Nhiều khuất tất tại Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế

Mặc dù bị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế “tuýt còi” do vi phạm hợp đồng mua rừng nhưng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn “bật đèn xanh” để doanh nghiệp tham gia đấu thầu. Chưa hết, Giám đốc Sở này còn ra quyết định điều chỉnh giá bán rừng tại các Ban Quản lý rừng phòng hộ làm thất thoát tiền ngân sách hàng tỷ đồng.

Mặc dù bị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế “tuýt còi” do vi phạm hợp đồng mua rừng nhưng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn “bật đèn xanh” để doanh nghiệp tham gia đấu thầu. Chưa hết, Giám đốc Sở này còn ra quyết định điều chỉnh giá bán rừng tại các Ban Quản lý rừng phòng hộ làm thất thoát tiền ngân sách hàng tỷ đồng.

Bán rừng từ đơn viết tay?

Ngày 03/8/2010, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thừa Thiên Huế có Quyết định số 544 phê duyệt Dự toán khai thác rừng trồng diện tích 75,27ha tại xã Phú Vinh, huyện A Lưới. Khi có quyết định này, lẽ ra các đơn vị có nhu cầu phải mua hồ sơ để tham gia đấu thầu theo quy định thì ngày 16/11/2010, ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Xí nghiệp Tấn Lộc (XNTL - phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) có đơn viết tay gửi Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) A Lưới xin mua diện tích rừng nói trên. Mặc dù ông Lộc là người đứng tên trong đơn xin mua nhưng lại “cử” một doanh nghiệp khác ký hợp đồng: “Cử Xí nghiệp tư nhân Tuấn Nhân ký hợp đồng mua bán với Ban QLRPH A Lưới”.

Theo đó, ngày 22/11/2010, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Ban QLRPH A Lưới ký hợp đồng bán cho ông Hồ Văn Tuấn, Giám đốc Doanh nghiệp Tuấn Nhân (thôn 11, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) 75,27ha rừng với giá 1.497.375.000đ. Sau đó, không hiểu với tư cách gì ngày 07/01/2011, ông Lộc ký hợp đồng bán cho ông Nguyễn Xuân Quang, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Tuấn Tài (15, Lê Thánh Tôn, TP.Huế) diện tích rừng trên với giá 3.600.000.000đ. Việc làm này của Sở NN&PTNTđã phớt lờ Công văn số 5258 ngày 13/11/2009 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế:“Không xét tuyển hồ sơ tham gia đấu thầu đối với XNTL do đã không thực hiện đúng hợp đồng trước đây”. Phải chăng XNTL được Sở NN&PTNT “bật đèn xanh” để “cử” một doanh nghiệp khác ký hợp đồng nhằm “né” công văn của tỉnh?

Dư luận cho rằng, sở dĩ XNTL có được diện tích rừng nói trên và “ẵm” hơn 2 tỷ đồng tiền chênh lệch là có sự “ưu ái” của Giám đốc Sở NN&PTNT.

 Giám đốc điều chỉnh giá bán rừng, nhà nước thất thu nặng

Ngày 8/10/2008, ông Hoàng Ngọc Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT (nay là Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) ký Quyết định số 791 phê duyệt Dự toán khai thác rừng trồng ngân sách địa phương tại Ban QLRPH Hương Thủy diện tích 37,20ha. Số tiền đưa vào đấu giá là  2.206.177. 000đ.

Thế nhưng, ngày 28/7/2009, Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Đăng Vang lại ra Quyết định số 551 thay thế Quyết định 791 điều chỉnh giá thấp hơn nhiều lần, chỉ còn lại 608.079.000đ. Ông Vang đã chỉ đạo Phòng Kế hoạch Tài chính sửa lại Bảng thống kê sản lượng gỗ khai thác thay vì có 50% gỗ gia dụng của bảng kê trước được sửa lại ở bảng kê sau là 100% gỗ nguyên liệu có giá trị thấp hơn. Với việc “thay” quyết định của ông Vang đã làm thất thoát ngân sách gần 1,6 tỷ đồng.

Dư luận đặt câu hỏi là vì sao sau gần một năm ông Vang hạ thấp giá bán gỗ trong khi tình trạng rừng không thay đổi, kích thước cây ngày mỗi lớn, giá nguyên liệu ngày một tăng?. Phải chăng ông Vang hạ giá xuống thấp để thông đồng với đơn vị trúng thầu để tham ô?. Một cán bộ trong ngành kiểm lâm cho biết số gỗ rừng này được bán cho một người quen biết với ông Vang và sau khi khai thác đã bán cho một doanh nghiệp ở Hà Nội với giá cao gấp  nhiều lần.

Liên quan đến việc quản lý, điều hành tại Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế do ông Hồ Đăng Vang làm giám đốc đã xảy ra quá nhiều sai phạm tại các Ban QLRPH như Nam Đông, Hương Thủy, A Lưới…khi cũng với “chiêu bài” trên, ông Vang đã ra quyết định điều chỉnh tỷ lệ gỗ gia dụng lần sau thấp hơn lần trước để giảm giá dự toán, nhằm “đi đêm” với các đơn vị trúng thầu hưởng chênh lệch.

Một vấn đề khác đang được dư luận quan tâm là trách nhiệm của Giám đốc Sở NN&PTNT trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng khai thác gỗ lim lóc lõi giữa Cty TNHH Phong Thiên và Ban QLRPH huyện Nam Đông. Vụ việc tuy đơn giản nhưng lãnh đạo Sở đã để mặc cho tranh chấp kéo dài 4 năm mà không có hướng chỉ đạo, xử lý dẫn đến hàng chục m3 gỗ bị phơi mưa nắng, hư hỏng và nguy cơ phải bồi thường hàng trăm triệu đồng cho doanh nghiệp. Khi vụ việc đang chờ Tòa án giải quyết thì tại đây đã mất 21 phách gỗ lim tương đương 2,237m3  và được Thanh tra Sở kết luận là “không biết mất gỗ vào thời điểm nào”, nhưng ông Vang lại quy trách nhiệm cho ông Nguyễn Trọng Thung, Nguyên Phó giám đốc Ban QLRH Nam Đông, trong khi ông Thung đã rời khỏi Ban QLRPH Nam Đông từ tháng 4/2010?.

Tùy tiện trong việc xử lý cán bộ

Cho rằng ông Nguyễn Trọng Thung thiếu trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng, Sở đã họp Hội đồng kỷ luật. Tuy nhiên, trong cuộc họp các cá nhân bị cho là vi phạm không được mời tham dự và đọc bản kiểm điểm. Sau khi họp xong, trong cùng một ngày 07/5, ông Thung nhận được 2 quyết định kỷ luật: Một với hình thức cảnh cáo và một là khiển trách. Vì sao lại có chuyện này? Ông Thung cho rằng do ông không đồng ý với quyết định kỷ luật là cảnh cáo và có đơn khiếu nại nên ông Vang tự ý điều chỉnh lại là khiển trách cùng một ngày, nhằm làm quá thời hiệu khiếu nại của ông mà không theo trình tự xử lý kỷ luật. Việc làm tùy tiện của ông Vang không theo quy trình, thủ tục trong việc xử lý cán bộ theo pháp lệnh công chức.

Với chức năng quản lý nhà nước được giao, ông Hồ Đăng Vang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế đã để xảy ra nhiều sai phạm, có dấu hiệu tham nhũng làm thất thoát tài sản nhà nước. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh, trả lời công luận để có hình thức xử lý đối với các sai phạm này.

Quang Tám

Đọc thêm