Nhiều khó khăn khi xin cấp lại bản chính giấy khai sinh

Nghị định 158/CP về đăng ký quản lý hộ tịch cho phép cấp lại bản chính Giấy khai sinh (cho cả người Việt, người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài). Quy định này rất thuận lợi cho người dân tuy nhiên, bất cập là ở chỗ số đăng ký khai sinh lại đang lưu giữ ở nhiều nơi khiến cho việc xin cấp gặp nhiều khó khăn…

Nhằm khắc phục tình trạng bản chính Giấy khai sinh bị mất, hư hỏng hoặc phải ghi chú quá nhiều nội dung… Nghị định 158/CP về đăng ký quản lý hộ tịch cho phép cấp lại bản chính Giấy khai sinh (cho cả người Việt, người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài). Quy định này rất thuận lợi cho người dân tuy nhiên, bất cập là ở chỗ số đăng ký khai sinh lại đang lưu giữ ở nhiều nơi khiến cho việc xin cấp gặp nhiều khó khăn…

Dự thảo Luật Hộ tịch quy định mỗi cá nhân sẽ có một Sổ hộ tịch

Muốn cấp phải “xin” thông tin

Về thẩm quyền, Nghị định 158/CP quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi lưu trữ Sổ đăng ký khai sinh thực hiện việc cấp lại bản chính Giấy khai sinh (GKS). Tuy nhiên theo Sở Tư pháp Hải Phòng thì quy định này áp dụng trên thực tế bộc lộ những bất cập.

Ví dụ hiện tại ở Hải Phòng việc quản lý lưu trữ sổ đăng ký khai sinh hiện có ở ba cấp gồm Sở Tư pháp, UBND cấp huyện và UBND cấp xã tùy theo từng thời kỳ. Chính vì vậy, theo Sở Tư pháp Hải Phòng thì việc UBND huyện cấp lại bản chính GKS trong trường hợp Sổ đăng ký khai sinh chỉ được lưu trữ tại UBND cấp xã đã gặp không ít khó khăn.

Sau khi tiếp nhận yêu cầu cấp lại bản chính GKS đối với những trường hợp nêu trên thì UBND cấp huyện yêu cầu UBND cấp xã cung cấp thông tin để ghi vào nội dung bản chính GKS. Ở thế này UBND cấp huyện hoàn toàn bị động vì phụ thuộc vào UBND cấp xã. “Thủ tục hành chính trong trường hợp này rất rườm rà, thiếu linh hoạt, mất thời gian của công dân cũng như cơ quan nhà nước”- Sở Tư pháp Hải Phòng đúc kết.

Tương tự, theo quy định tại Nghị định 06/CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực quy định: đối với việc cấp lại bản chính GKS thì thẩm quyền là Sở Tư pháp, nơi lưu trữ Sổ đăng ký khai sinh; trong trường hợp Sổ đăng ký khai sinh lưu tại UBND cấp huyện hoặc UBND cấp xã, thì Sở Tư pháp yêu cầu UBND cấp huyện hoặc UBND cấp xã, nơi lưu trữ Sổ đăng ký khai sinh cung cấp thông tin liên quan đến nội dung khai sinh để ghi vào bản chính GKS.

Quy định như trên, theo Sở Tư pháp Hải Phòng cũng “gây khó khăn” cho người xin cấp lại bản chính GKS khi chỉ có thể đến Sở Tư pháp để yêu cầu và nhiều trường hợp phải đi xa, mất nhiều thời gian. Đồng thời lại phải xuất trình giấy tờ thể hiện người xin cấp lại bản chính là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Đối với cơ quan có thẩm quyền cấp lại bản chính là Sở Tư pháp sẽ rơi vào “quá tải” trong công việc cũng như khó khăn trong việc xác định được việc cấp là đúng thẩm quyền. Cũng như việc cấp lại cho người trong nước, việc phụ thuộc vào thông tin nơi lưu giữ sổ nên sẽ rất mất nhiều thời gian chờ đợi, chi phí hành chính tăng.

Cơ quan nào lưu, cơ quan đó cấp?

Theo Sở Tư pháp Hải Phòng, bản chất của việc cấp lại bản chính GKS là cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào nội dung số gốc đăng ký khai sinh để cấp lại bản chính GKS cho đúng với nội dung sổ gốc. Chính vì vậy Sở Tư pháp Hải Phòng đề xuất nên quy định việc cấp lại bản chính GKS thuộc thẩm quyền của cơ quan đang lưu trữ số gốc đăng ký khai sinh, ở cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã).

Hiện nay, dự thảo Luật Hộ tịch đang được xây dựng, thay vì cấp GKS và các giấy tờ riêng lẻ như hiện nay, Luật Hộ tịch quy định mỗi cá nhân sẽ có một Sổ hộ tịch. Theo đó, cá nhân có quyền yêu cầu cấp lại sổ hộ tịch cá nhân trong trường hợp sổ bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được. Trong trường hợp nhận nuôi con nuôi mà có thay đổi phần khai về cha, mẹ từ cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi trong Sổ hộ tịch cá nhân, thì cha mẹ nuôi có quyền yêu cầu cấp lại Sổ hộ tịch cá nhân cho con nuôi.

Đặc biệt, dự thảo quy định hộ tịch viên nơi quản lý dữ liệu hộ tịch có thẩm quyền cấp lại Sổ hộ tịch cá nhân để khắc phục tình trạng người dân phải đi lại, chờ đợi, còn cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ không còn bị động khi thông tin phải “nhờ” cơ quan khác.

Huy Hoàng

Đọc thêm