Tại Hội nghị, các đại biểu nhất trí với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; tán thành quan điểm chỉ đạo, mục đích, yêu cầu, phạm vi sửa đổi, bổ sung cũng như các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Tán thành với những nội dung sửa đổi, bổ sung về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội chỉ rõ, nội dung sửa đổi, bổ sung đã khẳng định vị trí chính trị - pháp lý của MTTQ trong mối quan hệ gắn bó, phối hợp với Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội khác.
Theo bà Bùi Thị An, để MTTQ Việt Nam xứng đáng là bộ phận của hệ thống chính trị và đại diện cho khối đại đoàn kết dân tộc, cần cụ thể hóa quyền của MTTQ Việt Nam, như quyền trình dự án trước Quốc hội, quyền trình dự án pháp lệnh trước Thường vụ Quốc hội.
Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội tán thành với việc chỉ quy định có tính khái quát về việc phân định các đơn vị hành chính tại Điều 110 gồm tỉnh, TP trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính (ĐVHC) dưới tỉnh, TP trực thuộc trung ương, ĐVHC - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập; việc xác định các loại ĐVHC dưới tỉnh, TP trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia ĐVHC, điều chỉnh địa giới ĐVHC do Quốc hội quy định nhằm thể chế hoá Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025.
Ông Đào Ngọc Chuyền cũng tán thành với việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 112 như sau: “Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của chính quyền địa phương từng cấp” nhằm thống nhất chủ trương về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị; Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025 và quy định khác.
Luật sư Đào Ngọc Chuyền cũng nhất trí với cơ chế chỉ định chức danh lãnh đạo sau sắp xếp ĐVHC với lý do tính chất hết sức đặc biệt của việc sắp xếp ĐVHC lần này.
“Ngoài quy mô rất lớn, mang tính toàn quốc của việc sáp nhập tỉnh, TP trực thuộc trung ương, sắp xếp ĐVHC cấp xã, chúng ta còn kết hợp thực hiện chủ trương lớn của Đảng về việc không tổ chức ĐVHC cấp huyện, các cơ quan thuộc chính quyền địa phương cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động cùng thời điểm sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã. Trong điều kiện tổ chức bộ máy có sự thay đổi, biến động lớn như vậy, thời gian còn lại của nhiệm kỳ HĐND chỉ còn lại rất ngắn, đại biểu HĐND ở các ĐVHC hình thành sau sắp xếp được tập hợp từ nhiều ĐVHC trước đó khó có điều kiện nhận biết, đánh giá chính xác về năng lực của đội ngũ cán bộ sau sắp xếp”, ông Chuyền nhận định.
Vẫn theo ông Đào Ngọc Chuyền, để đáp ứng yêu cầu bố trí, sắp xếp cán bộ, đặc biệt là cán bộ đang công tác ở cấp huyện đến làm việc ở cơ quan mới tại cấp tỉnh, cấp xã, khai thác tối đa nguồn nhân lực hiện có thì việc áp dụng cơ chế chỉ định đối với người giữ chức vụ lãnh đạo ở cơ quan UBND, HĐND tại các đơn vị thực hiện sắp xếp là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Ông Đào Ngọc Chuyền cũng chỉ rõ, việc chỉ định, lựa chọn, giới thiệu nhân sự vẫn được tiến hành chặt chẽ, cấp uỷ có thẩm quyền quản lý cán bộ có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của Đảng. Thêm vào đó, cơ chế chỉ định nhân sự thực hiện trong năm 2025 để phục vụ sắp xếp các ĐVHC lần này gắn với các nội dung được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp, còn sau bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 và các năm tiếp theo tiếp tục thực hiện bầu nhân sự bình thường theo quy định hiện hành.
“Thực tế, Đảng và Nhà nước đã có quá trình thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW từ năm 2017, đặc biệt gần đây nhất, từ tháng 12/2024 đến nay, công tác nhân sự được thực hiện chu đáo, rõ người, rõ việc, rõ năng lực cán bộ để sau khi sáp nhập tỉnh có thể chỉ định các chức danh lãnh đạo như quy định tại khoản 3 Điều 2 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013”,
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương khẳng định, các ý kiến góp ý của các đại biểu đều rất xác đáng, tập trung nội dung liên quan trực tiếp đến MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên. Các ý kiến đã nhấn mạnh, làm rõ, phân tích kỹ những nội dung liên quan quyền, trách nhiệm của Mặt trận và các tổ chức thành viên.
Bà Nguyễn Lan Hương cũng đề nghị các tổ chức thành viên của MTTQ cần coi trọng công tác truyền thông chính sách, truyền thông pháp luật, không để sót bất cứ nhóm đối tượng, thành phần nào để Nhân dân được nghiên cứu, được tham gia ý kiến.
MTTQ TP tiếp tục đa dạng hóa hình thức, triển khai sâu rộng, thực chất việc lấy ý kiến Nhân dân. Ngoài tổ chức hội nghị, phải tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến tích cực trên các nền tảng số.
Các báo cáo tổng hợp ý kiến của MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã, các tổ chức thành viên phải được tập hợp và gửi về MTTQ Việt Nam TP đầy đủ, đúng hạn. Trên cơ sở đó, MTTQ Việt Nam TP sẽ tổng hợp, gửi các cơ quan có thẩm quyền.