Sáng ngày 6/11, tại Trường THPT Phan Đình Phùng, UBND thành phố Hà Tĩnh và Thành đoàn Hà Tĩnh tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống lừa đảo trên môi trường mạng. Tham dự chương trình có đại diện Tỉnh đoàn; Sở GD& ĐT Hà Tĩnh và các đơn vị phối hợp Viện KSND, Tòa án Nhân dân thành phố cùng với 1.700 cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng.
Tình huống giả định được đưa ra trên một câu chuyện có thật, với chiêu trò dụ dỗ một học sinh trên không gian mạng, mục đích là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo đó, thông qua hình thức vay tiền qua APP tư vấn vay tiền, thanh niên tự xưng là nhân viên ngân hàng để hướng dẫn học sinh có nhu cầu vay tiền lập tài khoản để làm thủ tục rồi lừa đảo lấy mã OTP và chiếm đoạt tài sản.
Phiên tòa giả định được thực hiện thông qua hình thức sân khấu hóa do các học sinh diễn xuất tái hiện sinh động trình tự tố tụng một phiên tòa, nêu bật được nội dung cần tuyên truyền. Ảnh: CTV |
Đây chỉ là tình huống giả định, nhưng với hình thức tuyên truyền pháp luật, Hội đồng xét xử đã có hình phạt nghiêm khắc đối tượng theo quy định của pháp luật. Nhằm răn đe, giáo dục học sinh nâng cao tinh thần cảnh giác, không nghe theo lời dụ dỗ những người không quen biết.
Thông qua phiên tòa giả định đã giúp các cán bộ, giáo viên đặc biệt là các em học sinh hiểu thêm về các quy định pháp luật; các hình thức lừa đảo phổ biến để chủ động phòng, tránh cũng như tuyên truyền người thân không bị lừa đảo trên không gian mạng.
Cũng vào sáng 6/11, huyện Nghi Xuân và huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cùng tổ chức các phiên tòa giả định tại trường học hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam.
Thông qua phiên tòa giả định đã giúp các cán bộ, giáo viên đặc biệt là các em học sinh hiểu thêm về các quy định pháp luật. Ảnh: CTV |
Các phiên tòa giả định này được thực hiện thông qua hình thức sân khấu hóa với nội dung vụ việc cụ thể. Phiên tòa giả định gồm có thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Viện kiểm sát, luật sư, công an, bị hại và người có liên quan, bị cáo... do các học sinh diễn xuất đã tái hiện sinh động trình tự tố tụng một phiên tòa; nêu bật được nội dung cần tuyên truyền.
Phiên tòa giả định được xem là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả với tình huống giả định sát thực tế, nội dung thể hiện sinh động đã giúp các em học sinh cùng những người tham dự phiên tòa nhận thức rõ hành vi sai phạm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội, từ đó góp phần nâng cao ý thức và hình thành chuẩn mực ứng xử.