Nhiễu loạn thị trường xuất khẩu lao động: “Rót mật” vào người lao động?

(PLO) - Nhắc đến cụm từ “xuất khẩu lao động” chắc hẳn ai cũng biết đây là một trong những thị trường đưa người lao động Việt Nam sang các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… để làm việc. Thế nhưng, để đến với con đường “thoát nghèo” đó, nhiều người đã và đang lao động không biết rằng họ đã phải đóng những khoản phí với giá “trên trời” từ những lời hứa hẹn của các công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ).
(Hình minh họa)

Từ thị trường Đài Loan

Từ việc tìm kiếm trên Google về thị trường này, phóng viên báo PLVN đã tìm đến công ty Cổ phần Quốc tế-TIC nằm trong khuôn viên của trường Cao đằng Công nghệ & Môi trường Hà Nội. 

Tiếp chúng tôi tại văn phòng ở địa chỉ 30A Vũ Hữu, người đàn ông xưng danh Chiến giới thiệu về các đơn hàng xuất khẩu lao động đi Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Canada...

Theo đó, đây là thị trường được rất nhiều học viên lựa chọn bởi thời gian từ lúc đăng ký cho đến lúc xuất cảnh được sang Đài Loan chỉ mất khoảng 1-2 tháng, và tổng mức đóng cũng dao động 5.000 - 6.000 USD (đô la) tùy đơn hàng hay loại hình công việc.

Tiếp tục tìm hiểu khu học viên chờ “đơn hàng” đi Đài Loan, một học viên cho biết, tính từ lúc nhập học vào tháng 10/2016, học viên phải đóng các khoản tiền gồm "Tiền đảm bảo trúng tuyển" là 10 triệu đồng, 600 ngàn đồng tiền ăn trong tháng 10/2016, 300 ngàn đồng tiền đặt cọc sử dụng đồ dùng tại Ký túc xá.

Cũng theo người lao động này, ngoài số tiền kể trên, chị phải nộp thêm một khoản tiền nữa khi nhập học là 2 triệu 600 ngàn đồng bao gồm tiền học phí và tiền lưu trú tại Ký túc xá cho đến khi xuất cảnh. Số tiền này thu như nhau ở tất cả học viên làm thủ tục đi Đài Loan. Người sớm được xuất cảnh hay người phải chờ “đơn hàng” nhiều lần đều đóng một khoản tiền như vậy. Và số tiền này được công ty thu trực tiếp từ học viên chứ không đưa vào biên lai thu học phí.

Một khoản tiền học viên phải đóng để đảm bảo trúng tuyền.

Vừa nói, học viên liền cho chúng tôi xem các phiếu thu trên tay. Điều lạ lùng là mọi hóa đơn thu tiền ngoài chữ ký của người nộp tiền cũng như nhận tiền thì đều không có bất kỳ dấu chức danh của Kế toán trưởng và người đứng đầu Công ty theo quy định về quản lý hóa đơn của Bộ Tài Chính. Ngay cả trên hóa đơn cũng không thể hiện thông tin của công ty có trách nhiệm đưa người đi lao động.

Đến thị trường Nhật Bản

Liên hệ đến Công ty Cổ phần Đầu tư & Hợp tác Quốc tế Thăng Long có văn phòng  tại số 6 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội, chúng tôi tiếp tục đến xin tư vấn lao động ở Nhật Bản.

Sau khi hỏi một số thông tin về tìm hiểu qua ai, gọi từ đâu… phóng viên đã được một người phụ nữ tên Lan tiếp chuyện. Theo câu chuyện từ phía chị Lan, bên công ty đang có một đơn hàng cần 4 nữ đóng trứng gà vào hộp vào hôm 25/11 này. Và trong trường hợp đơn hàng này đủ người thì hôm 28/11 cũng sẽ có đơn hàng cần 13 nữ chuyên đóng cơm vào hộp.

Cũng là tiền thu trúng tuyển của một công ty khác với dòng cam kết: "Trong thời gian làm thủ tục hoàn tất giấy tờ xuất nhập cảnh cho tôi, nhưng tôi tự ý không đi XKLĐ tại Đài Loan nữa với bất kỳ lý do gì thì tôi sẽ chấp nhận không hoàn lại số tiền đã nộp."

Cũng theo chị Lan, đầu tiên người có nhu cầu đi lao động phải đi khám sức khỏe tại bệnh viện Giao thông vận tải (vì bên công ty ký hợp đồng với bác sỹ bên đó – PV) và cần mang theo 1 triệu đồng để đóng tiền. Khi người lao động đủ tiêu chí thì sẽ nộp hồ sơ liên quan về cá nhân đồng thời đóng 1 khoản phí là 10 triệu đồng coi như đặt cọc. Nếu như người lao động trúng tuyển đơn hàng thì số tiền đấy sẽ trừ vào tiền học sau này. Nếu như trong trường hợp học viên trúng tuyển mà không có nhu cầu đi thì số tiền đấy sẽ mất.

Sẽ có hai hướng đi mà người lao động có thể lựa chọn là đi một năm và đi ba năm. Nếu như người lao động đi một năm thì chi phí sẽ rơi vào khoảng 2.500 USD. Còn đi theo dạng visa lao động ba năm sẽ có mức chi phí khoảng 6.000 USD (tương đương 150 đến 160 triệu đồng).

Chị Lan cho rằng trường hợp đi một năm người lao động sẽ chỉ kiếm về khoảng 100 triệu đồng còn nếu đi 3 năm thì sẽ mang được về khoảng 300 triệu đồng. Với những tiêu chí và công việc nhàn cộng thêm lương cao về thị trường lao động tại đây, chị Lan như “rót mật” để tạo sự thích thú cho người có nhu cầu đi lao động.

Trung tâm du học có khả năng đưa người đi lao động?

Nằm tại địa chỉ 67A  phố Quan Nhân, phóng viên tìm đến Trung tâm du học Phương Anh. Tại đây, một người phụ nữ khẳng định: "Chị cho lao động Nhật đi rất đông, từ đầu năm đến giờ phải mấy chục bạn bay rồi, nhưng chị phải nói thẳng lương lao động không được cao... khoảng từ 14 - 14,5 man (1man bằng 10.000 Yên Nhật."

Cũng theo người phụ nữ này tư vấn: "Chị không phải tự hào nhưng chị đã cho bọn em đi lao động thì phải là công ty lớn nhất Hà Nội này rồi. Các em đến đấy chỉ việc cố gắng tuyển cho đỗ... Chi phí đối với nam là 6.000$ và trong đấy đã có một chút ít cho người làm tiến độ, để cho mình vào các đơn hàng, cho mình tuyển."

"Việc đỗ hay không cũng do mình là chủ yếu, họ  bắt mình bao nhiêu cái chống đẩy, bê bao gạo, bao cát để chạy. Chị sợ em béo (phóng viên) nên không làm được thì phải cố gắng học." - Người phụ nữ giải thích.

Việc đầu tiên, người có nhu cầu đi lao động phải cầm theo chứng minh thư đi khám sức khỏe ở bệnh viện đã quy định. Sau khi đã kiểm tra xong, người lao động phải nộp 7 triệu tiền học ban đầu. Người phụ nữ này cho biết thêm: "Tổng tiền học đến tận lúc bay sẽ có chi phí 12 triệu đồng. Tiền đặt là 500 USD, khi nào đỗ trúng tuyển phải đóng tiếp 1000USD nữa và số còn lại sẽ phải đóng khi nào ra thẻ lưu trú."

Chia sẻ thêm với chúng tôi, người phụ nữ này cho biết, trường hợp nữ có nhu cầu đi lao động sẽ có chi phí thấp hơn là 5.500 USD. Cũng theo quy trình người lao động phải đủ điều kiện về tình trạng sức khỏe mới được nhập học. Các trường hợp được nhận đi lao động thì 90% sẽ được. Còn trong trường hợp người lao động không đi nữa thì tiền sẽ mất.

Khi phóng viên thắc mắc về chương trình đi thực tập sinh, người phụ nữ này khẳng định rằng đó là hình thức đi lao động. "Nó cứ nói thế cho oai chứ đó chính là hình thức đi lao động ấy mà". Cuối cùng chúng tôi nhận được tấm card có ghi số điện thoại liên hệ của giám đốc Trung tâm cùng với lời nhắn nhủ về suy nghĩ, rồi khi nào chuẩn bị thì gọi lại.

Báo PLVN tiếp tục cập nhật thông tin./.

Tháng 4/2016, Bộ LĐ-TBXH đã có công văn 1123 yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Nhật Bản phải tiếp tục củng cố tổ chức hoạt động.
Công văn quy định, các khoản phí DN thu không được vượt quá 3.600USD/người/hợp đồng ba năm và không quá 1.200USD/ người/hợp đồng một năm. Doanh nghiệp chỉ được thu các khoản phí sau khi học viên, người lao động đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú và DN đã ký hợp đồng với Nhật. 

Bộ LĐ-TBXH nghiêm cấm các hành vi thu tiền trước dưới mọi hình thức đối với học viên thực tập sinh. Về học phí đào tạo tiếng Nhật, không quá 5,9 triệu đồng/ khóa.

Ngày 09/06/2016Bộ LĐ-TBXH đã có công văn 2176 yêu cầu các doanh nghiệp  xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Đài Loan thực hiện đúng quy định.

Trong đó mức chi phí của người lao động trước khi đi

- Tổng chi phí của người lao động: 2.036 USD (chưa bao gồm tiền ký quỹ), trong đó:

+ Phí dịch vụ: 1.000 USD/người/hợp đồng 3 năm.

+ Tiền môi giới: 400 USD/hợp đồng 3 năm.

+ Chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết: 260 USD

+ Các chi phí vé máy bay, visa, khám sức khỏe...: 376 USD.

- Tiền ký quỹ đảm bảo thực hiện hợp đồng: không quá 800 USD/người/hợp đồng (tối thiểu một lượt vé máy bay).

Đọc thêm