“Nhiễu sự” kiểm tra chuyên ngành

(PLVN) - Thủ tục nhiêu khê, chi phí tốn kém, doanh nghiệp (DN) có cảm giác bị "hành" - đó là phác thảo những bất cập của hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành được các chuyên gia "tả" lại trong Hội thảo “Thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành - Vấn đề và kiến nghị” do CIEM tổ chức sáng ngày 6/9.

Chưa đạt yêu cầu

Ghi nhận có sự chuyển biến trong hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành (KTCN), song theo đánh giá của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW CIEM, hoạt động quản lý, KTCN đang chậm lại và ít được quan tâm, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.

Theo báo cáo của CIEM, một số kết quả tích cực đã đạt được có thể kể đến như: Số mặt hàng phải thực hiện quản lý, KTCN đã giảm từ 100.000 (năm 2015) xuống còn 78.000, tỷ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu phải KTCN tại giai đoạn thông quan chỉ còn 19,4%. Ngoài ra, tính đến tháng 6/2020, đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối với 198 thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa. 

Tuy nhiên, kết quả này chưa đạt được yêu cầu Chính phủ đặt ra. Mục tiêu đặt ra là giảm 50% số mặt hàng KTCN, tỷ lệ kiểm tra tại giai đoạn thông quan là 10%. Đặc biệt, tiếng là có 198 thủ tục hành chính thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia nhưng theo bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nguyên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM, thì “cổng này chưa thực sự hiệu quả”, nhiều thủ tục vừa là thủ tục giấy, vừa online nên vô hình trung tạo thêm gánh nặng cho DN vừa phải đáp ứng thủ tục giấy, vừa lo thủ tục online.

“Những thay đổi tích cực vẫn còn quá ít so với yêu cầu của Chính phủ và cộng đồng DN. Những vướng mắc, bất cập về quy định thủ tục trong quản lý, KTCN vẫn đang là rào cản gây tốn kém thời gian và chi phí của DN” - bà Thảo phát biểu.

Quang cảnh hội thảo.

Kể loại câu chuyện một DN cách đây 5 năm bỏ 7 tỷ đồng để đầu tư nhưng suốt 5 năm không xong thủ tục, DN cay đắng mất 3,5 tỷ đồng tiền lãi, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM - đã phải thốt lên: “Nhìn đâu cũng thấy chi phí, rủi ro, sự bất định của chính sách!”

Lấy nhiều mẫu, kết quả 1, thu phí theo số lần lấy mẫu (!?)

Khẳng định có sự chuyển biến trong quản lý, KTCN, nhưng Phó Viện trưởng CIEM cũng thẳng thắn khi cho rằng trong thời gian qua đã có thêm nhiều rào cản.

Theo rà soát của CIEM, sau gần 2 năm số lượng văn bản quản lý, KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã tăng hơn 120 văn bản. Đặc biệt, đang có bất cập về danh mục mặt hàng quản lý, KTCN do đối tượng rộng (78.000 mặt hàng), có mặt hàng chưa đầy đủ mã HS hoặc chưa đầy đủ tiêu chuẩn, quy chế kỹ thuật. Đáng ngại có khoảng 25 nhóm sản phảm hàng hóa (tương đương với 1.012 dòng hàng tính theo mã HS ở cấp độ 8 chữ số, và tương đương với 1.500 mặt hàng được chi tiết theo tên hàng cụ thể) còn chồng chéo trong thực hiện thủ tục quản lý, KTCN.

Ảnh minh họa: DN phản ánh Bộ NN&PTNT luôn là nơi lấy số lượng mẫu nhiều nhất.

Dẫn chứng về thời gian và chi phí thực hiện thủ tục quản lý, KTCN, bà Thảo cho biết tuy thời gian có giảm hơn trước nhưng vẫn còn dài, dẫn đến rủi ro cho DN (chi phí lưu kho bãi, phạt hành chính do chậm thông quan, lỡ cơ hội kinh doanh…). Đặc biệt, nhiều Bộ ngành chưa cắt giảm chi phí theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm chi phí cho DN. 

Dẫn chứng nhiều nhất được đưa ra trong lĩnh vực nông nghiệp như phí kiểm dịch thú y, phí kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, phí kiểm dịch thực vật… Đặc biệt, theo phản ánh của DN, Bộ NN&PTNT luôn là nơi lấy số lượng mẫu nhiều nhất, số lượng/khối lượng mẫu quá lớn, kết quả chỉ có 1 thử nghiệm nhưng tính phí theo số lượng lấy mẫu (ví vụ 5 mẫu thì mức phí tương đương như 5 thử nghiệm…”

Tự nguyện sao “hành” doanh nghiệp?

Liên quan đến quy định về đăng ký sử dụng mã số mã vạch (MSMV) nước ngoài trên bao bì các lô hàng nhập khẩu, Nghị định 74/2018/NĐ-CP yêu cầu DN phải có Giấy Ủy quyền của nhà nhập khẩu và giấy xác nhận của cơ quan có thểm quyền về đăng ký sử dụng MSMV (Trung tâm MSMV quốc gia, thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng). 

Đây là vấn đề nhiều DN, hiệp hội DN như Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã nhiều lần lên tiếng. Theo đại diện của Eurocham, để có được các giấy tờ này, một tập đoàn nước ngoài với lực lượng luật sư hùng hậu đã phải soạn thảo văn bản, mang lên Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để chỉnh câu chữ rồi mới chuyển ra nước ngoài để có được giấy ủy quyền. Quy trình này mất 34 ngày chưa kể 3 ngày xác nhận trong nước. “Nếu với các DN Việt Nam như VASEP thì đây là quy định đánh đố DN và không cần thiết…” - ông Nguyễn Hồng Uy, Đại diện Tiểu ban thực phẩm và Dinh dưỡng của Eurocham, chia sẻ.

Theo đề xuất của đại diện Eurocham, cần bỏ thủ tục xác nhận này bởi MSMV là tự nguyện áp dụng, DN chỉ cần thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước, nếu sai DN tự chịu trách nhiệm…

Doanh nghiệp không hài lòng là tín hiệu tốt

Trước quá nhiềù vấn đề liên quan đến quản lý, KTCN, nguyên Viện trưởng CIEM - TS Nguyễn Đình Cung - lại có cái nhìn khá lạc quan. Theo ông, một khi DN không hài lòng thì đó là tín hiệu tốt và nên có nhiều cải cách trong tương lai. 

Dẫn chứng về Nghị định 15/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm mà đại diện Eurocham đưa ra khi đề cập đến những chính sách thiết thực đối với DN, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng đây là một thực tiễn tốt cần được nhân rộng.

Tuy nhiên, những chính sách tốt như vậy không nhiều. “Quy định của ta hầu như thiếu tính khoa học, tính thực tiễn, phi lý! Vậy do đâu? Gốc của vấn đề vẫn là tư duy! Tư duy quản lý của ta là theo hướng kiểm soát. Đó là anh làm gì tôi phải biết, phải báo tôi mới được làm!” - nguyên Viện trưởng CIEM băn khoăn. Ông cho rằng đây là vấn đề cốt lõi cần thay đổi.

Một thực tế nữa, theo chuyên gia này, là bấy lâu nay chúng ta vẫn hô hào cải cách thể chế, nhưng nó là gì thì không ai trả lời được. “Không nội hàm được thì không có hành động, không có phương hướng!” - nguyên Viện trưởng CIEM lưu ý.

Đọc thêm