Nhiều nước châu Âu thay đổi quy định về phòng, chống dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Một số nước châu Âu đã có những điều chỉnh trong quy định về phòng, chống dịch COVID-19, ví dụ như Hà Lan từ ngày 25/9 tới sẽ bỏ quy định về khoảng cách 1,5m giữa hai người, còn Anh sẽ tiêm vaccine cho tất cả trẻ em từ 12 đến 15 tuổi.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo AFP, theo khuyến cáo của 4 quan chức y tế hàng đầu trong nước, Anh vừa thông báo sẽ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tất cả trẻ em từ 12-15 tuổi. “Tôi đã chấp nhận khuyến nghị của những người đứng đầu cơ quan y tế về việc mở rộng tiêm chủng cho những người từ 12 đến 15 tuổi nhằm bảo vệ thanh thiếu niên khỏi nguy cơ bị nhiễm COVID-19, giảm lây nhiễm trong trường học và đảm bảo cho các học sinh được đến trường”, Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Sajid Javid cho biết. Theo Bộ Y tế Anh, chương trình tiêm chủng cho trẻ em ở nước này sẽ được triển khai tại các trường học, với sự đồng ý của phụ huynh hoặc người giám hộ.

Anh là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19, với hơn 134.000 người đã tử vong. Dù đã triển khai chương trình tiêm chủng khá thành công nhưng tỷ lệ ca mắc mới COVID-19 của Anh vẫn ở cao do sự xuất hiện của biến thể Delta. Giới chức Anh lo ngại về khả năng số ca bệnh ở nước này sẽ tăng cao hơn nữa khi các trường học mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ hè.

Theo những người đứng đầu các cơ quan y tế của Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland, cân nhắc với hàng loạt vấn đề như giáo dục và sức khỏe tâm thần cho thấy việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em là cần thiết.

Theo họ, việc tiêm chủng cho trẻ 12-15 tuổi “sẽ giúp giảm lây nhiễm COVID-19 trong trường học. Theo thống kê, có khoảng ba triệu trẻ em ở Anh có khả năng đủ điều kiện để tiêm liều đầu tiên của vaccine Pfizer.

“Việc có một tỷ lệ đáng kể học sinh được tiêm chủng có khả năng làm giảm xác suất xảy ra các vụ lây lan hàng loạt có thể dẫn đến bùng phát dịch ở địa phương trong hoặc liên quan đến các trường học”, những người đứng đầu các cơ quan y tế ở Anh nhấn mạnh.

Trong khi đó, tại Hà Lan, truyền thông nước này cho biết, kể từ ngày 25/9 tới, quy định về khoảng cách 1,5 m giữa mọi người sẽ được hủy bỏ. Cùng ngày, quy định yêu cầu tất cả những người từ 13 tuổi trở lên khi đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và địa điểm văn hóa, bao gồm quán cà phê, phòng nhạc và nhà hát, phải có giấy chứng nhận an toàn với COVID-19 được tích hợp trên ứng dụng CoronaCheck sẽ có hiệu lực. Người dân tại Hà Lan vẫn sẽ bắt buộc phải đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện công cộng, nhất là tại các nhà ga, bến tàu.

Theo các quy định mới, các câu lạc bộ đêm và vũ trường vẫn sẽ không được phép mở cửa. Các nhà hàng vẫn sẽ phải đóng cửa trong thời gian từ 0h00 tới 6h00 hàng ngày. Đầu tháng 7 vừa qua, Hà Lan đã lần đầu tiên cho các cơ sở kinh doanh này được phép hoạt động trở lại sau vài tháng đóng cửa. Đây cũng là giai đoạn Hà Lan ghi nhận một lượng lớn các ca nhiễm mới COVID-19 khi biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng trên khắp cả nước.

Cùng với đó, giới chức Hà Lan vẫn khuyến khích người dân làm việc từ xa nếu có thể. Các biện pháp phòng chống dịch cơ bản như rửa tay thường xuyên và ở nhà nếu có các triệu chứng bệnh cũng vẫn là các biện pháp tiêu chuẩn được khuyến nghị. Theo dữ liệu do Bộ Y tế Hà Lan công bố, khoảng 11 triệu người ở nước này, chiếm 62,4% tổng dân số, đã được tiêm chủng COVID-19 đầy đủ.

Tại Bồ Đào Nha, sau 318 ngày áp dụng theo một đạo luật đã được Quốc hội nước này thông qua vào ngày 28/10/2020 và đã được gia hạn nhiều lần, kể từ ngày 13/9, việc đeo khẩu trang khi ra ngoài trời không còn là quy định bắt buộc.

Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang vẫn là quy định bắt buộc trong các cơ sở giáo dục, giảng dạy và nhà trẻ, trong các không gian thương mại và cơ sở cung cấp dịch vụ, trong các tòa nhà công cộng, rạp chiếu phim hoặc tương tự, trên các phương tiện vận tải hành khách công cộng và ở nơi làm việc khi không thể duy trì khoảng cách được khuyến nghị.

Việc đeo khẩu trang cũng là quy định bắt buộc tại các cơ sở dành cho người cao tuổi, trẻ em, thanh niên và người khuyết tật… Những người bị nhiễm SARS-CoV-2 hoặc có các triệu chứng của bệnh và những người được cho là đã tiếp xúc với một trường hợp đã được xác nhận nhiễm COVID-19 cũng bắt buộc phải đeo khẩu trang, trừ khi họ ở một mình ở nơi cách ly.

Tổng cục Y tế Bồ Đào Nha cũng vẫn khuyến cáo những người “dễ bị tổn thương nhất”, cụ thể là “mắc các bệnh mãn tính hoặc có hệ thống miễn dịch bị suy yếu có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng” đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.

Tại Hy Lạp, theo quy định mới của nước này, các trường hợp không tiêm chủng COVID-19 sẽ bắt buộc phải xét nghiệm và trả phí xét nghiệm. Theo quy định, những người chưa được tiêm phòng sẽ phải nộp bản xét nghiệm điện tử mỗi tuần một lần trong khi các giáo viên, học sinh và những người làm công tác du lịch, văn hóa, truyền thông phải xét nghiệm hai lần một tuần.

Còn tại Italia, ngày 13/9, gần 4 triệu trẻ em tại 10 khu vực của nước này đã trở lại trường học. Italia vẫn giữ nguyên các quy định phòng chống dịch được áp dụng thời gian qua như thời gian vào lớp và kết thúc học khác nhau, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang cho trẻ em, thực hiện giãn cách trên xe bus trường học.

Cùng với đó, Hy Lạp cũng áp dụng thêm quy định mới buộc phải có thẻ xanh COVID-19 khi vào trường đối với các giáo viên, nhân viên nhà trường, nhân viên bên ngoài và phụ huynh học sinh. Thẻ xanh là chứng chỉ kỹ thuật số hoặc giấy cho thấy người được cấp đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 hoặc đã khỏi bệnh.

Đọc thêm