Nhiều khó khăn trong hoạt động Thừa phát lại Hà Nội

(PLVN) -Với 8 Văn phòng trên địa bàn thành phố Hà Nội, thời gian qua đã cho những kết quả tích cực, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn cần khắc phục.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Ngay từ những ngày đầu, Sở Tư pháp, cơ quan quản lý hoạt động của Thừa phát lại đã có nhiều hình thức đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường sự tiếp cận của người dân đối với dịch vụ này, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức trong việc thực hiện chế định TPL. Các hình thức tuyên truyền như tổ chức hội nghị giới thiệu văn bản, biên soạn, phát hành các tờ gấp về thừa phát lại, tuyên truyền trên các cơ quan báo chí truyền thông..

Về phía các Văn phòng cũng có sự chủ động nhất định trong công tác tuyên truyền. Ví dụ như Văn phòng Thừa phát lại Hai Bà Trưng đã tự xây dựng cho mình đội ngũ báo cáo viên có đủ trình độ, năng lực, chủ động đăng ký phối hợp với các Phòng Tư pháp UBND quận, huyện, UBND cấp phường, xã, và các tổ chức kinh tế, chính trị xã hội, đứng ra tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thừa phát lại cho cán bộ chủ chốt, cán bộ Tư pháp, Địa chính, Thanh tra xây dựng, Ban quản lý dự án, tổ trưởng tổ dân phố, tổ hòa giải; Gửi thư ngỏ đến ngân hàng, phòng giao dịch thuộc hệ thống ngân hàng; cơ quan tòa án, các văn phòng luật sư, công chứng, đấu giá, giám định, trọng tài kinh tế trên địa bàn thành phố; các tổ chức xây dựng, kinh doanh bất động sản…

Các Văn phòng cũng đã xây dựng cho mình một Website riêng; qua đó cung cấp những thông tin cần thiết về hoát động của thừa phát lại trên các lĩnh vực để người dân biết, các cơ quan, tổ chức tăng cường phối hợp.

Tại Hà Nội, theo thống kê, đến nay đă có 8 văn phòng, với 75 Thừa phát lại đang hoạt động trên địa bàn TP (trong số hơn 150 người đã được bổ nhiệm). Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp và xã hội hóa một số hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp của Đảng và Chính phủ, hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội được triển khai thực hiện và đã có được những kết quả tích cực. Số liệu của UBND TP Hà Nội cho thấy, trong 3 năm (từ 2018-2020), các văn phòng thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội đã lập gần 36 ngàn vi bằng. Đây là con số đã được đăng ký tại Sở Tư pháp.

Trong 3 năm, 8 văn phòng đã tống đạt 225.614 ngàn văn bản của Tòa án; 3418 văn bản của cơ quan Thi hành án. Doanh thu trực tiếp tổ chức thi hành án là 393.746.000 đồng…Hoạt động của Thừa phát lại góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ dân sự, trong quan hệ với cơ quan, tổ chức nhà nước và trong hoạt động tố tụng; góp phần tạo dựng môi trường pháp lý lành mạnh, an toàn cho các giao dịch dân sự, kinh tế, giảm tải công việc của Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật.

Tuyển chọn nhân sự khó khăn

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động thừa phát lại còn nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền về Thừa phát lại còn đơn điệu, chưa có chiều sâu, thiếu cán bộ có kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn, thiếu cơ sở vật chất và kinh phí. Hoạt động tống đạt chưa được tổ chức chuyên môn hóa; Chi phí cho việc tống đạt rất thấp so với chi phí thực tế của các văn phòng; Việc niêm yết văn bản tại một số UBND phường còn gặp khó khăn trong khâu xác nhận của UBND phường, dẫn đến vi phạm về thời gian niêm yết.

Đối với công việc xác minh điều kiện thi hành án: một số cơ quan quản lý về đất đai trả lời xác minh rất chậm; người dân không biết quy định Thừa phát lại được tiến hành xác minh điều kiện thi hành án đối với các bản án thuộc thẩm quyền thi hành án của Cơ quan Thi hành án Dân sự cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW; Còn tồn tại nhận thức không đồng nhất về Vi bằng; chưa có sự trao đổi, hướng dẫn cụ thể khi có những vướng mắc về vi bằng.

Nhiều cán bộ công chức của các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự hiểu về giá trị của Vi bằng. Đặc biệt, kết quả các công việc của Thừa phát lại, đặc biệt là Vi bằng chưa được quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật đất đai, Luật Thi hành án các văn bản luật khác nên người dân và cán bộ công chức chưa biết về công việc của Thừa phát lại, giá trị của các công việc do Thừa phát lại làm.

Do chưa có Luật về Thừa phát lại nên người dân không biết Thừa phát lại được thi hành bản án dân sự và công việc này của Thừa phát lại cũng chưa được ghi nhận trong Luật Thi hành án; Tòa án nhân dân cũng chưa có hướng dẫn để Thẩm phán sau khi xét xử có thể thông báo cho đương sự nội dung thể hiện: ngoài Cơ quan THA, người dân có thể lựa chọn Thừa phát lại để thi hành bản án đối với những địa phương có Văn phòng Thừa phát lại.

Bên cạnh đó, hoạt động Thừa phát lại mang tính đặc thù, rất khó khăn, chủ yếu làm ngoài Văn phòng và không phân biệt thời gian nên phần lớn nhân lực về ngành luật chưa yêu thích nghề do ngại khó, ngại khổ; việc tuyển chọn nhân sự rất khó, tìm được người yêu thích nghề lại càng khó khăn hơn

Đọc thêm