Nhiều khởi sắc trong công tác bồi thường nhà nước

(PLO) - Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường nhà nước tại khu vực Đông Nam bộ, các địa phương trong khu vực đã ban hành kế hoạch hoặc ban hành văn bản có liên quan thực hiện công tác bồi thường nhà nước. Đây là những động lực quan trọng giúp công tác này tại khu vực đạt nhiều kết quả tích cực.
Đại diện VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xin lỗi công dân bị hàm oan
Trong đó, điển hình là việc UBND tỉnh Tây Ninh, Sở Tư pháp Đồng Nai ban hành kế hoạch riêng về triển khai công tác bồi thường nhà nước (BTNN). UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện công tác BTNN; UBND tỉnh Bình Phước ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Chỉ thị của UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện công tác BTNN trên địa bàn...  
Các địa phương còn lại trong khu vực ban hành Kế hoạch bồi thường nằm trong Kế hoạch, Chương trình công tác năm của địa phương. 
Từng bước đi vào bài bản
Theo thống kê của Cục BTNN, năm 2014, tại khu vực Đông Nam bộ, tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường trong lĩnh vực quản lý hành chính phát sinh 05 vụ với số tiền bồi thường là  trên 1,4 tỷ đồng tại một số địa phương là TP.Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Bình Dương. 
Trong đó có vụ việc của ông Nguyễn Ngọc Anh (Ninh Thuận) đã nhận quyết định giải quyết bồi thường, hiện đang thực hiện quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. 
Còn tại Bình Dương, công dân đã thực hiện kiện thẳng ra Tòa Hành chính như vụ việc của ông Đào Văn Giữa ở TP.Thủ Dầu Một; cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện chi trả cho người bị hại số tiền trên 166 triệu đồng. 
Thực tế giải quyết những vụ việc này cho thấy, việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong khi thực hiện quyền khởi kiện của mình, mở rộng dân chủ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Bên cạnh đó, công tác giải quyết bồi thường đã từng bước được thực hiện một cách bài bản. 
Tại Ninh Thuận, trong quá trình giải quyết vụ việc, Sở Tư pháp đã chủ động xin ý kiến của Cục BTNN về việc giải quyết bồi thường, xây dựng kế hoạch giải quyết bồi thường để bảo đảm tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết (như vụ việc của ông Nguyễn Ngọc Anh).
Nhìn chung có thể nhận thấy, hoạt động quản lý nhà nước về công tác BTNN đã được các địa phương trong khu vực Đông Nam bộ quan tâm, thực hiện nghiêm túc, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ; hạn chế những sai sót dẫn tới nguy cơ làm phát sinh trách nhiệm BTNN, giải đáp kịp thời các yêu cầu liên quan đến BTNN, người bị thiệt hại thực hiện tốt hơn quyền yêu cầu bồi thường. Đặc biệt, trong quá trình giải quyết bồi thường, có trường hợp được giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính đã tạo thuận lợi cho công dân. 
Cần giải quyết dứt điểm tồn đọng
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bồi thường trong năm 2015, các địa phương trong khu vực Đông Nam bộ nên phát huy những kết quả đạt được của năm 2014, rà soát các vụ việc còn tồn đọng trong các năm trước để giải quyết dứt điểm trong năm 2015. Đặc biệt, việc xây dựng chương trình kế hoạch công tác BTNN nên bám sát vào chương trình, kế hoạch công tác của Bộ Tư pháp. 
Đối với việc theo dõi hoạt động giải quyết bồi thường, cần yêu cầu cơ quan, đơn vị có vụ việc giải quyết bồi thường cung cấp thông tin, hướng dẫn cơ quan, đơn vị thực hiện đúng quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường. Các cơ quan có trách nhiệm bồi thường cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch giải quyết bồi thường ngay sau khi thụ lý vụ việc để bảo đảm tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết. 
Đồng thời, các địa phương nên chủ động, tích cực trong thực hiện công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ BTNN, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, xác định mục tiêu của công tác này trong năm 2015, tạo chuyển biến căn bản nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, kết hợp công tác này với các hoạt động tổ chức Tổng kết 5 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Đọc thêm