầu Công an Quận 7 phối hợp điều tra. Tuy nhiên, Công an Quận 7 vẫn độc lập khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Vì phải chờ đợi lâu nên sau đó Công an Quận 8 đã tự mình giải quyết vụ việc mà không chờ nhập vụ án.

Sau khi TAND Quận 8 xử sơ thẩm, vụ án đã bị VKSNDTP kháng nghị, yêu cầu TAND TP.HCM xử phúc thẩm theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Đồng thời, VKS TP cũng kiến nghị nhập vụ án vì theo VKS việc các cơ quan tố tụng hai quận 7 và 8 không phối hợp kịp thời để nhập vụ án là gây bất lợi cho các bị cáo.

Nhập, chỉ phải chịu tình tiết tăng nặng?

Trong các vụ việc kể trên, nhiều ý kiến cho rằng, “lỗi” là do cơ quan điều tra đã không phối hợp kịp thời để tiến hành nhập vụ án. Trên thực tế, có hai tình huống dễ xảy ra. Thứ nhất, đó là khi nhận yêu cầu nhập vụ án hình sự nhưng cơ quan điều tra vì lý do nào đó không nhập mà tự mình khởi tố vụ án để điều tra riêng. Trường hợp thứ hai là nhận yêu cầu nhưng chậm trễ trong việc trả lời, phối hợp, dẫn đến “đối tác” vì đảm bảo thời hạn tố tụng luật định không thể chờ đợi được, đành phải tự mình xử lý riêng rẽ.

Tuy nhiên, tách nhập vụ án hình sự không hoàn toàn là vấn đề về “kỹ thuật” mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo đảm tính khách quan trong giải quyết vụ án. Bởi nếu cùng phạm một tội, lại được nhiều cơ quan cùng thụ lý, giải quyết rất dễ dẫn đến bất lợi cho bị cáo.

Thay vì phải chịu nhiều bản án khác nhau, nhiều mức án khác nhau, thì nếu nhập vụ án, tòa án hoàn toàn có cơ sở áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần, có thể xem xét tổng thể các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mức án vì thế có thể sẽ được tuyên nhẹ hơn.

Bên cạnh đó, việc tách vụ án để xử thành nhiều phiên tòa khác nhau, sau đó cơ quan tố tụng còn phải mất công trong việc tổng hợp các bản án. Chưa kể, để xử lý một vụ việc kéo theo cả một quy trình tố tụng rất chặt chẽ sẽ dẫn đến việc gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng nên có một hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để việc thực hiện phối hợp có hiệu quả hơn, tránh tình trạng đùn đẩy hoặc “ôm việc” để “thiệt cả đôi đường”.

Huy Hoàng

Đọc thêm