Theo bà Hoàng Thị Như Thanh (Trưởng BQL chợ), trước kia, các lối đi bên trong chợ phức tạp, ngay cả tiểu thương lâu năm tìm kiếm cũng khó. Xuất phát từ thực tế đó, cũng như nhu cầu lẫn tâm tư của tiểu thương, đến nay BQL chợ quyết định đặt tên đường trong chợ.
Hiện tại, chợ đã có 11 tên đường, nằm xung quanh các khu vực lầu chuông. Thời gian tới sẽ đặt thêm tên cho 4 đình (mỗi đình 7 - 8 đường). Sau khi tham khảo ý kiến bà con và góp ý của lãnh đạo TP, ban, ngành, đã quyết định đặt tên cho từng đường bằng những con số.
Khi hoàn thiện, BQL sẽ bố trí sơ đồ lối đi kèm chú thích cụ thể trước các điểm ra vào chợ, giúp người dân và du khách dễ dàng tìm kiếm. Sắp tới, BQL chợ sẽ gắn thêm tên cho các khu đình bên trong chợ.
Theo bà Thanh, BQL chợ cũng đã làm việc với nền tảng Hue-S để đưa sơ đồ đường trong chợ lên nền tảng này. Hiện tại, đơn vị này đã thu thập toàn bộ thông tin và sẽ lên hệ thống. Khi hoàn thiện, chỉ cần gõ trên mục tìm kiếm sẽ có hướng dẫn chỉ đường cụ thể.
Một vấn đề khác, trước đây, một số khách du lịch tới Huế rất muốn đến chợ Đông Ba để tham quan, mua sắm nhưng ngại tình trạng nói thách, “hét giá” của tiểu thương. Do đó, trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 BQL chợ phát đi thông báo: “Nếu người dân, du khách phát hiện có tình trạng “chặt chém”, “hét giá” ở chợ; chỉ cần quay video lại rồi đến cung cấp ngay cho BQL chợ thì BQL chợ sẽ làm việc với tiểu thương để xác minh thông tin và nếu đúng sẽ trao thưởng 500 nghìn đồng ngay cho người cung cấp. Đồng thời, BQL chợ sẽ đình chỉ hoạt động buôn bán của tiểu thương vi phạm tại chợ 7 ngày, xử lý theo nội quy”.
Trao đổi với PLVN, lãnh đạo BQL chợ xác nhận, từ ngày phát đi thông báo đến nay đã hơn 3 tháng nhưng BQL chợ chưa hề nhận được phản ánh nào của khách hàng về tình trạng “chặt chém”. Điều này chứng tỏ tiểu thương đã thực hiện nghiêm quy định mà BQL chợ đề ra.
Tiểu thương Nguyễn Thị Hương (bán hàng bánh kẹo) rất vui và đồng tình vì đường ở chợ đã được đánh số, ngoài ra việc xử lý nghiêm tiểu thương “chặt chém” là rất tốt, tạo sự minh bạch trong buôn bán.
Thời gian tới, BQL chợ tiếp tục vận động, tuyên truyền bà con buôn bán văn minh, thân thiện; không chèo kéo, không nói thách; buôn bán uy tín, chất lượng.
Chợ Đông Ba dưới thời Vua Gia Long tọa lạc ở bên ngoài cửa Chánh Đông (cửa Đông Ba). Sau biến cố kinh thành Huế 1885 chợ bị thực dân Pháp phá. Năm 1887, Vua Đồng Khánh cho xây dựng lại lấy tên là Đông Ba. Năm 1899, Vua Thành Thái cho dời chợ Đông Ba về vị trí hiện nay. Ngôi chợ với hơn 125 tuổi là 1 trong 3 chợ truyền thống lớn nhất nước, cùng với chợ Đồng Xuân (Hà Nội) và chợ Bến Thành (TP HCM). Chợ Đông Ba có vai trò đặc biệt quan trọng với Huế không chỉ về mặt kinh tế mà còn ở mặt văn hóa, lịch sử.